Dược Hậu Giang được xem là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường. Đây cũng là công ty dược duy nhất nằm trong top 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018, được Forbes định giá 53,7 triệu USD.
Doanh nghiệp này hiện sở hữu danh mục hơn 300 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc, đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia.
Nhìn vào danh mục sản phẩm có thể thấy sự tương đồng giữa Dược Hậu Giang và Taisho - top 5 “đế chế dược phẩm” lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản 7,2 tỷ USD.
Cụ thể, mảng thuốc giảm đau analgesics của Taisho chiếm 28% thị phần ở Nhật Bản, còn Dược Hậu Giang với dòng sản phẩm Hapacol chiếm hơn 14% thị phần tại Việt Nam. Mảng kháng sinh beta-lactam chiếm gần 16% tổng doanh thu của Taisho, trong khi Dược Hậu Giang đang sở hữu một trong những nhà máy beta-lactam lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở vật chất và công nghệ của công ty dược Việt Nam cũng được đánh giá là phù hợp với những thế mạnh sẵn có của Taisho.
Những điểm tương đồng này là cơ sở để đi đến quyết định hợp tác của hai doanh nghiệp dược phẩm. Ngày 6/7/2016, Tổng giám đốc Shigeru Uehara cùng đoàn thành viên HĐQT Taisho đã đến gặp gỡ, làm việc nhiều ngày với ban lãnh đạo Dược Hậu Giang.
Taisho và Dược Hậu Giang đã có 2 năm hợp tác thành công. |
Ngày đầu hợp tác, hai bên đã ký kết thỏa thuận liên doanh (công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu qua công ty con Capital Taisho), nhằm tận dụng năng lực sản xuất và bí quyết kinh doanh của cả hai bên.
Tháng 7/2016, Taisho rót 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần Dược Hậu Giang với mức giá 100.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá thị trường 20-30%. Động thái này nhằm thể hiện cam kết đầu tư mạnh mẽ và nắm giữ dài hạn của Taisho tại Dược Hậu Giang cũng như thị trường Việt Nam.
Ngay sau cam kết, Taisho liên tục cử chuyên gia toàn cầu và chuyên gia hàng đầu Nhật Bản sang tư vấn, hỗ trợ nâng cấp các nhà máy lên chuẩn quốc tế, cũng như theo sát quá trình sản xuất, vận hành nhà máy mới. Hàng loạt công nghệ sản xuất hiện đại, bào chế sản phẩm, đã được hãng dược phẩm Nhật chuyển giao cho Dược Hậu Giang. Song song đó, kỹ sư chuyên viên Dược Hậu Giang cũng có cơ hội sang xứ sở mặt trời mọc để trau dồi chuyên môn kiến thức.
Cuối tháng 3/2017, Taisho hoàn thành kế hoạch hỗ trợ Dược Hậu Giang nâng cấp dây chuyền sủi bọt theo tiêu chuẩn PIC/S-GMP. Với dây chuyền PIC/S, thuốc hạ sốt Hapacol, vitamin sủi Bocalex của Dược Hậu Giang có thể phục vụ cho người dân với chuẩn cao hơn nhưng vẫn giữ được mức giá phải chăng.
Đến tháng 2/2019, dây chuyền viên nén Non-Betalactam của Dược Hậu Giang được Bộ Y tế Nhật cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản (PMDA). Hàng loạt dây chuyền còn lại cũng được Taisho nâng cấp, đang chờ các tổ chức lớn đánh giá và công nhận đạt chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm của Taisho và đối tác bắt đầu được sản xuất tại nhà máy của Dược Hậu Giang. Cùng với đó, Taisho cũng hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Dược Hậu Giang đến các thị trường sẵn có.
“Sự hợp tác giữa Taisho và Dược Hậu Giang thành công ngoài kỳ vọng. Chúng tôi quyết định hợp tác sâu hơn nữa để mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng, cán bộ nhân viên và chính doanh nghiệp”, đại diện ban lãnh đạo Dược Hậu Giang chia sẻ.