Ngày 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự năm 2015. Nhiều ý kiến tranh cãi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thống kê trẻ em phạm tội nghiêm trọng thấp
Trình bày báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng).
Trong khi đó, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người độ tuổi này phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội) đặt câu hỏi nên hay không nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với trẻ em 14-16 tuổi.
Theo bà, trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam cho đến trước khi Bộ luật hình sự 2015 được thông qua thì chỉ xử lý hình sự các em ở độ tuổi này nếu phạm tội rất nghiêm trọng khi cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu ngày 24/5. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 được mở rộng theo hướng xử lý nghiêm với trẻ em. Lứa tuổi 14 -16 thực chất là độ tuổi các học sinh đang học lớp 8, 9 đang ngồi trên ghế nhà trường.
Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đưa ra thống kê do Viện KSND tối cao cung cấp: Trong các năm từ 2014 đến 2016 chỉ có 122 em bị truy tố tội cố ý gây thương tích. Chia trung bình mỗi năm mỗi địa phương chỉ có một em gây thương tích phải xử lý hình sự. 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Điều này chứng tỏ rất ít em phạm tội 3 tội danh trên. Hoàn cảnh các em đa phần bố mẹ ly hôn, nghiện ma tuý, trang web đen tràn ngập… nên hay không chỉ xem xét trách nhiệm hình sự với các em", nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Thủy, xử lý như dự luật là rất nặng với các em và dường như không còn ranh giới với người lớn. Đây là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý dễ dẫn tới các hành động bột phát.
Bà Thủy lấy ví dụ kinh nghiệm các nước trên thế giới đều đi theo xu hướng xử lý nhân đạo hơn với trẻ vị thành niên và phân hoá rõ ràng giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội.
“Xử lý đối với người chưa thành niên không nên xử nặng nhưng không có nghĩa nương nhẹ hay dung dưỡng vi phạm các em. Xử lý như thế nào để cho các em còn quay lại với cuộc đời còn rất dài phía trước. Tôi tán thành đưa phương án 2 để biểu quyết”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) nhận định loại tội phạm này không diễn biến phức tạp và gia tăng như chúng ta lo ngại.
"Thực tế đáng lo ngại, tại các trại giam, nhà tạm giữ ở nhiều nơi quá tải, không có nơi giam giữ riêng cho độ tuổi chưa thành niên. Tại kỳ họp thứ 2, tôi ủng hộ phương án 1. Nhưng quá trình tìm hiểu thực tế nghiên cứu tôi đã thay đổi thái độ và ủng hộ phương án 2", đại biểu tỉnh Phú Yên cho biết.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quochoi.vn |
Đón lõng để xử lý hành vi trẻ em?
Phát biểu tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ( đoàn Bến Tre), Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định đối với trẻ em nhận thức còn hạn chế, chủ yếu không nhận thức được các tội phạm ở tầng cao như các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn, trẻ em thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường...
"Để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt", đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng việc nhân đạo cũng cần phải có đạo lý, không nên dựa trên nền cảm tính. Theo vị đại biểu này, 30 năm qua, chúng ta đã xử lý vấn đề này, chúng ta quy định ở tầm lúc đó đất nước còn lạc hậu, trẻ em chưa được chăm sóc giáo dục đến nơi đến chốn.
"Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều. Nói như các đại biểu trước thì dường như chúng ta đang đón lõng các em để xử lý, như thế không đúng với tinh thần của xã hội chúng ta hiện nay", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Bến Tre phân tích thêm hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. Nhưng, chỉ giáo dục đơn thuần thì chúng ta không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có một chức năng quan trọng là dự liệu, dự báo có tính chất phòng ngừa.
"Tại sao chúng ta lại không quy định trong luật? Có đại biểu nói là chúng ta không có đủ trại giam. Ở đây có ai nói là phải bỏ tù các em? Chúng ta xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau", đại biểu Nhưỡng nêu.