Chưa đầy 1 tháng nữa nữa đến Tết Nguyên đán nhưng các ngọn đồi trồng cam ở huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê...(Hà Tĩnh) đã chín vàng. Dù thương lái đã đến tận vườn đặt mua với giá cao, nhiều chủ vườn vẫn bán kìm hàng, chờ tăng giá dịp Tết. |
Theo người dân xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), vùng trồng cam trên địa bàn chủ yếu trồng các giống cam muộn như Xã Đoài, cam ngọt V2. Từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay, các vườn cam đã chín vàng, thương lái khắp nơi đến tận vườn đặt mua. Tuy nhiên, một số vườn vẫn kìm hàng, chờ bán dịp Tết để có giá cao hơn. |
Anh Phạm Văn Trường (30 tuổi, trú thôn 1, xã Quang Thọ) nói gia đình có hơn 200 gốc cam chanh ở độ tuổi thứ 6 đang cho thu hoạch. Vườn cam không dùng màn hay túi bọc nên lúc chín có màu vàng đậm, vị ngọt và thơm mát hơn. |
"Năm nay, sản lượng cam khoảng 6 tấn, ít hơn các năm trước song giá cả cao hơn nên trừ chi phí mỗi vụ cũng thu về vài trăm triệu đồng. Năm nay, giá cam ở mức 35.000-45.000 đồng/kg và có thể tăng lên hơn 60.000 đồng/kg dịp cận Tết.", anh nói. |
Nhiều gốc cam trĩu quả nên người trồng phải dùng dây buộc hoặc cọc chống để hạn chế gãy cành hoặc quả chạm đất sẽ bị hỏng. |
Cam rụng hoặc cỏ phủ kín gốc cam sẽ được người trồng thu dọn, phun chế phẩm sinh học, ủ thành phân bón cho cam thay vì bón các loại phân hóa học. |
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, toàn huyện có khoảng 3.500 tấn cam cung ứng cho thị trường năm nay. Chất lượng cam dịp này đồng đều, to, đẹp hơn các năm trước nên giá cao cao hơn 15.000-20.000 đồng/kg, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho người dân |
Còn tại huyện Hương Sơn, nơi được xem là thủ phủ cam bù đặc sản với hơn 1.000 ha. Giống cam này hiện đã chín mọng trên các ngọn đồi ở xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm... |
Người trồng cam cho biết năm nay thời tiết thất thường khiến sản lượng cam giảm hơn năm trước. Ngoài ra, nhiều diện tích cam bù bị sâu bệnh đã hư hỏng, không đảm bảo chất lượng quả nên người dân phải chặt bỏ để trồng mới. |
Để đảm bảo cho cây cam phát triển, người trồng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun tự động và dùng chế phẩm sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. |
"Gần 200 gốc cam bù khoảng 10 năm tuổi của gia đình năm nay đạt sản lượng hơn 2 tấn. Với giá bán hiện tại 20.000-45.000 đồng/kg, các vườn đều đang chờ giá tăng lên dịp cận Tết để có thêm thu nhập", anh Bằng (37 tuổi, trú xã Sơn Trường), bày tỏ. |
Dịp này, thương lái và người dân mang cam bù ra các chợ hoặc dọc đường Hồ Chí Minh qua huyện Hương Sơn để bán lẻ. Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương cho biết cam bù là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn. Cây cam giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng nhờ trồng cam. |