Theo báo cáo của SSI Research về triển vọng ngành dược phẩm năm 2021, những người có vấn đề sức khỏe không cấp bách hạn chế việc khám chữa bệnh, dẫn đến doanh số kê đơn và bán thuốc ít hơn.
Tổng doanh thu dược phẩm của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm 11,8% trong giai đoạn 2015-2019.
Trên kênh thị trường ETC (kênh bán theo đơn của bác sĩ), lo ngại lây nhiễm dịch bệnh và quy trình thăm khám bệnh viện nghiêm ngặt trong mùa dịch đã hạn chế số lượng bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ, khiến số lượt khám chữa bệnh toàn quốc từ quý I đến quý III/2020 giảm 10-15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, người dân cũng đã tới bệnh viện sau khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn sau tháng 8, với sự phục hồi về lượt khám chữa bệnh trong quý IV/2020.
Trong khi đó, trên kênh thị trường OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc), nhu cầu đi mua thuốc giảm trong năm do các đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và người dân chuyển từ mua thuốc sang dự trữ nước rửa tay và khẩu trang (không phải là sản phẩm chính của hầu hết công ty dược phẩm) làm giảm doanh thu của toàn ngành.
Nguồn: Báo cáo BMI, SSI Research. |
SSI Research cũng cho biết do thiếu hụt nguồn cung cấp nguyên liệu dược phẩm chính từ Trung Quốc/Ấn Độ khiến chi phí sản xuất thuốc tăng cao. Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến trong khi doanh thu dược phẩm Việt Nam lại giảm hoặc tăng rất thấp trong năm 2020 nên hầu hết nhà sản xuất không thể tăng giá bán để bù lại mức tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận chung của toàn ngành.
Hiện tại, thuốc nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Cụ thể, nhập khẩu thuốc tăng mạnh trong năm 2020 ở mức 10,3% so với năm 2019, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm 8,2% giai đoạn 2015-2019. Nguyên nhân đến từ nhu cầu nhập một số thuốc điều trị Covid-19 từ các công ty thuốc nước ngoài tăng mạnh.
Theo đó, tổng doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam đạt 10.800 tỷ đồng, giảm -1,3% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế của các công ty này đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 12,6%.
Ngoài ra, năm 2020 còn chứng kiến một số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành dược phẩm đáng chú ý. Tổng giá trị M&A năm 2020 ước tính là 1.680 tỷ đồng.
Thương vụ giá trị lớn nhất là Tập đoàn SK (Hàn Quốc), chuyên về thuốc điều trị ung thư, thần kinh và tim mạch, chi ra 920 tỷ đồng mua 25% cổ phần của Công ty Dược phẩm Imexpharm (IMP); thương vụ Stada (Đức), chuyên sản xuất thuốc generic, chi 405 tỷ đồng nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Pymepharco từ 70% lên 76%; ASKA (Nhật Bản), chuyên về thuốc tiêu hóa, hóc môn và sản phụ khoa, chi 350 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần Dược phẩm Hà Tây.
Nhóm phân tích cho rằng ngành dược nhạy cảm với Covid-19 nhưng đang dần phục hồi. Đồng thời, dự báo doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng 15% so với cùng kỳ.
“Chúng tôi ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại. Ngoài ra, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe”, báo cáo nêu.