Giữa tháng 11 Âm lịch đến nay, hơn 100 hộ dân ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) lại tất bật cho vụ thu hoạch mía, ép lấy mật cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Theo người dân địa phương, nghề nấu mật mía đã có hơn 50 năm qua. Cây mía sau một năm trồng sẽ cho thu hoạch để ép mật. Trung bình, mỗi gia đình tại đây trồng một sào đến 1 ha. |
Từ 4h sáng, ông Trần Văn Long (58 tuổi) cùng vợ Lê Thị Quý (56 tuổi, trú thôn 3, xã Thọ Điền) thức dậy gom mía vào ép. Nơi sản xuất mật mía của gia đình là căn bếp rộng hơn 60 m2. Khu vực này được đặt máy ép mía kéo bằng sức trâu và bếp nấu mật. |
"Đây là nghề truyền thống hơn 40 năm qua của gia đình. Cả xã có hàng trăm hộ dân làm nghề nấu mật mía nhưng đa số họ dùng máy cơ giới ép, ít người dùng sức trâu và nấu thủ công như vợ chồng tôi", ông Long nói. |
Hai trụ sắt ép mía cao khoảng 60 cm, đường kính 30 cm, có ổ bi được đặt cạnh nhau. Một trụ có trục xoay được ông Long cố định bằng gỗ và một thanh gỗ dài khoảng 3 m để buộc vào cổ trâu. Khi trâu di chuyển vòng quanh, trụ sắt sẽ quay, cây mía được bỏ vào khe hở nhỏ của hai trụ sắt để ép mía lấy nước. Mía được ép 4 lần sẽ hết nước. |
Nước mía sau khi ép được đổ vào thùng nhôm chờ lắng và chảy qua màng lọc vào chiếc chảo lớn đặt trên bếp. |
Việc nấu mật mía phải dùng bếp lò xây kín, dùng củi gỗ để cháy rực liên tục trong nhiều giờ. |
"Việc nấu mật không quá cầu kỳ nhưng phải luôn túc trực để vớt bọt nước không bị trào ra bếp. Mỗi nồi mật phải nấu 3-4 tiếng mới có thể đặc, thơm ngon và màu đẹp", bà Quý nói và cho biết việc giữ lửa cháy đượm liên tục là quy tắc thiết yếu nhất cho chất lượng, màu sắc của mật. |
Mật mía khi chín sủi bọt, đặc quánh được múc vào xô, chum, vại... để nguội, chờ đóng chai. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông Long dùng sức trâu ép được hơn 200 lít nước mía, nấu được 30-35 lít mật. Giá bán mỗi lít mật mía là 45.000 đồng hoặc 30.000 đồng/kg. |
Mật mía ở xã Thọ Điền màu sắc đẹp, thơm ngon nên được nhiều người ưa thích. Mật mía có thể dùng để chấm với bánh chưng ngày Tết, hoặc làm gia vị kho cá, nấu chè, bánh ngào... |
Bã mía sau khi được ép lấy nước nấu mật được người dân gom phơi làm củi hoặc cho gia súc ăn. |
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, cho biết toàn xã có hơn 100 hộ dân trồng mía, với diện tích gần 30 ha. Trung bình mỗi năm, làng mía của địa phương cung cấp ra thị trường gần 160 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân nguồn thu khá. |