Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng bắt con trẻ giả vờ hoạt bát

Thích chơi một mình không hẳn là biểu hiện bệnh lý ở trẻ nhỏ. Nếu bé vẫn phát triển và hoàn thiện khả năng ngôn ngữ theo đúng độ tuổi, phụ huynh không cần quá lo lắng.

Bi an huong noi anh 1

Để con trở nên hoạt bát hơn trong môi trường mới, bố mẹ cần cho bé thời gian thích nghi. Ảnh: Arkki.

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những đứa trẻ hướng nội thường sẽ tập trung quan sát kỹ càng trước khi hòa mình vào cuộc chơi. Đôi khi, chính bản thân chúng còn không thể lý giải vì sao mình lại có khuynh hướng “lui về hậu trường” như vậy.

Những đứa trẻ hướng nội khá “kỹ tính” trong khâu chọn bạn chọn bè. Chúng sẽ muốn ở bên những người đem lại cảm giác an toàn. Ngược lại, việc ép chúng phải hòa mình vào một môi trường có quá nhiều người lạ trong thời gian dài sẽ để lại nỗi sợ, thậm chí nỗi ám ảnh về lâu dài.

Đôi khi, ngay cả người thân trong gia đình cũng chưa chắc đã thấu hiểu được những đứa trẻ hướng nội. Thậm chí, những đứa trẻ hướng nội còn tìm thấy cảm giác an toàn ở những mối quan hệ bên ngoài hơn là gia đình của chúng.

Còn nhớ ngày còn bé thơ, tôi rất thích lẽo đẽo theo sau bố. Tôi bị chê rất nhiều về khoản ăn nói vì luôn rụt rè núp sau lưng bố, không nói không rằng, nếu có cũng chỉ thủ thỉ khe khẽ khiến người đối diện phát cáu.

Thế nhưng, điều đặc biệt là tôi cực kỳ háo hức mỗi khi được bố đưa ra hiệu sách cũ. Thậm chí, tôi có thể say mê giữa những chồng sách ấy hàng giờ đồng hồ không chán. Tôi lật giở hết trang nọ tới trang kia, để ý từng nếp gấp, từng bức ảnh minh họa. Tôi còn mê mẩn đến nỗi không muốn theo bố trở về nhà.

Tôi rất hay chú ý đến tiểu tiết và đó cũng là điểm đặc biệt khiến sự nghiệp của tôi phát triển được như hiện tại. Để viết tốt và trở thành tác giả, tôi không biết mình đã phải tự quan sát và xử lý bao nhiêu dòng suy tư mỗi ngày.

Những người hướng nội khác ra sao thì tôi không chắc, tôi chỉ biết mình thực sự bị cuốn hút bởi cảm giác háo hức và hân hoan mỗi khi phát hiện ra một điều gì đó mới lạ, hoặc những điều tưởng chừng rất đơn giản mà người khác không nhận ra hoặc phớt lờ.

Cũng giống người hướng nội trưởng thành, đứa trẻ hướng nội sẽ chậm rãi và từ tốn khi bắt đầu làm quen với người lạ, rất có thể bạn sẽ không cảm nhận được con người “thực sự” của chúng ngay lập tức.

Một đứa trẻ sống nội tâm sẽ rất dễ bị tổn thương. Những vết xước từ kỷ niệm không vui trong quá khứ cũng có thể để lại trong tâm trí một đứa trẻ nhiều hoài nghi, day dứt mãi về sau.

Hãy dịu dàng hơn với đứa trẻ hướng nội. Đừng ép nó phải vui vẻ, hồ hởi tiếp lời bạn ngay từ lần gặp đầu tiên. Càng vội vã, bạn sẽ càng làm tổn thương những đứa trẻ hướng nội kia. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng vào quá trình. Đó là chìa khóa lớn nhất để tiếp cận và chăm sóc một đứa trẻ hướng nội.

Vội vàng và áp đặt chính là đòn chí mạng lên một đứa trẻ sống nội tâm, đặc biệt là khi đứa trẻ ấy có phần nhạy cảm.

Xã hội chủ yếu tập trung vào việc giao tiếp nhóm. Vì thế, đứa trẻ hướng nội thường vô tình bị “lắp ghép” vào những bức tranh không thực sự phù hợp với chúng. Khi được ở một mình, tiềm năng và sự sáng tạo của đứa trẻ hướng nội sẽ có thể khiến bạn bất ngờ.

Cá nhân tôi đã kiểm nghiệm điều này suốt những năm tháng tuổi thơ cho tới thời điểm hiện tại. Khi dồn hết tâm trí viết ra những dòng này, tôi bỗng thấy rất trân quý khoảng thời gian được “ở một mình” trước đó của mình.

Hồi còn là cô học trò cắt tóc bát úp, tôi sẽ ở một mình mọi lúc có thể. Học một mình, viết lách, vẽ vời một mình. Trước đây, khi chưa hiểu chuyện, tôi cứ nghĩ mình “lủi thủi” như thế là cô đơn, là thất bại lắm. Nhưng mãi về sau, tôi mới thực sự cảm nhận được những khoảng thời gian “một mình” đó quý giá đến nhường nào. Để rồi hôm nay, tôi có thể tự hào tuyên bố với thế giới rằng tôi hoàn toàn thoải mái và biết ơn sự “lẻ bóng” mình lựa chọn.

Dear Introvert/ Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY