Màn so tài đỉnh cao giữa Man City và Real Madrid đã kết thúc theo cách kịch tích nhất khi hai đội phải giải quyết thắng thua bằng loạt luân lưu.
Dù được xem như trò chơi may rủi, dưới góc độ khoa học và công nghệ dữ liệu, các đội bóng hoàn toàn có thể cải thiện rõ rệt tỷ lệ chiến thắng trên chấm 11 m nhờ khâu chuẩn bị.
Điều này cũng lý giải vì sao có đến 5/10 cú sút trong loạt luân lưu giữa Real và Man City cùng hướng đến vị trí 'vàng' khi sút phạt 11 m. Ở chiều ngược lại, trong lượt sút thứ hai, Bernardo Silva sút vào chính giữa khung thành, và thủ thành Lunin của Real đã có lựa chọn táo bạo khi không nhảy sang hai phía.
Lựa chọn của số đông
Loạt "đấu súng" giữa Real và Man City đưa người xem đi đến mọi cung bậc cảm xúc. Julian Alvarez hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cầu thủ sút quả phạt đền đầu tiên. Trong khi đó, Luka Modric - cầu thủ dày dặn kinh nghiệm nhất trên sân lại đá hỏng ở ngay lượt đầu của Real Madrid.
Tuy nhiên, Lunin sửa sai cho đàn anh với hai pha cản phá thành công cú đá của Bernardo Silva và Mateo Kovacic.
Lucas Vazquez, Nacho và Rudiger không mắc sai lầm nào khi thực hiện thành công các lượt sút còn lại để biến Man City thành cựu vương Champions League.
Lunin tỏa sáng rực rỡ với hai pha cản luân lưu thành công. Ảnh: PA. |
Đi sâu vào phân tích, có đến một nửa cú sút trong loạt luân lưu được các cầu thủ nhắm thẳng đến vị trí góc dưới, bên trái cầu môn.
Đây không phải điều ngạc nhiên bởi theo thống kê từ các cú sút phạt đền ở các đấu trường lớn như World Cup, Champions League hay Europa League, một cú sút tầm thấp nhắm vào góc dưới bên trái cầu môn luôn được xem là "góc sút" ưa thích của các cầu thủ.
Cụ thể, theo kết quả từ một nghiên cứu năm 2016 của tác giả Carlos Almeida với mẫu là 536 cú sút phạt đền ở Champions League và Europa League, có đến gần 60% cú sút thành công là nhắm đến khu vực góc dưới hai bên cầu môn.
Trong khi đó, khu vực hướng về góc cao của cầu môn lại cho hiệu suất thành công ấn tượng, lần lượt là 83% ở góc cao bên trái và 93% là góc cao bên phải.
Nói một cách đơn giản, những cú sút hướng về phía góc cao khung thành khó cản phá hơn nhiều, nhưng đổi lại cầu thủ thực hiện là dễ sút trượt hơn.
Từ đó, các nhà phân tích cho rằng nhiều cầu thủ có xu hướng chọn một cú sút có khả năng trúng đích cao, bất chấp nguy cơ bị cản phá hơn là mạo hiểm sút góc khó nhưng dễ đá trượt.
Điều này cũng được thể hiện trong trận đấu khi có đến 8/10 lượt sút được các cầu thủ Real và Man City nhắm đến các góc sút tầm thấp ở hai góc khung thành.
Thống kê 536 cú sút phạt đền ở Champions League và Europa League từ 2010 đến 2015. Ảnh: The Guardian. |
Chỉ duy nhất Phil Foden lựa chọn mạo hiểm với một cú sút về góc cao bên trái, và phần thưởng cho anh là thủ thành Lunin không có bất kỳ cơ hội nào để cản phá.
Alan Shearer, cựu danh thủ người Anh và cũng là một chuyên gia sút phạt đền với 56 lần thực hiện thành công ở Ngoại hạng Anh cũng ưa thích cách đá này.
"Góc sút ưa thích của tôi là nóc lưới bên phải thủ môn. Tôi luôn tin rằng nếu mình nhắm vào đó, với tốc độ như mong muốn thì thủ môn sẽ không bao giờ cản phá được”, Shearer nói với The Athletic.
Bernardo Silva lý trí, Lunin táo bạo
Bước vào loạt sút luân lưu, Silva tạo ra một trong những pha dứt điểm dở nhất. Cầu thủ người Bồ Đào Nha sút nhẹ, lại đưa bóng đi chính diện vào vị trí thủ môn Andriy Lunin đang đứng.
Trên mạng xã hội, không thiếu những bình luận cho rằng Bernardo Silva vô trách nhiệm khi thực hiện một pha đá phạt đền quá cẩu thả.
Thực tế, lựa chọn góc sút của tiền vệ Man City không hẳn là vô lý. Tờ Guardian trích dẫn một bài báo năm 2009 phân tích 311 quả đá phạt đền từ nhiều giải đấu chuyên nghiệp trên khắp thế giới cho thấy những cú sút vào giữa khung thành ít có khả năng bị cản phá hơn so với những cú sút hướng sang các góc khung thành.
Opta thống kê những cú sút phạt đền nhắm vào trung tâm và hướng đến góc cao có tỷ lệ thành công là 97,8%. Ảnh: Opta. |
Số liệu thống kê tại Ngoại hạng Anh từ Opta cho thấy việc sút vào góc thấp bên trái có tỷ lệ thành công là 77,2%, còn bên phải là 80%. Trong khi đó, những cú sút nhắm vào trung tâm và hướng đến góc cao có tỷ lệ thành công là 97,8%.
Với tốc độ của những quả đá phạt đền, thủ môn hiếm khi có thể chờ đợi và phản ứng theo hướng của cú đá.
Thay vào đó, những người gác đền sẽ đoán xem cầu thủ sẽ sút theo hướng nào dựa trên ngôn ngữ cơ thể và hiểu biết của họ về những quả phạt đền trong quá khứ của đối phương.
Từ đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các thủ môn thường buộc phải lao sang trái hoặc phải khi đối mặt với một quả phạt đền.
Cụ thể, mặc dù có đến gần 1/3 số quả phạt đền được thực hiện nhắm vào giữa khung thành, các thủ môn hiếm khi chọn đứng im để bắt (6,3%) mà hầu hết là thích đổ người sang trái (44,4%) hoặc phải (49,3%).
Điều này xuất phát từ việc những người gác đền muốn chứng tỏ rằng họ đang cố gắng cứu bóng, đồng nghĩa là việc không hành động, tức đứng ở giữa khung thành hiếm khi được chọn làm phương án.
Thống kê tại Ngoại hạng Anh cho thấy chỉ có chưa đến 5% trường hợp các thủ môn chọn đứng nguyên tại chỗ để cản phá phạt đền. Ảnh: The Athletic. |
Suy cho cùng, việc Bernardo Silva chọn phương án có khả năng thành công cao nhất là không hề sai. Chỉ tiếc cho anh là Andriy Lunin cùng các đồng đội đã lường trước việc sẽ có một cầu thủ Man City sút vào giữa khung thành.
“Tôi cần phải mạo hiểm với một trong những cú đá. Cả đội biết sẽ có một cú đá vào giữa khung thành và cảm ơn trời, sự mạo hiểm đã mang về kết quả có lợi cho chúng tôi”, Lunin nói với Movistar.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.