Từ vùng cát trắng cằn khô, sau 20 năm đầu tư và phát triển, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) trở thành một trong những khu kinh tế ven biển dẫn đầu cả nước.
|
20 năm trước, vùng đất khu đông huyện Bình Sơn (nay là khu kinh tế Dung Quất) là bãi cát trắng mênh mông. Cuộc sống người dân nơi đây quanh năm khó nghèo vì đất đai cằn khô thiếu nước. |
|
Tháng 9/1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thuyền khảo sát vũng Dung Quất cùng với các chuyên gia, nhà khoa học. Tháng 11/1994, Thủ tướng quyết định chọn nơi đây là địa điểm xây nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Tháng 4/1996, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung KCN Dung Quất với 14.000 ha, trong đó Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Đăng Lâm. |
|
Sau hai năm nghiên cứu, lập dự án, tháng 1/1998, nhà máy lọc dầu đầu tiên Việt Nam được khởi công xây dựng tại Dung Quất. Sau đó do khủng hoảng kinh tế châu Á, dự án phát sinh nhiều khó khăn. Đến tháng 11/2005, Tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp với Petro Việt Nam tái khởi động lại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Đăng Lâm. |
|
Tháng 3/2005, KCN Dung Quất được chuyển đổi thành khu kinh tế Dung Quất tạo động lực phát triển vùng kinh tế miền Trung. Ảnh: Đăng Lâm. |
|
Công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất tái khởi động đã tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đầu tư vào khu kinh tế này với hàng loạt dự án công nghiệp nặng quy mô lớn gắn với cảng nước sâu như Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), nhà máy đóng tàu, nhà máy nhựa Polypropylene... |
|
Trong 3 năm 2006-2009, Dung Quất trở thành "đại công trường" với hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân. |
|
Kỹ sư, công nhân thi công đường ống trên công trình cảng xuất sản phẩm, nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
|
Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam lắp đồng hồ điện tử đề ra mục tiêu "tiến độ về đích" trên công trường nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
|
Hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân chia ca, kíp làm việc cả ngày lẫn đêm, ăn cơm tại chỗ trên công trường nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
|
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng năm mới 2007 đến kỹ sư, công nhân làm việc "xuyên Tết" trên công trường lọc dầu Dung Quất. |
|
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công trường lọc dầu Dung Quất kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. |
|
Tháng 2/2009, trải qua nhiều gian nan, vất vả, hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân đã đưa công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất về đích đúng tiến độ, cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên. |
|
Trong thư gửi Quốc hội năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: "Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu. Công trình có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.
|
|
Tháng 2/2009, người dân Quảng Ngãi nô nức dự lễ công bố đô thị Vạn Tường và lễ đặt tên đường từ ngã ba Bình Long đến cảng nước sâu Dung Quất mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
|
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đặt tên con đường dài nhất Khu kinh tế Dung Quất mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
|
Từ vùng đất nghèo khó khô cằn cát bỏng, khu kinh tế Dung Quất đã tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2013, tỉnh này đã vươn lên đứng vào hàng thứ 4 trong các tỉnh có mức thu ngân sách cao nhất cả nước, với tổng thu ngân sách gần 30.200 tỷ đồng, trong đó nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp hơn 28.400 tỷ đồng.
|
|
Trải qua 20 năm thăng trầm, đến nay khu kinh tế Dung Quất đã thu hút 132 dự án đầu tư (trong đó có 28 dự án FDI) với tổng vốn hơn 10,5 tỷ USD. Riêng năm 2015, khu Kinh tế Dung Quất đạt giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại gần 90.000 tỷ đồng, hàng hóa thông qua các cảng ước đạt 16 triệu tấn, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động các tỉnh miền Trung.
|
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Văn Dũng – Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho hay, từ nay đến năm 2020, Khu kinh tế đặt mục tiêu nâng tổng vốn thu hút đầu tư 13,5 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động tại các tỉnh miền Trung.
Thời gian tới, Dung Quất tiếp tục cải cách hành chính tạo lực hấp dẫn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nặng có quy mô lớn gắn cảng biển nước sâu; phát triển công nghiệp nhẹ, phụ trợ và chế biến gắn với các khu công nghiệp, chú trọng bảo vệ môi trường.