Trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo” công bố ngày 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng tác động từ Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hai cú sốc này làm cho tăng trưởng ở mức thấp nhất là 4,77% năm 1999 và 5,4% năm 2009, vẫn còn cao hơn so với năm 2020 (2,91%). Tuy nhiên, Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận Covid-19 có thể chỉ mang tính tạm thời, không kéo dài như hai cú sốc tài chính năm 1997 và 2008.
Điểm khác biệt lớn nữa là có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. “Covid-19 đặt nền kinh tế dưới nhiều thách thức, đồng thời tạo cơ hội lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số. Xu hướng chuyển đổi số đã bắt đầu từ mấy năm gần đây, nhưng Covid-19 xuất hiện thúc đẩy quá trình này nhanh hơn”, báo cáo nêu.
Theo ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2020, doanh nghiệp phát triển công nghệ học từ xa (edtech) tăng trưởng mạnh chưa từng có. Truyền thông trực tuyến cũng tăng trưởng 18%, thương mại điện tử tăng 46%.
Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm; đồng thời tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhìn sang năm 2021, báo cáo cho rằng mặc dù Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.
Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Báo cáo cũng lưu ý các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Nhóm nghiên cứu lưu ý trong bối cảnh rủi ro, khó đoán định của giai đoạn tới, các chính sách phải tập trung vào việc cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi các yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020, vậy các yếu tố đó sẽ còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021.
Đồng thời, cần phải tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt.
Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.