Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng flycam giám sát gian lận trong đền bù GPMB cao tốc Bắc - Nam

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các địa phương ngăn chặn hành vi gian lận trong đền bù GPMB cao tốc Bắc - Nam cũng như tạo mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư đến với dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa kết thúc chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Đây là 3 địa phương có 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.

GPMB cao toc Bac - Nam anh 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Nhật cho biết các tỉnh đang vào cuộc quyết liệt, có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác GPMB. Tuy nhiên, vai trò đôn đốc của Bộ GTVT vẫn rất quan trọng do trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án.

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Nhật, địa phương sẽ dùng flycam chụp lại hiện trạng đất dự án làm căn cứ phát hiện việc người dân có hành vi xây "chui" công trình để hưởng tiền đền bù.

Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá công tác đền bù GPMB, tái định cư là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng phải quyết tâm thực hiện đúng tiến độ. Thất bại ở khâu này sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thu hút nhà đầu tư.

"Trong giai đoạn này phải có mặt bằng sạch thì giai đoạn sau kêu gọi đầu tư mới dễ dàng. Doanh nghiệp muốn tránh rủi ro nên mặt bằng càng sạch họ càng mặn mà. Nếu để lâu, đất đai tăng giá sẽ gây mất tiền nhà nước", ông Nhật nhận định.

GPMB cao toc Bac - Nam anh 2
Huyện Diễn Châu (Nghệ An), nơi kết nối của 2 dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Phạm Trường.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết đến thời điểm chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước cũng phải đảm bảo cơ bản 70% tiến độ GPMB. Thông thường 30% còn lại là các diện tích đất ở, có thể giải phóng chậm hơn do khâu tái định cư mất nhiều thời gian.

Ông Nhật tự tin khẳng định Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ cơ chế pháp lý cho việc GPMB, tránh tình trạng nhiêu khê khiến dự án chậm tiến độ.

Các dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam phía đông được thống nhất triển khai theo phương thức Nhà nước lo chi phí GPMB, nhà đầu tư BOT lo thi công. Hiện Bộ GTVT đã bàn giao cọc GPMB toàn bộ dự án cho các địa phương.

Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50 km, nối Thanh Hóa với Nghệ An. Tổng mức đầu tư dự kiến 8.380 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 2.550 tỷ đồng cho công tác GPMB, nhà đầu tư BOT góp phần còn lại để thi công dự án.

Hiện tại, đoạn tuyến này nhận được 6 hồ sơ sơ tuyển (2 độc lập, 4 liên danh). Trong đó, 2 hồ sơ độc lập của một doanh nghiệp Trung Quốc và một doanh nghiệp Hàn Quốc. 4 liên danh gồm các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với Trung Quốc hoặc liên kết với nhau.

Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt nối Nghệ An với Hà Tĩnh có chiều dài 49 km. Tổng mức đầu tư là 13.338 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước 8.077 tỷ đồng. Dự án này nhận được tới 10 hồ sơ sơ tuyển (5 độc lập, 5 liên danh). 5 nhà đầu tư độc lập đều đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đặc biệt, đây là dự án có nhiều nhà đầu tư Việt cùng tham gia 1 liên danh nhất (Hiệp Hòa - Núi Hồng - Cienco 4 - Trường Sơn - Vinaconex 2).

Doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo khi dự sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam

Có 16 nhà đầu tư Trung Quốc tham gia sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam, đông nhất trong số các doanh nghiệp ngoại.

Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam

Trước sự áp đảo của nhà đầu tư Trung Quốc dự sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam, nhiều doanh nghiệp Việt buộc phải tham gia liên danh với hy vọng nhận được các gói thầu xây lắp tại dự án.



Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm