Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Đừng quá câu nệ vào tên gọi của mối quan hệ Việt - Mỹ'

Trả lời Zing, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nói rằng sau 25 năm, chúng ta không quá khó khăn để xác định được tầm mức của quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở đâu.

Trả lời Zing, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nói rằng sau 25 năm, chúng ta không quá khó khăn để xác định được tầm mức của quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở đâu.

11/7/1995 là một ngày trang nghiêm ở Phòng phía Đông Nhà Trắng. Đứng nơi trung tâm, dưới chùm đèn cổ, là Tổng thống Bill Clinton và những Thượng nghị sĩ - cựu binh như John McCain, John Kerry, Charles Robb, John Kerrey và đại tướng John Vessey.

Phía dưới, chứng kiến họ, là tướng lĩnh, người thân của những người lính tử trận ở chiến trường, các hạ nghị sĩ từng là cựu binh ở Việt Nam.

“Đây là thời khắc để băng lại vết thương của chính mình”, Tổng thống Clinton dùng lại những lời của Abraham Lincoln khi kết thúc nội chiến Mỹ 130 năm trước, để tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam - đất nước và cuộc chiến đau thương và dài nhất trong lịch sử nước Mỹ tới bấy giờ. “Những vết thương nằm đó quá dài. Chúng ta giờ có thể đi tiếp tới một nhận thức chung”.

Dai su Ha Kim Ngoc quan he Viet My anh 1

Đó là tuyên bố lịch sử và là bước đi dũng cảm bấy giờ ở chính trường Mỹ. Phải một năm sau tuyên bố này, Tổng thống Clinton mới đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “vùng chiến trận”.

Ở quốc hội Mỹ, cuộc chiến đòi ngân sách để có thể mở đại sứ quán ở Hà Nội diễn ra gay cấn và phải hai năm sau, ông Douglas “Pete” Peterson mới có thể tới Việt Nam để trở thành đại sứ đầu tiên ở Việt Nam.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, đã có những chia sẻ với Zing, nhìn lại những thay đổi thần kỳ của 25 năm qua và định vị mối quan hệ đặc biệt hiện nay giữa hai bên.

- Điều gì làm nên sự thay đổi thần kỳ của 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, thưa Đại sứ?

- Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong 25 năm qua vượt qua mọi dự đoán, kể cả của những người trong cuộc. Theo tôi, có “3 hạt dẻ”, nhưng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do chính con người làm nên.

Thứ nhất, đó là tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị và bản lĩnh của lãnh đạo hai nước vào thời khắc quyết định, đã đưa lịch sử quan hệ hai nước lật sang trang mới.

Thứ hai, đó là niềm tin mạnh mẽ của nhân dân hai nước vào tương lai quan hệ, giúp hai bên vượt qua những lằn ranh khắc nghiệt do lịch sử để lại, vượt qua sức cản rất lớn từ nội bộ mỗi nước.

Thứ ba, đó là nỗ lực lớn lao, không mệt mỏi của nhiều thế hệ người Việt Nam và Mỹ, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác rất đặc biệt này.

- Một năm với mốc lớn của quan hệ mà lại gặp đại dịch Covid-19. Đại sứ có khó khăn trong thực hiện hoạt động đối ngoại năm nay?

- Covid 19 gây khó khăn chung đối với mọi quốc gia và hoạt động đối ngoại trên toàn thế giới. Nhưng ngay khi bước vào năm 2020, hai nước đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ và thúc đẩy hợp tác song phương.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã cùng Mỹ tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN (dự kiến tháng 3/2020 tại Las Vegas). Tuy bị hoãn do Covid 19, song quá trình chuẩn bị đã tạo xung lực mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác Mỹ - ASEAN, Mỹ - Mekong và Mỹ - Việt Nam.

Giữa cơn bão Covid 19, hai bên tiếp tục triển khai nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, với nhiều cuộc điện đàm, giữa Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump, giữa Phó thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mike Pompeo, các cuộc trao đổi, hội nghị trực tuyến giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… hai nước, các hội nghị đa phương trong khuôn khổ ASEAN và Liên Hợp Quốc.

Dai su Ha Kim Ngoc quan he Viet My anh 2

Quan hệ kinh tế, thương mại tiếp tục là điểm sáng, với thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm đạt 37,7 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái và Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam; một số dự án đầu tư lớn vẫn đang được xúc tiến triển khai.

Trên lĩnh vực quốc phòng, tàu sân bay thứ hai của Mỹ thăm Việt Nam vào tháng 3; hai bên tiếp tục hợp tác tẩy độc Sân bay Biên Hòa và lần đầu tiên phía Mỹ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để giúp Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh.

Chính thách thức Covid-19 lại tạo cơ hội để chính phủ và nhân dân hai nước tăng cường hợp tác, cùng hỗ trợ nhau phòng chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ sang Mỹ.

Chính phủ Việt Nam cùng nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã gửi tặng chính phủ, nhân dân Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ các trang thiết bị y tế.

Chính phủ Mỹ đã trợ giúp Việt Nam hơn 10 triệu USD để chống dịch và phục hồi kinh tế. Tổng thống Trump cũng tuyên bố tặng máy thở cho Việt Nam.

- Hai tàu sân bay của Mỹ vừa tới Biển Đông, các hoạt động của tàu chiến Mỹ tại khu vực cũng gia tăng trong năm nay. Ông đánh giá thế nào về vai trò của quân đội Mỹ với an ninh khu vực?

- Chúng ta hoan nghênh sự đóng góp tích cực và xây dựng của bất cứ quốc gia nào vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, tự do hàng hải, hàng không… ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực.

- Chúng ta đã sẵn sàng cho những tăng cường hợp tác quốc phòng mới song phương với Mỹ?

- Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ có nhiều tiến triển quan trọng trong thời gian qua, góp phần thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Từ lĩnh vực khởi đầu là khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác quốc phòng hai nước được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác: hợp tác an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai, nghiên cứu và đào tạo, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc... Hai bên cũng hình thành các cơ chế đối thoại và thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương như ARF, ADMM+, Liên Hợp Quốc.

Trong tình hình mới, hai bên có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác quốc phòng. Trước mắt, hai bên đang tích cực trao đổi về hợp tác quân y giữa quân đội hai nước, nhằm ứng phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống do đại dịch Covid 19 gây ra.

- Khi tôi hỏi về một dự án dầu khí lớn của Mỹ ngoài Biển Đông gần đây, Đại sứ Daniel Kritenbrink nói sẽ bảo vệ các lợi ích các công ty Mỹ ở khu vực. Đại sứ có thấy sự đảm bảo này quan trọng và đáng tin?

- Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm đó của Đại sứ Kritenbrink. Những hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của các doanh nghiệp Mỹ ở Biển Đông cần được duy trì trong một môi trường an toàn, không có sự đe dọa, cưỡng ép hay cản trở.

Chúng ta cần và có đủ điều kiện để đảm bảo các hoạt động đó diễn ra bình thường.

Dai su Ha Kim Ngoc quan he Viet My anh 3

- Các nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu khi tiếp xúc đều nói lợi ích chiến lược giữa hai nước phần lớn đều song trùng trong giai đoạn này. Ông có thấy sự song trùng này?

- Mức độ hợp tác sâu rộng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ là câu trả lời chính xác nhất câu hỏi này!

Các nhà lãnh đạo Mỹ thường bày tỏ mong muốn “một Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng”. Đây cũng là nguyện vọng của chúng ta.

Chúng ta hoan nghênh Mỹ tiếp tục tích cực đóng góp, cùng Việt Nam và các đối tác, xây dựng khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và tôn trọng luật lệ.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và nỗ lực để xây dựng một ASEAN vững mạnh, độc lập, đoàn kết, có quan hệ tốt với các đối tác bên ngoài, đóng vai trò trung tâm ở khu vực.

Liên quan Biển Đông, hai nước đều ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, duy trì tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực.

Hai bên và các đối tác khác cũng đang tích cực triển khai hợp tác ứng phó với thách thức toàn cầu của đại dịch Covid-19, đồng thời cùng nỗ lực để phục hồi kinh tế.

- Washington có một loạt sáng kiến hợp tác khu vực gần đây. Làm sao đẩy quan hệ đối tác đồng thời không bị cuốn vào những cạnh tranh địa chính trị đang ngày càng quyết liệt?

- Trước biến động phức tạp của khu vực và thế giới, việc xuất hiện những sáng kiến, ý tưởng mới là điều dễ hiểu. Nhưng một số cái tên như Bộ Tứ Kim cương hay Bộ tứ mở rộng, tôi chưa được nghe từ chính tác giả (Mỹ). Phải chăng, chúng ta đang suy nghĩ “vượt qua đầu tác giả”!

Với bất cứ chiến lược, ý tưởng hay cơ chế nào, Việt Nam sẽ quyết định có tham gia hay không dựa trên 3 tiêu chí: trước hết phải phục vụ thiết thực lợi ích đất nước; thúc đẩy hợp tác chung trong khu vực; không nhằm chống lại ai.

Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN”, mong muốn có quan hệ hợp tác tốt đẹp với các cường quốc bên ngoài.

Tôi tin vẫn còn cơ hội, dư địa để các cường quốc hợp tác, dù có tồn tại bất đồng.

- Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, theo Đại sứ, hai bên đã sẵn sàng cho nâng cấp lên đối tác chiến lược?

- Đừng quá câu nệ vào tên gọi. Hãy quan tâm hơn đến thực chất của mối quan hệ đó. Và chúng ta không quá khó khăn để xác định được tầm mức của quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở đâu.

- Chúng ta còn rào cản niềm tin nào giữa hai bên?

- Trong bất cứ mối quan hệ nào, lòng tin là nền tảng quan trọng. Quan hệ giữa các quốc gia càng như vậy!

Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia là một quá trình lâu dài, không thể một sớm một chiều mà có được.

Giữa Việt Nam và Mỹ càng không đơn giản, vì cùng với sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, chế độ chính trị, trình độ phát triển… hai nước trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, với những hậu quả nặng nề.

Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực xây dựng lòng tin bằng thiện chí, việc làm cụ thể, thiết thực, bằng sự tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị, lợi ích chính đáng, sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Qua chính những thời khắc khó khăn, thử thách đối với mỗi nước, đối với quan hệ hai nước, chúng ta có cơ hội để bồi đắp lòng tin đó.

- Đại sứ Daniel Kritenbrink chia sẻ rằng một trong những hối tiếc của ông là lời mời của Tổng thống Donald Trump mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ chưa được thực hiện. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Những ai quan tâm và nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ đều trông đợi chuyến thăm quan trọng đó diễn ra.

Tôi tin với quyết tâm của cả hai phía, điều chúng ta mong đợi sẽ thành hiện thực.

Dai su Ha Kim Ngoc quan he Viet My anh 4

- Đại sứ Daniel Kritenbrink khi chia sẻ với Zing gần đây nói ông rất tự hào là đại sứ Mỹ đầu tiên tới viếng Nghĩa trang Trường Sơn. Ông nghĩ sao về thông điệp này?

- Tôi đánh giá cao cử chỉ đó của Đại sứ Dan Kritenbrink. Tôi trân trọng mọi nỗ lực hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc. Đó cũng là đóng góp thiết thực xây dựng lòng tin giữa hai nước.

- 25 năm tới của quan hệ Việt Nam - Mỹ, chúng ta có thể kỳ vọng điều gì?

- Tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ trong 25 năm tới. Tôi kỳ vọng 3 điều. Thứ nhất, hợp tác Việt Nam - Mỹ tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Thứ hai, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ (7/2015), “hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau”.

Thứ ba, hai nước và các đối tác khác cùng đóng góp vào thành công trong nỗ lực chung xây dựng khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và tôn trọng luật lệ.

- Xin chân thành cám ơn Đại sứ.

Ong Trump bi soc hinh anh

Ông Trump bị sốc

0

Ông Donald J. Trump được cho là bị sốc sau vụ ám sát bất thành vào ngày 15/9 ở sân golf tại Florida, song hiện cựu tổng thống đã lạc quan và trấn an bạn bè bằng những câu đùa.

Thanh Tuấn

Đồ họa: Nhân Lê
Ảnh: Tiến Tuấn, Reuters, US Navy

Bạn có thể quan tâm