Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng tự hào mình nghèo mà giỏi, hãy tự hỏi vì sao học giỏi mà nghèo

Lời nói của cậu bạn cá biệt khiến Chảo Yến ấm ức, nhưng sau này, cô luôn coi đó là lời dạy, một động lực để vượt khó.

Thật ra vẫn còn một lý do nữa khiến tôi thấy đường về nhà nặng bước chân.

Đó là anh Tài. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem có nên nói điều này ra hay không và tôi quyết định sẽ nói.

Tai sao hoc gioi van ngheo anh 1

Chảo Thị Yến. Ảnh: Fb nhân vật.

Vết thương đau nhất là từ lời nói

Thời gian đầu tôi đi học, anh Tài vẫn rất thương tôi. Anh đi làm thuê đủ mọi việc bên Trung Quốc để phụ bố mẹ nuôi chị và hai đứa em đi học.

Anh rất khỏe, anh đi cuốc nương nửa buổi chiều bằng tôi cuốc cả ngày, anh chẳng nề hà việc gì, lại là người rất tốt nên cả làng quý. Anh ít nói, rất ít nói, nên cả tôi cũng không hiểu anh nghĩ gì, vì thế cũng không biết anh có thích đi học không.

Tôi khi ấy chỉ nghĩ cho bản thân, chỉ vì cái niềm khao khát đến trường mà cứ cố chấp đi, còn anh, anh có tấm lòng bao la hơn tôi, anh lo cho bố mẹ hơn tôi nên anh không cho phép bản thân anh muốn đi học, có lẽ thế.

Nhiều lần tôi cũng thấy tủi thân thay anh, vì cả nhà ba chị em đều được đi học, chỉ mình anh phải ở nhà, nhưng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, sau này tôi học xong, tôi có việc làm rồi, nhất định tôi sẽ lo cho anh và bố mẹ tôi.

Những lần về nhà, anh đèo tôi xuống phố bắt xe xuống trường, tôi hay nói với anh: “Anh Tài, anh đừng lấy vợ sớm nhé, anh phải đợi em học xong, nhà mình đỡ nghèo rồi hãy lấy vợ”.

Anh nói: “Anh biết rồi, cũng đã có ai lấy đâu”. Vậy là tôi lại thấy yên tâm. Tôi không biết tôi yên tâm vì điều gì, chỉ là tôi thấy an lòng khi anh chưa muốn lấy vợ. Tôi thật ích kỷ!

Dần về sau, tôi với anh Tài chẳng còn có thể nói chuyện với nhau được nữa, hoặc có nói nhưng rất ít. Tôi vẫn rất muốn nói chuyện với anh, nhưng mỗi lần nhìn anh, tôi lại thấy sợ và đau lòng. Hơn ai hết, tôi là người cảm nhận rõ nhất những gì anh đang trải qua, nên tôi thấy như chính mình mới là người phá hủy anh Tài của tôi ngày xưa.

Bố mẹ kể: “Anh Tài bây giờ không chịu khó đi làm nữa Yến ạ, anh lười lắm, chỉ thích đi săn thú với gà rừng hoặc là ngủ cả ngày thôi, anh con thay đổi thật rồi”.

Bố mặt đen sạm, nhăn trán, nheo mắt khi mặt trời vô tình rọi vào mặt, bố nói: “Anh con bị các cậu, các thím nhà con nói ra nói vào nhiều quá nên bây giờ không còn như trước, hôm nọ anh con nói bố mẹ không thương anh”, rồi bố ngắt lại, ánh mắt đầy cay đắng.

Tôi biết rõ những gì mấy ông chú bà thím nhà tôi hay nói với anh Tài, bởi những câu đấy họ cũng từng nói với tôi hồi tôi chưa được đi học. Thím nói với tôi: “Tội nghiệp Yến với Tài, ngày nào cũng lên rẫy, làm bao nhiêu cũng đưa hết tiền cho cái Mai, chứ hai đứa chẳng được gì”.

Bác tôi cũng nói: “Bố mẹ mày thiên vị cái Mai, mày với thằng Tài vất vả làm quần quật chẳng được gì, làm bao nhiêu cũng không được tiêu”.

Thằng Tâm thì bị cho vào diện bị ghét, các bác được dịp: “Bố mẹ cháu ấy, cứ như chỉ có Mai với Tâm là con ruột, còn cháu với Tài cứ như người làm vậy”.

Tôi là đứa rất ít khi bị lay động bởi những kiểu nói xấu sau lưng, nên dù các thím, các bác có nói gì tôi cũng im lặng. Cũng có lúc tôi thấy tủi thân, nhưng mỗi lần chị về nhà, tôi vui trở lại và quên hết những lời nói đó.

Còn anh Tài, anh phải chịu đựng nhiều hơn tôi trong thời gian dài hơn tôi với nhiều lời lẽ nặng nề hơn tôi, vậy nên sau này anh không còn là anh Tài ngày xưa của tôi nữa.

Mẹ lại vừa kể vừa ngậm nước mắt: “Hôm nọ đi cấy, cậu Minh nói bố mẹ không thương anh Tài, bố mẹ không lo cho anh Tài, chỉ lo cho mấy đứa đi học. Cậu nói để xem sau này là cái thằng suốt ngày cuốc đất nuôi bố mẹ hay mấy đứa đi học nuôi bố mẹ”.

Mẹ nói với cậu: “Con nào chả là con, tại Tài không đi học nên đi làm rẫy, chứ Tài mà đi học thì hai mạng già này cũng sẽ lại cố gắng làm đến hơi thở cuối cùng để nuôi. Cậu là cậu nó, là em trai chị, đã không an ủi được cháu thì thôi, đằng này lại suốt ngày xuyên tạc sau lưng, chẳng trách Tài bây giờ không chịu làm”.

Mẹ mắng cậu như thế tức là sự chịu đựng của mẹ đã vượt quá giới hạn, là khi sự cay đắng đủ để mẹ không còn muốn nhìn mặt cậu nữa. Nhìn bố mẹ buồn, tôi chỉ biết an ủi: “Sau này anh con sẽ hiểu thôi, bố mẹ không phải nghĩ nhiều đâu”.

Tôi thương anh nhiều hơn, nhưng tôi không cách nào để chia sẻ với anh, không cách nào mở miệng hỏi anh lý do thật sự phía sau là gì và tôi lại chọn sự im lặng. [...]

Cuộc đời này là thế, vết thương đau nhất, để lại sẹo sâu nhất chính là từ lời nói. Những lời nói tiêu cực mà cứ liên tục nói ra trong một thời gian dài sẽ trở thành một gánh nặng vô hình, một nỗi ám ảnh khiến ta vốn chẳng còn biết đâu là chân lý.

Tai sao hoc gioi van ngheo anh 2

Sách Đường ngược chiều. Ảnh: Sống.

Nói xấu đúng thời điểm, lại là chất kích nổ

Nhưng cũng những lời nói xấu, mà nói ra đúng thời điểm, lại như kích ngòi cho quả bom đấu tranh trong bạn nổ ra một cách mạnh mẽ mà sự kiểm soát khi ấy là không cần thiết.

Thằng Hoàng là học sinh cá biệt ở lớp A3, sau đó được chuyển sang lớp tôi. Vậy là nguyên “nồi” cá… biệt nhận thêm một “con cá” nữa.

Nó nhanh chóng hòa nhập với các bạn trong lớp tôi, nhưng với cương vị là lớp trưởng, tôi không thể để cậu ta muốn ngủ trong lớp là ngủ, muốn dùng điện thoại trong giờ là dùng, muốn đi học là đi và muốn nghỉ là nghỉ.

Điều tôi thấy không thể cho qua nhất là hành vi nói chuyện trong lớp, cứ vào lớp là nó với các bạn khác lại ồn ào nói đủ các chủ đề từ bản làng, xã phường, xa hơn là cấp tỉnh, cấp trung ương quốc gia, rồi tràn lan sang quốc tế.

Thế là tôi quát nó, nó quát lại tôi: “Này, tớ nói cho lớp trưởng biết nhé, đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, mà hãy tự hỏi vì sao mình học giỏi mà vẫn nghèo”.

Một ngụm nước mắt trong miệng khiến tôi không thể nào nói gì thêm nữa. Đó là một sự tổn thương sâu sắc chạm đến tận cùng của vết thương lòng mà tôi không bao giờ muốn khơi lên.

Tính tôi hay khóc, nhưng từ khi lớn lên và ý thức được mọi chuyện, tôi cố không khóc trước mặt người khác. Dù đau lòng cỡ mấy nhất định tôi sẽ ấn nó xuống, để đêm về hay ít nhất là khi một mình tôi mới khóc.

Nhưng nếu để tôi mở miệng nói ra là kiểu gì cũng không ghìm cơn khóc xuống được. Lần đó cũng thế, thằng Hoàng nói xong, tôi không còn nói thêm lời nào.

Tôi im lặng, nhưng đêm đó về, tôi khóc cả đêm. Tôi thấy rất tổn thương. Tôi thật sự muốn bỏ cuộc. Nhưng càng muốn bỏ cuộc bao nhiêu thì quyết tâm đi học trong tôi lại trào dâng bấy nhiêu.

Tôi tuyên bố với hội Mây và Nhật: “Tao nhất định sẽ trở thành người đỗ đại học ở xã mình”, mặc dù khi ấy đại học vẫn còn hơi mơ hồ và khá xa vời. Nhưng vì tôi đã tuyên bố nên tôi phải thực hiện được, tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là tôi học đại học xong sẽ giàu.

Mỗi lần tôi thấy muốn bỏ cuộc, câu nói của thằng Hoàng lại vang bên tai tôi, vậy là năng lượng lại tự dâng lên đột ngột như vừa được xung ít điện vài nghìn “ki-lo-oắt” vậy.

Cũng nhờ thằng Hoàng và các bạn trong lớp nên vẫn như thường lệ, thầy Sa Anh “ưu ái” lớp tôi một cách tuyệt đối. Lớp tôi luôn được thầy nhắc đến mỗi giờ sinh hoạt như là một tập thể điển hình, là thước đo hoàn hảo nhất để xếp loại thi đua vượt bét.

Và cũng do lớp tôi buộc thầy Sa Anh phải kéo dài buổi sinh hoạt, để thầy kể cho cả trường nghe về một câu chuyện, câu chuyện về hai anh người dân tộc.

Thầy kể, ngày trước ở trường nội trú, có hai cậu người dân tộc đỗ đại học hệ cử tuyển. Mới từ trên núi xuống chưa quen, nên năm đầu hai anh học rất bình thường.

Thế nhưng từ năm hai trở đi, hai anh ấy cố gắng gấp nhiều lần những người bình thường, kết quả là mấy năm liền hai anh là sinh viên xuất sắc, sau được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Nhưng vì học cử tuyển, nếu ở lại trường dạy các anh sẽ bị tỉnh phạt tiền, nên các anh về phục vụ quê hương.

“Đấy, các em thấy không? Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được, chúng ta phải cố gắng, chỉ có cố gắng chúng ta mới trở nên xuất chúng được. Các em ạ! Bây giờ các em mà không cố gắng, các em sẽ lại về với bản, với tiêu chí giàu là: Mỗi gia đình một năm thu hoạch được tấn thóc, có hai con gà mái, một con gà trống, một con lợn nái với một con trâu, như thế bao giờ các em mới thoát được cảnh nghèo đói".

"Nhất là cái lớp 11A4 kia kìa, tôi nói thật là A4 rất thông minh, các em rất thông minh, thậm chí các em thông minh hơn các bạn khác, nhưng vì các em đang ở độ tuổi muốn chứng minh bản thân nên các em không cố gắng".

"Cậu Quẩy, cậu Kiên, cậu Hoàng rồi cậu Tùng, các em đều rất thông minh, gia đình lại điều kiện, tại sao các em không dùng cái sự thông minh ấy để mà cố gắng?”.

Đó là buổi chào cờ im lặng nhất, nghiêm túc nhất của trường từ xưa đến nay. Tất cả đều ngồi im, từng câu, từng chữ của thầy nhẹ nhàng len lỏi vào não và thôi miên tôi tự lúc nào không hay.

Tôi thuộc từng câu, từng từ, từng lời thầy nói, nhất là tiêu chí giàu của bản làng trên tôi. Tôi càng thêm quyết tâm để đỗ đại học, để chứng minh cho thằng Hoàng thấy: Học giỏi sẽ giàu.

Thế nhưng càng cố gắng chứng minh, tôi càng thấy lời thằng Hoàng nói là đúng, trước đó tôi tổn thương là vì chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói, bây giờ tôi hiểu hết thì mới ngộ ra đó chính là một lời dạy. Chính câu nói này đã tác động rất mạnh đến tôi, nó luôn đồng hành cùng tôi trên mọi chặng đường khó khăn sau này.

“Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi vì sao mình học giỏi mà vẫn nghèo”.

Du học, con đường dễ dàng đến tương lai?

Du học không phải con đường duy nhất dẫn đến tương lai. Du học có thể nói là một chướng ngại vô cùng to lớn mà các bạn trẻ phải vượt qua trước khi chạm ngưỡng thành công.

Trích sách "Đường ngược chiều"

SÁCH HAY