Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu 3 nguyên nhân của việc chậm giao vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Ảnh: Quốc hội. |
Nội dung xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 13/2.
Trước đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội với nguồn vốn 176.000 tỷ từ ngân sách Nhà nước, dùng để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án của từng ngành, lĩnh vực trong hai năm 2022-2023.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau khi giao đợt 1, tổng số vốn còn lại của chương trình chưa phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 28.862 tỷ đồng.
Trong đó có 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng thông báo cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư; 3.332 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Trong tổng số 169 dự án với số vốn là 25.530 tỷ đồng đã được Thủ tướng thông báo vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để hoàn thiện thủ tục đầu tư, có 129 dự án với số vốn dự kiến hơn 14.700 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Toàn cảnh phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội. |
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ với số vốn còn lại của chương trình chưa đủ thủ tục đầu tư (hơn 14.000 tỷ đồng), đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của chương trình không thực hiện phân bổ tiếp.
Giải trình thêm về việc chậm giao vốn từ chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, phải thực hiện theo đúng quy định Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí. Thứ hai là do thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công nên mất thêm thời gian.
Nguyên nhân thứ ba, theo ông Dũng, do đề xuất của bộ, ngành địa phương không sát thực tiễn. “Lúc đầu đề xuất như thế nhưng về sau thay đổi, cứ làm đi làm lại, nhất là giáo dục, y tế. Có những dự án của y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ, rất nhiều dự án y tế chưa giao và không thể giao được”, ông Dũng nêu thực tế.
Ông cho biết Chính phủ có 17 nghị quyết, công điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 23 văn bản nhắc nhở suốt ngày nhưng không triển khai được. Một phần nguyên nhân khác, ông Dũng cho rằng có cả việc e ngại trong thực hiện.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định việc giao vốn được thực hiện rất cẩn trọng, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, trình tự. Trong thời gian 2022-2023, Chính phủ sẽ xử lý hết nguồn vốn Trung ương thuộc chương trình, còn nguồn vốn địa phương và vốn khác thì kéo dài tới 2024-2025, đảm bảo nguồn vốn chương trình thực hiện đúng trong hai năm 2022-2023.
"Sẽ cố gắng thúc đẩy tiến độ để từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn. Còn nếu bộ, ngành nào địa phương nào không thực hiện thì thống nhất thực hiện nghiêm theo Nghị quyết của Quốc hội", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát để phân bổ đúng tinh thần Nghị quyết số 43 của Quốc hội, sau 31/3 sẽ không tiếp tục phân bổ vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.