Trong truyền thống tôn giáo Yoruba, các linh hồn thiêng liêng được gọi là những vị thần orisha cai trị các lực lượng vũ trụ và yếu tố tự nhiên khác nhau. Chẳng hạn, Shango là vua của sấm sét và lửa, trong khi Yemaya là orisha của đại dương. Oshun được biết đến là người cai trị sông hồ.
Trong khi đó, Olokun là một orisha ít được biết đến hơn, cai trị những phần sâu nhất của đại dương, nơi ánh sáng không xuyên qua được. Olokun là một orisha cực kỳ đáng sợ và hay báo thù, khó chịu với con người khi họ không thể hiện sự tôn kính đúng mực.
Theo một số lời kể, Olokun bị đày xuống dưới đáy đại dương để ngăn họ tiêu diệt loài người. Áp lực của đại dương sâu thẳm đại diện cho nguồn gốc của sự sống và đe dọa gây ra cái chết khủng khiếp, ngay lập tức cho con người. Đó là lý do Olokun hiếm khi bị thách thức hoặc quấy rầy, ngay cả bởi những orisha khác.
Cây bút Karen Attiah của Washington Post nhận định thảm kịch của tàu lặn Titan trong tuần qua là một lời nhắc nhở rằng bất chấp mọi phát minh của nhân loại, chúng ta không thể thống trị biển sâu.
Câu hỏi lớn
Trong nhiều ngày, các hãng tin và phương tiện truyền thông xã hội đã chú ý đến việc tìm kiếm một con tàu ngầm bị mất tích khi đang lặn để xem xác tàu Titanic.
Con tàu, được vận hành bởi công ty du lịch OceanGate, đang chở những người giàu có đã phải trả 250.000 USD/người để lặn thăm xác con tàu viễn dương bị chìm vào năm 1912.
Hôm 22/6, Tuần duyên Mỹ thông báo tàu lặn Titan đã bị “ép nát” tại khu vực gần xác tàu Titanic, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng gần như ngay lập tức. Kết luận được đưa ra sau khi các robot tìm kiếm thu thập được 5 mảnh vỡ chính của con tàu.
Ông Charles Haas, Chủ tịch Hiệp hội Titanic Quốc tế, ngày 23/6 tuyên bố đã đến lúc xem xét chấm dứt mọi chuyến tham quan xác tàu Titanic sau thảm họa với tàu lặn Titan.
Bất chấp nhiều bước tiến về khoa học công nghệ, con người vẫn chưa thể thống trị biển sâu. Ảnh: Reuters. |
Ngoài Tuần duyên Mỹ, các đội cứu hộ từ Canada, một chuyên gia của Hải quân Hoàng gia Anh và các chuyên gia Pháp,... đã tham gia tìm kiếm, sau khi con tàu được thông báo mất tích hôm 18/6.
Tất cả nguồn lực và công nghệ sẵn có đã được triển khai nhằm cố gắng cứu những người trên tàu - một tỷ phú người Anh, hai cha con xuất thân từ một gia đình quyền lực người Pakistan, một chuyên gia hàng hải người Pháp và giám đốc điều hành của OceanGate, theo Boston Globe.
Điều đó làm dấy lên làn sóng chỉ trích về việc truyền thông thế giới và chính phủ nhiều nước quan tâm đến những nhà thám hiểm giàu có hơn là quan tâm đến những người di cư bị mất tích trên biển trong khi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, bà Attiah cho rằng cần xem xét về vấn đề phức tạp hơn ở đây, về giá trị xã hội của những hành trình nguy hiểm nhất định.
Theo tờ Boston Globe, trong khi chúng ta thương tiếc những sinh mạng đã mất và lấy cảm hứng từ nỗ lực phi thường này, hoạt động giải cứu đặt ra câu hỏi về sự phân biệt mạng sống con người.
Ý chí chính trị và các nguồn lực dành cho việc cố gắng cứu những người giàu có nhất vượt xa những nỗ lực nhằm giải cứu hàng nghìn người di cư và những người xin tị nạn cũng đã bị mất tích trên biển trong quá trình tìm kiếm sự an toàn.
Lời nhắc nhở
Năm 2022, 38 người di cư thiệt mạng khi thuyền của họ bị lật ngoài khơi Florida (Mỹ). Tuần trước, hàng trăm người di cư đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải. Tờ Boston Globe cho biết không thể biết chính xác tổng số người di cư cố gắng nhập cư bằng đường biển - trừ khi họ bị bắt và giam giữ, hoặc tìm thấy thi thể của họ, nếu không câu chuyện của họ sẽ không bao giờ được kể.
Hành khách trên tàu Titan là một phần của ngành công nghiệp du lịch “chi phí cao, rủi ro cao” đang phát triển, được giới siêu giàu săn đón.
Khi bà Attiah 12 tuổi và bộ phim “Titanic” năm 1997 của James Cameron ra mắt, bà đã bị cuốn hút trước những câu chuyện về Titanic.
Tuy nhiên, bà cho rằng nỗi ám ảnh về con tàu Titanic có thể phản ánh nỗi ám ảnh của người da trắng, thế giới phương Tây về sự thống trị công nghệ. Điều đó đã giúp châu Âu khám phá và thống trị nhiều quốc gia, làm giàu cho chính họ bằng cách khai thác tài nguyên của Trái Đất.
Đội cứu hộ từ nhiều quốc gia đã tham gia tìm kiếm tàu Titan sau khi nó được thông báo mất tích. Ảnh: Reuters. |
Theo bà, tàu Titanic - và bây giờ là tàu lặn Titan - có thể là một lời nhắc nhở rằng đại dương sâu thẳm là thế giới giàu tài nguyên duy nhất trên Trái Đất có khả năng ngăn cản con người khai thác nó.
Bà cho rằng có một lý do khiến nhiều người lại khó để hiểu tại sao nhiều người giàu có lại tham gia vào những trải nghiệm cực đoan, bất chấp cái chết. Đó là chủ nghĩa lãng mạn về sự nguy hiểm, về cái chết, như một cách để trân trọng cuộc sống - nói cách khác, một đặc ân.
Đối với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, mối đe dọa về sự lỗi thời và bất lực trong xã hội là một thực tế sống động hàng ngày. Họ không cần phải trả tiền để nếm trải cảm giác mạnh như vậy.
Bà bày tỏ lời chia buồn với gia đình của những người thiệt mạng trong thảm kịch tàu Titan. Tuy nhiên, cây bút này cũng tự hỏi: Giá trị xã hội của bất cứ điều gì mà những nhà khám phá giàu có đang cố gắng thực hiện với chuyến lặn xem xác tàu Titanic là gì?
Bà cũng tự hỏi về mức độ quan trọng toàn cầu đối với tình cảnh của những người này, khi nhiều đội từ các quốc gia khác nhau đã được cử đến để cố gắng giải cứu họ?
Trong khi đó, những người di cư - những người được cho là dũng cảm hơn nhiều nhưng có ít tài nguyên hơn - lại bị bỏ mặc cho đến chết, mặc dù thực tế là tất cả những gì họ muốn là cơ hội làm việc, đóng góp giá trị và được sống.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.