Nhà hát Steve Jobs ở Cupertino, California. Ảnh: Bloomberg. |
Steve Jobs thường được nhớ đến như một người có tầm nhìn đi trước thời đại. Gu thiết kế tinh tế, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết và luôn tạo ra những sản phẩm kết hợp liền mạch giữa hình thức và chức năng là những gì làm nên tên tuổi của Jobs và Apple. Những đóng góp của ông cho thiết kế sản phẩm vẫn được coi là tiêu chuẩn trong giới công nghệ.
Tuy nhiên, không phải mọi sáng kiến của cố CEO Apple đều được mọi người yêu thích. Ngôn ngữ thiết kế dạng mô phỏng (skeuomorphic) trên hệ điều hành MacOS từng bị chỉ trích và gây nhiều tranh cãi trên các dòng sản phẩm Táo khuyết. Điều còn bất ngờ hơn là nguồn cảm hứng cho thiết kế này đến từ lớp bọc ghế trong chuyên cơ của Steve Jobs.
Nội bộ Apple tranh cãi chỉ vì một thiết kế
Là phong cách thiết kế mô phỏng sao cho giống thật nhất có thể, skeuomorphism sử dụng các hình ảnh dễ liên tưởng đến vật thể thực tế.
Ví dụ biểu tượng của đồng hồ sẽ giống như chiếc đồng hồ ngoài đời thực, biểu tượng máy tính sẽ có hình dáng của một máy tính thông thường... Steve Jobs tin rằng cách làm này sẽ giúp giao diện trở nên đơn giản và dễ sử dụng nhất có thể.
Phong cách thiết kế mô phỏng từng gây tranh cãi trong nội bộ Apple. Ảnh: Apple. |
Máy tính Macintosh vào những năm 1980 đã sử dụng chính tính ẩn dụ trong thiết kế skeuomorphism để mô tả vật thể trong thế giới thực như PC, thùng rác, thư mục, máy in và các biểu tượng khác.
Đến khi ra mắt iPhone vào năm 2007, hãng vấn tiếp tục sử dụng thiết kế mô phỏng nhằm mang lại sự quen thuộc cho người dùng. Skeuomorphism trở thành lối thiết kế chủ đạo trên hệ điều hành của Apple vào năm 2012, nhưng lại bị chê.
Lối thiết kế mô phỏng cũng trở thành chủ đề được tranh luận lớn bên trong nội bộ Apple vào thời đó.
Phó chủ tịch cấp cao iOS Scott Forstal đã ủng hộ hướng thiết kế này, trong khi nhà thiết kế công nghiệp huyền thoại Jony Ive và các giám đốc điều hành khác lại chỉ trích.
Thiết kế mô phỏng chỉ da trên app lịch ngày xưa. Ảnh: Apple. |
Nguồn tin nội bộ còn cho biết chính Steve Jobs là người khuyến khích cách làm này.
"Kiểu thiết kế mô phỏng đường khâu chỉ trên vải da của iCal lấy cảm hứng từ chuyên cơ Gulfstream của ông ấy”, một cựu nhân viên mảng thiết giao diện người dùng nói với Fast Company.
Nhưng có không ít email trao đổi nội bộ giữa nhân viên Apple nói rằng kiểu cách này "thật đáng xấu hổ, thật khủng khiếp".
Ám ảnh với nội thất máy bay, Steve Jobs áp dụng lên cả iOS
Đến năm 2012, Forstal bị sa thải. Jony Ive cùng những người khác đã tiếp quản mảng thiết kế của iOS. Cuối cùng, Apple đã thay thế các yếu tố skeuomorphic bằng thiết kế phẳng và giảm bớt tính ẩn dụ trong iOS 7 năm 2013 - gần 2 năm sau khi Jobs qua đời.
"Khi ngồi xuống và cùng phát triển iOS, chúng tôi nhận ra mọi người đã thoải mái với việc chạm vào mặt kính. Họ không cần nút vật lý và hiểu rõ lợi ích của màn hình cảm ứng.
Vì vậy, việc không cần phải tham chiếu đến thế giới thực đã mang lại một sự tự do cho khâu thiết kế. Chúng tôi đang cố tạo ra một giao diện ít cụ thể hơn, đưa thiết kế iOS ra khỏi lối mòn cũ”, Ive nói với tờ USA Today vào năm 2013.
Nhưng tại sao Steve Jobs lại ám ảnh với thiết kế trên chiếc chuyên cơ của mình như thế?
Nguồn cảm hứng cho thiết kế đến từ lớp bọc ghế trong chuyên cơ của Steve Jobs. Ảnh: Liberty Jet. |
Sau khi rời khỏi Apple vào năm 1985, Jobs đã quay lại năm 1997 khi công ty đang trên bờ vực phá sản. Do đó, ông được giao một nhiệm vụ không tưởng: cứu sống cả một tập đoàn. Trong vòng 3 năm, Jobs đã tạo ra bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử và mở đường cho Apple trở thành thương hiệu lớn nhất và phổ biến nhất mọi thời đại.
Mặc dù ban đầu mức lương của ông chỉ 1 USD/năm, hội đồng quản trị đã thưởng hậu hĩnh cho Jobs vì đã vực dậy tập đoàn. CEO Apple đã yêu cầu một chiếc máy bay riêng chuyên cơ hoàn toàn mới. Như một lẽ đương nhiên, mong muốn của ông đã được các thành viên hội đồng quản trị vui vẻ thực hiện.
Máy bay mà Steve Jobs được tặng là chiếc Gulfstream V trị giá 45 triệu USD. Nó được hãng Gulfstream Aerospace sản xuất từ năm 1997-2002.
Theo Luxury Launches, đồng sáng lập Apple là người rất cuồng máy bay và dành hơn một năm chỉ để tùy chỉnh nội thất bên trong. Ông thậm chí đã nhờ sự trợ giúp từ giám đốc thiết kế chính của Apple, Jony Ive, người nổi tiếng với những mẫu thiết kế huyền thoại cho tập đoàn.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn