Sau những “biến cố” không mong muốn xảy ra trong năm 2020 là đại dịch Covid-19 và thiên tai ở miền Trung, hoạt động từ thiện trở thành “phong trào” được nhiều người dân hưởng ứng, song cũng có không ít ý kiến trái chiều.
Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) đưa vào nghị trường qua bài phát biểu dài 7 phút về vấn đề văn hóa từ thiện, trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 5/11.
Cho đồ ăn hết hạn làm tổn thương người nghèo
Theo bà Thu, bản thân hoạt động từ thiện đã là văn hóa và thước đó văn minh của cá nhân, tổ chức và đất nước.
“Đại dịch Covid-19 và thảm họa thiên tai ở miền Trung đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động đáng quý, đáng trân trọng”, nữ đại biểu nhận định.
Trong đại dịch Covid-19, bà Thu cho biết phong trào người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện được dấy lên nhằm hỗ trợ các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ người dân phải cách ly hay người bị mất việc làm, để họ không bị đói ăn đứt bữa.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: Quốc hội. |
Trong thảm họa thiên tai ở miền Trung với thiệt hại nặng nề về người và của, một lần nữa, nhân dân cả nước lại chung tay giúp người dân miền Trung vượt qua. Nhiều cơ quan tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.
“Nhưng làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, đó chính là văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ lưu ý.
Bà nêu thực tế có người mang quần áo không còn dùng được hoặc đã lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn hết hạn sử dụng cho người nghèo, làm họ bị tổn thương.
Nhấn mạnh “của cho không bằng cách cho”, bà Thu cho rằng văn hóa từ thiện cũng cần phải học, để làm sao khi cho, người nhận không có cảm giác được ban ơn, bố thí. Và khi nhận sẽ khiến người cho cảm thấy vui và hạnh phúc.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cũng đề cập đến hệ thống số hóa giúp kết nối các địa chỉ cần cứu trợ nhân đạo. Qua hệ thống này, người cho sẽ biết người nhận cần những gì. Việc này giúp công tác thiện nguyện ngày càng thiết thực, hiệu quả, chuyên nghiệp, nhân văn hơn.
Phản ứng kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng
Cũng liên quan tới vấn đề từ thiện, nữ đại biểu tỉnh Khánh Hòa đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 64 của Chính phủ về tiếp nhận, sử dụng phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp với tình hình mới, đảm bảo thuận tiện cho cá nhân tổ chức tham gia. Đặc biệt, ngăn chặn lợi dụng cứu trợ để trục lợi.
Cảnh vận chuyển hàng hóa cứu trợ ở miền Trung. Ảnh: Phạm Trường. |
Bà Thu góp ý cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình cứu trợ cho từng nhóm tham gia cứu trợ, tránh cứu trợ tự phát như thời gian vừa qua vừa nguy hiểm lại không hiệu quả, lãng phí công sức, không công bằng, minh bạch.
Đồng tình, đại biểu Trần Công Thuật (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình), cho rằng cần có một cuộc tổng kết, rút kinh nghiệm về các đợt thiên tai, lũ lụt năm nay một cách toàn diện. Ông kiến nghị thay thế Nghị định 64 về việc vận động, phân phối, tiếp nhận các nguồn đóng góp sao cho phù hợp với thực tiễn.
Nhắc lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân, tinh thần dân tộc hết sức quý giá trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt vừa qua, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá cao phản ứng nhanh, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng. Đặc biệt khi Thủ tướng yêu cầu sửa ngay Nghị định 64 về ủng hộ, từ thiện trong thiên tai, bão lũ.
Để ứng phó thảm họa thiên tai nhanh và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu góp ý Chính phủ nên có chiến lược dài hạn mang tầm quốc gia.
“Đại dịch Covid-19 và đợt thiên tai vừa qua là những cảnh báo nguy hiểm, cần sớm xây dựng các kịch bản để có kế hoạch ứng phó dài hạn, huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó với thiên tai”, nữ đại biểu tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
Mặt khác, bà đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch thủy điện, khôi phục lại rừng tự nhiên, không cho phép xây dựng trong khu vực rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn…
Cùng với đó, chúng ta cần trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ, xây dựng nhà tránh trú bão, lũ cho người dân, tổ chức tái định cư cho dân ở những vùng dễ sạt lở, lũ ống, lũ quét…