Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để những tin đồn về ung thư giết chết bạn

​Chúng ta vẫn thường tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm thông tin liên quan đến bệnh ung thư. Đã bao giờ các bạn tự hỏi, chúng có thực sự đáng tin?

Mỗi ngày, có hơn 300 người Việt Nam chết vì bệnh ung thư. Con số này gấp 7 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông ở nước ta. Ung thư đang trở thành một “đại dịch” khiến con người khiếp sợ. Vậy nên, việc tìm hiểu về bệnh ung thư ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần một cú nhấp chuột, chúng ta đã tìm được hàng nghìn thông tin liên quan tới căn bệnh nan y này để tìm hiểu và tham khảo.

Thế nhưng, nếu như những thông tin các bạn tìm được không chính xác, thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, tiền mất mà tật vẫn mang. Cuốn sách Ung thư: Tin đồn & Sự thật do nhóm Ruy Băng Tím biên soạn, sẽ mang đến cho người đọc nhiều thông tin hữu ích về nguyên nhân, cách phòng tránh và phương pháp điều trị bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, độc giả sẽ tìm thấy cho mình những lời khuyên hữu ích để nâng cao sức khỏe, nhằm đẩy lùi những căn bệnh hiểm nghèo nói chung và ung thư nói riêng.

Cùng tìm hiểu những tin đồn thất thiệt về ung thư

Cuốn sách Ung thư: Tin đồn & Sự thật, được chia làm 4 chương. Bạn đọc sẽ lần lượt tìm hiểu về các vấn đề: Nguồn gốc, nguy cơ gây ung thư, chẩn đoán ung thư, điều trị ung thư và cuối cùng là phòng ngừa ung thư.

Trong quá trình tìm hiểu về những vấn đề kể trên, độc giả được các chuyên gia lý giải về những tin đồn thất thiệt liên quan đến bệnh ung thư.

Dung de nhung tin don ve ung thu giet chet ban anh 1
Sách Ung thư: Tin đồn & Sự thật . 

Ung thư là một căn bệnh có tính di truyền? Nếu bố mẹ mắc ung thư, thì con cái sẽ dễ mắc phải căn bệnh đáng sợ này. Điều này đúng, nhưng chưa đủ! Sự thật là: Ung thư hình thành do một bất thường nào đó xảy ra ở một hoặc nhiều gen trong tế bào. Sự thay đổi ở gen này được gọi là “lỗi” hay “đột biến”. Thông thường một tế bảo phải có 6 đột biến trở lên trước khi trở thành ung thư.

Một phần bộ gen của cha mẹ sẽ được di truyền cho con cái trong quá trình thụ tinh. Bởi vậy, theo tính chất bắc cầu, ung thư là một bệnh có tính di truyền.

Thế nhưng, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10% nguyên nhân gây ung thư. Chỉ có một số loại ung thư có khả năng di truyền cho thế hệ sau, trong đó phổ biến nhất là, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư vú. Nếu trong họ hàng bên ngoại có nhiều người mắc các bệnh ung thư kể trên, các bạn nên đi khám tầm soát ung thư sớm để bảo vệ sức khỏe của mình.

Mặc áo ngực trong thời gian dài, hay mặc áo ngực cả ngày có thể gây ung thư, điều này có đúng không? Một số người cho rằng mặc áo ngực thường xuyên sẽ gây tắc nghẽn hệ bạch huyết dẫn đến ung thư vú. Nhưng trong quá trình nghiên cứu sinh lý và giải phẫu tuyến vú cho thấy hệ bạch huyết của tuyến vú không đổ dồn về trung tâm vú. Thay vào đó, chúng cùng nhau dẫn lưu ra ngoài, đổ về cách hạch bạch huyết ở dưới nách. Vậy nên, việc mặc áo ngực không hề ảnh hưởng đến việc lưu thông của hệ bạch huyết tuyến vú.

Làm sao để sống khỏe và nói “không” với ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng gạo lức, đồng thời tăng lượng rau trong bữa ăn có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Như vậy chúng ta có nên cho người bệnh đang điều trị ung thư ăn theo chế độ trên không? Vì có vẻ điều này khá hợp lý?

Dung de nhung tin don ve ung thu giet chet ban anh 2
Chỉ có một số loại ung thư có khả năng di truyền cao. Ảnh: Internet.

Nhưng trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Việc sử dụng các chế độ ăn thực dưỡng hay ăn uống thuần chay, sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân. Từ đó gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị ung thư. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải công nhận rằng, việc tăng cường rau, giảm bớt chất béo trong bữa ăn sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư và nhiều căn bệnh nan y khác. Chỉ có điều nó phù hợp với người bình thường hơn mà thôi.

Tia UV trong ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da, đó là điều không phải bàn cãi. Vậy việc bôi kem chống nắng thường xuyên có làm giảm nguy cơ ung thư da hay không? Sự thật là kem chống nắng sẽ làm giảm bớt tác hại của tia cực tím tới làn da. Nó khiến cho da không bị đỏ ửng, rát vì cháy nắng. Có điều, các bạn phải lưu ý rằng kem chống nắng sẽ phát huy công dụng tốt hơn nếu chúng ta mặc áo dài tay, che ô, đội mũ rộng vành, hay nói cách khác là che chắn cho cơ thể kỹ càng.

Nếu chúng ta bôi kem chống nắng, sau đó nghĩ rằng làn da đã được bảo vệ và thản nhiên nằm phơi nắng, thì “thứ bùa bảo hộ” này sẽ không thể bảo vệ làn da một cách tối ưu được. Không chỉ có vậy, để kem chống nắng phát huy được công dụng của mình, các bạn phải bôi với lượng vừa đủ, cũng như thường xuyên bôi nhắc lại, nếu hoạt động liên tục dưới nắng.

Dung de nhung tin don ve ung thu giet chet ban anh 3
Kem chống nắng có thể ngăn ngừa ung thư da, nhưng phải sử dụng đúng cách. Ảnh: Internet.

Hy vọng cuốn sách Ung thư: Tin đồn & Sự thật sẽ đem lại cho độc giả nhiều thông tin hữu ích trong quá trình tìm hiểu và phòng tránh bệnh ung thư. Tuy là một cuốn sách về y học, nhưng nhóm biên soạn đã cố gắng trình bày các kiến thức khoa học một cách dễ hiểu, để độc giả dễ dàng tiếp cận.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm