Ngày 12/4, trên website của công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9h30 ngày 22/4, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041). Hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 12/4 đề nghị 5 địa phương xác minh thông tin nêu trên. Các địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận các đạo sắc phong bị rao bán là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.
Website của công ty đấu giá ở Thượng Hải từng rao bán đạo sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam. Ảnh: C.M.H. |
Về 12 đạo sắc phong bị rao bán, trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương. Còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có 8 sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại địa phương khác nhau của Việt Nam.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, phía công ty đấu giá của Trung Quốc đã dừng đấu giá đạo sắc phong có nguồn gốc của Việt Nam.
Thông tin liên quan tới các đạo sắc phong từng bị rao bán không còn trên website của công ty đấu giá. Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải (Trung Quốc) sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan.
Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, trong đó các nước thành viên Công ước UNESCO 1970 có cùng cam kết: “Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hoá nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan” (Mục (ii), khoản b, Điều 7).
Điều 3 quy định: “Việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá đi ngược với các điều khoản trong Công ước bị coi là bất hợp pháp”.
Điều 7 quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết: Thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc gia nhằm ngăn chặn các bảo tàng và các cơ quan tương tự nằm trong lãnh thổ nước mình thu nhận những tài sản văn hóa có xuất xứ và được đưa ra trái phép từ một quốc gia thành viên khác sau khi Công ước có hiệu lực tại những nước này. Bất cứ khi nào có thể, thông báo cho nước xuất xứ là thành viên của Công ước về tài sản văn hóa đã bị đưa trái phép ra khỏi nước này sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước.
Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hoá nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan”.
Những thông tin đấu giá đạo sắc phong có nguồn gốc Việt Nam không còn xuất hiện trên website. |
“Đây là khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong phòng, chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu”, nội dung công văn của Bộ VHTTDL gửi Bộ Ngoại giao.
Trên cơ sở này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ ngoại giao - là cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, trong đó có việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế để xem xét, giải quyết: Phối hợp, hỗ trợ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời làm việc với công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá các đạo sắc phong nêu trên như thông báo của công ty đấu giá và xác minh rõ thông tin về nguồn gốc từ Việt Nam của các đạo sắc phong trong danh mục dự kiến đưa ra đấu giá của công ty đấu giá.
Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để có thể hồi hương các hiện vật sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, cùng với những nỗ lực phối hợp của các cơ quan chức năng, đang có nhiều tín hiệu tích cực trong việc hồi hương những hiện vật sắc phong có giá trị về nhiều mặt này. Phía các cơ quan, tổ chức liên quan của Trung Quốc đã thể hiện thiện chí phối hợp tích cực với Việt Nam để giải quyết vấn đề này theo tinh thần thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ ngoại giao, sau khi tìm hiểu thông tin từ Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của thành phố Thượng Hải, đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong.
Ngày 19/4, Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Sắc phong là các hiện vật gốc được lưu giữ trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, được thờ trong các di tích lịch sử, được cả cộng đồng làng xã bảo quản qua các thế hệ. Là một loại hình di sản văn hóa, một nguồn tài liệu quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn và bảo vệ bởi nó không chỉ là những hiện vật mang tính khoa học mà còn là vật thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.