Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng để trẻ em bị xâm hại rồi mới can thiệp'

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Phải phòng ngừa từ khi trẻ em chưa bị xâm hại chứ không phải để đến khi các em bị xâm hại rồi mới can thiệp”.

Ngày 27/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với nội dung “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Theo đó, từ ngày 1/6, Luật Trẻ em sẽ chính thức có hiệu lực. Luật có nhiều điểm mới bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước đây.

Xam hai tre em Viet Nam anh 1
Trẻ em bị lạm dụng thường gặp phải nhiều bất ổn tâm lý và thể xác. Ảnh: Shweta Sharma.

Vấn nạn ngày càng tăng

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng Luật Trẻ em là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trong tình hình mới và trách nhiệm thực hiện các cam kết theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em của Việt Nam.

Theo bà Thịnh, hiện nay, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, trong đó, châu Á là một trong các khu vực có tỷ lệ bạo lực, xâm hại trẻ em cao. Ở Việt Nam, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tồn tại và có nguy cơ ngày càng tăng.

Đặc biệt, gần đây, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng trẻ em bệnh tật, bỏ học, lao động sớm, bị tai nạn thương tích, đuối nước... còn rất nhiều, nhất là các em trong gia đình nghèo, thiếu sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình.

Phó chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cần quán triệt để triển khai mạnh mẽ, giảm các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay. Tôi cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát thực hiện các văn bản pháp luật về trẻ em”.

“Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Đồng thời, chúng ta cần giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình”, bà Thịnh nói.

Xâm hại trẻ em có 3 cấp độ

Ông Youssouf Abdel - Jelil, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, chia sẻ bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục và gần một tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất.

Theo ông Abdel - Jelil, vấn nạn này nặng nề nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính được công bố gần đây cho thấy ở châu Á, với trẻ em 2 -17 tuổi, cứ 3 trẻ thì có 2 em từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực, xâm hại nghiêm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài hiện tượng này.

Ông Abdel - Jelil thông tin theo Báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (báo cáo MICS) năm 2014, 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu hình thức kỷ luật thể chất nào đó trong gia đình, 3% phụ nữ đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi.

Vị Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam bày tỏ bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ tác động lên những trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng mà còn cả xã hội. Vấn nạn này làm cản trở tăng trưởng kinh tế do mất năng suất lao động, khuyết tật và giảm chất lượng cuộc sống. Đây là tất cả những yếu tố này cản trở một quốc gia phát triển toàn diện.

“Bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể chấp nhận được, nó làm hủy hoại cuộc sống và tương lai của trẻ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em”, ông Abdel - Jelil quả quyết.

Xam hai tre em Viet Nam anh 2
Theo Báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (báo cáo MICS) năm 2014, 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu hình thức kỷ luật thể chất nào đó trong gia đình . Đồ họa: Hoàng Như.

Về các biện pháp bảo vệ trẻ em, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Luật Trẻ em quy định rõ các hành vi nghiêm cấm bạo lực, xâm hại trẻ em có 3 cấp độ gồm: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Theo bà Lan, việc bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ này đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi trong thực tiễn. Mặt khác, đây là cách tiếp cận theo phương pháp bảo vệ trẻ em một cách khoa học nhất mà quốc tế đang áp dụng.

Bà Lan nhấn mạnh bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa là mục tiêu được ưu tiên trước nhất. “Chúng ta phải phòng ngừa từ khi trẻ em chưa bị xâm hại. Chứ không phải để đến khi các em bị xâm hại rồi mới can thiệp”.

Có nên xử nặng khi trẻ 14-16 tuổi phạm tội?

"Đối với người chưa thành niên, phải xử lý như thế nào để cho các em còn quay lại với cuộc đời còn rất dài phía trước", đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu.


Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm