Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trò chơi tình ái sân hận của một geisha và gã lãng du

Chúng ta hầu như không biết gì về cuộc sống gia đình thực sự của Shimamura ở Tokyo, chỉ thấp thoáng dấu vết mặc cảm tội lỗi của nhân vật này.

Kawabata Yasunari (1899 - 1972) được đánh giá là hiện tượng kỳ lạ của văn học Nhật Bản thế kỷ 20. Giữa thời kỳ Nhật Bản có nhiều biến động dữ dội và bị tác động lớn lao bởi những phong trào văn hóa phương Tây, Kawabata vẫn viết trong một tinh thần, cốt cách riêng của xứ phù tang. Tác phẩm của ông là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Cả thế giới biết đến Kawabata như một tâm hồn tiêu biểu cho Nhật Bản, một con người luôn chiêm bái, nâng niu và giữ gìn cái đẹp. Có thể thấy rõ điều đó trong tiểu thuyết Xứ tuyết. Qua Xứ tuyết, thiên nhiên, con người cũng như những nét đẹp văn hóa của xứ này đều đẹp lộng lẫy, hấp dẫn, khiến độc giả như lạc vào một không gian, thời gian khác, hít thở bầu sinh khí của ái tình, cái đẹp và thi ca.

a anh 1
Bìa cuốn "Xứ tuyết". Ảnh: Nancy Nguyễn

Tiền thân của tiểu thuyết Xứ tuyết xuất hiện như một truyện ngắn trong một tạp chí văn học. Những câu chuyện liên quan sau đó được in trên nhiều tạp chí khác nhau trong nhiều năm. Cuối cùng, chín tác phẩm được xuất bản và sau đó được tích hợp vào cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1948 mang tên Xứ tuyết. Bối cảnh cuốn tiểu thuyết là một vùng núi của Nhật Bản, nơi hàng năm nhận được một lượng tuyết khổng lồ. Từng đợt tuyết tích tụ cao nhiều mét, đôi khi còn ngăn cách các thị trấn và làng mạc với các khu vực xung quanh. Một cảm giác cô đơn, lạnh lẽo tràn ngập nơi này, len lỏi vào từng trang tiểu thuyết, ảnh hưởng đến tâm trạng và lời ăn tiếng nói của từng nhân vật.

Xứ tuyết là hành trình đi sâu vào mối quan hệ kéo dài nhiều năm, giữa Shimamura, một người đàn ông đã có gia đình nhưng sống cuộc đời nhàn rỗi, “no cơm, ấm cật” lang bạt khắp các chốn sơn cước và nàng Komako tận tụy, làm việc như một geisha trong khu suối nước nóng. Về cơ bản, cuốn tiểu thuyết tập trung vào các chuyến viếng thăm lặp đi lặp lại của Shimamura, thường là vào mùa đông khi trời rất lạnh và có rất nhiều tuyết.

Chúng ta hầu như không biết gì về cuộc sống gia đình “thực sự” của Shimamura ở Tokyo; chỉ thấp thoáng dấu vết của mặc cảm tội lỗi của nhân vật này. Nàng Komaku yêu Shimamura chân thành bằng một trái tim nồng nhiệt, nhưng thường xuyên bị mâu thuẫn khiến mối quan hệ chỉ giữ ở mức cầm chừng. Cô khao khát rồi lạnh nhạt với anh, uống rượu đến say để lấy cớ đến gần nhưng lại luôn miệng nói phải rời đi. Phải chăng những “dùng dằng nửa ở nửa về” đó là do trò chơi tình ái muôn đời trớ trêu hay nàng ý thức về thân phận geisha không thể có kết nối cảm xúc nào với người mà nàng phục vụ?

Cuốn tiểu thuyết còn có thêm nhiều lớp lang với sự xuất hiện của hai nhân vật: cô gái tên Yoko và anh chàng Yukio. Trong Xứ tuyết, vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật Bản được hội tụ đầy đủ ở hai nhân vật Komaku và Yoko. Dưới ngòi bút tài hoa và nhãn quan tinh tế của Kawabata, chỉ qua một vài nét phác sơ về vẻ đẹp làn da, điệu bộ vấn tóc hay dáng đi hối hả, người đọc cũng thấy toát lên những vẻ đẹp từ ngoại diện đến cốt cách của họ.

Họ đều là những người có trái tim đầy vị tha, nhân hậu và sôi nổi yêu thương, điển hình cho những nhân vật người nữ xuất hiện trong tiểu thuyết của Kawabata. Trong tiểu thuyết Đẹp và buồn, ông đã viết: “Tôi nghĩ đến cả nỗi sân hận của một người phụ nữ cũng là một kiểu của tình yêu”. Chính vì lẽ đó, chàng lãng tử Shimamura đến từ Tokyo - người lữ khách trên hành trình miên viễn tìm kiếm cái đẹp phải cảm thấy đắm đuối, mê say và không thể rời bỏ.

a anh 2
Yasunari Kawabata - chủ nhân giải Nobel 1968.

“Từ nàng toát ra ấn tượng tinh khiết lạ lùng. Có cảm giác nàng thanh sạch đến tận kẽ ngón chân, làm Shimamura không khỏi ngờ vực, phải chăng là tại mắt anh còn đọng cảnh sắc núi non lúc chớm hè?”

Độc giả có thể tìm thấy trong mọi trang sách của Xứ tuyết những lối diễn đạt mơ màng như trên, đó là bởi Kawabata luôn uyển chuyển đưa phong, hoa, tuyết, nguyệt vào văn chương của mình. Cặp mắt quan sát luôn thấm đẫm thi vị, luôn dõi theo từng bước chuyển mình của thiên nhiên, dù đang hướng sự tập trung đến những mối quan hệ phức tạp của nhân thế. Con người xuất hiện trong nhịp điệu của thiên nhiên, vì thế mọi ưu tư, chiêm nghiệm của họ cũng thấm đẫm nhịp điệu của thi ca. Nỗi sầu buồn lặng lẽ của tình yêu vô vọng trong tiểu thuyết cũng, biến thành một niềm bi cảm diễm lệ.

Đẹp một cách ám ảnh và xúc động sâu xa, nhiều người cho rằng Xứ tuyết là tác phẩm hay nhất của Kawabata và một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỉ 20. Xứ tuyết như là một nơi thời gian đọng lại, không gian bạc màu tuyết phủ sẽ là một trải nghiệm đọc ám ảnh với nhiều người.



Nancy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm