Thủ tướng vừa ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có hiệu lực từ 1/8. Nhiều quy định liên quan thu phí được đưa ra, trong đó quy định trạm BOT mới chỉ được thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.
Vận hành ngay trạm BOT lắp đặt thu phí không dừng
Về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay.
Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm BOT chưa thực hiện thu phí điện tử không dừng kể từ 31/12.
Các trạm BOT không tiến hành thu phí không dừng sẽ bị tạm dừng hoạt động thu phí. Ảnh: Ngọc Tân. |
Nguyên tắc thu phí điện tử không dừng được Thủ tướng nhấn mạnh là tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa; tăng tốc độ lưu thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
Ngoài ra, phải bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Nguyên tắc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng cũng được đặt ra trong quyết định này, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Xe chịu phí và xe ưu tiên đều phải gắn thẻ đầu cuối
Theo quyết định này, hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.
Các phương tiện giao thông chịu phí và được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “phí đường bộ toàn quốc”) đều phải được gắn thẻ đầu cuối.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước 31/12/2021. Sau thời gian này, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Phương tiện giao thông được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng thì phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp. Ảnh: Lê Quân. |
Để sử dụng tài khoản thu phí, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác.
Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng thì phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện thu phí không dừng, đến nay mới có 39/74 trạm do Bộ GTVT quản lý được lắp đặt, vận hành thu phí không dừng, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyên quốc lộ khác.
Trong 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có tuỵến Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị. 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn. Có 6/19 trạm địa phương quản lý đã đầu tư hệ thống và kết nối dự án giai đoạn 1, còn lại 7 trạm khác vẫn chưa hoàn thành.
Bộ GTVT đã tự đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Cụ thể, có 8 tập thể thuộc Bộ GTVT phải nghiêm túc kiểm điểm theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Bộ trưởng GTVT và Thứ trưởng phụ trách dự án tự nhận hình thức kiểm điểm nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm; 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan cũng đã có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ.