Trao đổi với Zing sáng 13/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết đã nắm được thông tin sắc phong Việt Nam bị đấu giá tại Trung Quốc và đang giao Cục Di sản văn hóa gửi công văn cho 8 địa phương để xác minh vụ việc.
Trước câu hỏi về việc Bộ Văn hóa có cử đoàn công tác sang Trung Quốc để "hồi hương" cổ vật tương tự trường hợp ấn vàng Hoàng đế chi bảo, lãnh đạo Bộ Văn hóa cho biết 2 trường hợp này hoàn toàn khác nhau.
Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh công bố việc đấu giá các sắc phong có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn của Việt Nam. Ảnh: FB Trần Ngọc Đông. |
"Vụ việc liên quan đến rất nhiều địa phương, không phải một đối tượng cụ thể nên công tác chuẩn bị không thể như đã làm với trường hợp kia (vụ ấn Hoàng đế chi bảo - PV)", ông Hoàng Đạo Cương chia sẻ.
Những ngày qua, giới nghiên cứu văn hóa trong nước xôn xao trước thông tin nhiều sắc phong của một ngôi đền ở Việt Nam được công ty ở Trung Quốc đấu giá công khai.
Phiên đấu giá dự kiến đưa ra 672 món cổ vật, đa phần là thư tịch cổ. Trong đó, 12 sắc phong của Việt Nam niên đại thời Lê và Nguyễn sẽ được đem ra đấu giá. Công ty thông báo phiên đấu giá trên sẽ bắt đầu lúc 9h30 ngày 22/4 tại khách sạn Thượng Hải Majesty Plaza.
Ngôi đền bị mất nhiều sắc phong được nhắc đến là Đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Vụ mất cắp xảy ra năm 2021. Kẻ trộm đã phá két sắt rồi lấy đi nhiều sắc phong, sách cổ. Sau khi có thông tin về cuộc đấu giá trên, ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc xác minh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chia sẻ về vụ mất sắc phong tại Đền Quốc Tế ở Phú Thọ, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, cho biết các hiện vật của di tích được đặt tại chính di tích đó. Một số hiện vật được bảo quản trong tủ khóa, một số buộc phải để trên ban thờ (do đó là vật thờ).
Trường hợp sắc phong của Đền Quốc Tế, ông Thủy cho biết ban quản lý di tích để trong két sắt có khóa, nhưng kẻ trộm vẫn phá khóa và lấy đi.
"Trách nhiệm ban đầu là của Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương. Cần nâng cao trách nhiệm của ban quản lý trong việc bảo quản di vật", lãnh đạo Sở Văn hóa Phú Thọ chia sẻ.
Đề cập đến kế hoạch đàm phán hoặc mua lại để đưa sắc phong "hồi hương", ông Thủy cho biết đây là vấn đề cần sự bàn thảo của 3 bên gồm cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý Nhà nước về di sản và cơ quan cảnh sát điều tra.
"Việc mua lại, chuộc lại cổ vật như ấn vàng triều Nguyễn là hình thức khác. Trường hợp sắc phong chúng ta lại phải ứng xử khác, không thể đi mua như mua một món hàng. Đây là một 'giấy chứng nhận' của triều đình phong kiến cho từng di tích, cần bàn thảo khoa học và ứng xử phù hợp", ông Thủy chia sẻ.
Trong văn bản vừa gửi các địa phương, Cục Di sản văn hóa đề nghị phối hợp thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan); việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan); báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTT&DL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.