Dùng 10 số điện, phải đóng 200 nghìn đồng
Nhiều năm qua, các hộ dân ở ấp Mới, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng phải trả tiền điện với giá rất đắt vì cách tính chỉ số điện tiêu thụ không hợp lý của ngành điện lực huyện này.
Năm 2008, để có điện dùng trong sinh hoạt, người dân xã Hưng Long phải đóng tiền mỗi hộ 2,9 triệu đồng mua cột, dây điện, đồng hồ điện. Sau đó điện lực Mỹ Tú cho nhân viên xuống kéo dây điện từ cột điện trung thế về xóm, từ đó kéo điện vào từng hộ gia đình cho bà con sử dụng.
Bà con phải mua điện sử dụng thông qua một đồng hồ “tổng” của ngành điện, cả khu vực hiện có 5 đồng hồ “tổng”, mỗi đồng hồ “tổng” sử dụng cho 15 hộ. Từ đây bà con nông dân không còn phải sử dụng đèn dầu. Nhưng hệ thống điện luôn ở trạng thái chập chờn, đèn khi sáng, khi lờ mờ như... đom đóm. Có lúc điện đang yếu tự nhiên tăng vọt khiến nhiều thiết bị điện bị ảnh hưởng. Trong khi điện "lè tè" thì giá điện lại cao đến mức "chóng mặt".
Đường dây điện do bà con ở ấp Mới tự bỏ tiền mua. |
Đơn cử như hộ anh Phan Tấn Đức, tháng 12/2012 chỉ sử dụng trên 60kW nhưng số tiền phải trả là 337.000 đồng; hộ anh Lê Thanh Dũng sử dụng 26kW phải trả trên 270.000 đồng; hộ bà Lê Thị Tiến (80 tuổi) chỉ sử dụng một bóng đèn nhỏ loại tiết kiệm điện, tháng 12/2012 là 10kW nhưng phải đóng trên 200.000 đồng…
Anh Lê Thanh Dũng cho biết: “Bà con tụi tui là nông dân, nhiều hộ còn khó khăn, mong có điện sử dụng nhưng không được kéo dây trung thế nên phải mua điện qua đồng hồ tổng. Tháng nào cũng phải bấm bụng trả tiền nhiều, trong khi đó điện sử dụng không được, không đủ sáng bóng đèn. Chúng tôi phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết. Mới đây bà con họp lại và thống nhất, nếu cứ chịu cảnh xài ít trả tiền nhiều như thế này thì sẽ cắt không sử dụng nữa”.
Qua tìm hiểu tại 3 đồng hồ “tổng”, 3 tháng qua, các hộ dân ở đây phải trả tiền cho lượng điện mà mình không sử dụng lên tới 6.166kW, nếu tính theo ngành điện, số tiền bà con phải trả là rất lớn.
Ông Võ Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Long Hưng, cho biết: “Theo cách tính tiền của ngành điện, sử dụng càng nhiều, tiền càng lũy tiến, nói theo cách của bà con là bậc, thì bà con ở đây trả tiền ở bậc 4”. Nếu tính kỹ suốt từ khi bà con kéo điện thì con số này là không nhỏ.
Ông Nam giải thích: “Nỗi khổ của bà con chúng tôi cũng đã nghe và đã phản ánh nhiều với cơ quan chức năng. Theo giải thích của ngành điện lực, do đường dây của bà con dài, lại không đảm bảo tiêu chuẩn nên tỉ lệ hao hụt điện rất lớn, phần hao hụt đó bà con phải chia nhau chịu. Sắp tới ngành điện lực sẽ có kế hoạch kéo đường dây điện trung thế cho khu vực này”.
Liên hệ với chi nhánh điện lực huyện Mỹ Tú chiều ngày 16/1, phóng viên được người phụ trách ở đây giải thích: “Có sự chênh lệch lớn là vì bà con kéo điện qua đồng hồ 'tổng', đường dây điện của bà con dài nên tỉ lệ hao hụt lớn. Hơn nữa, đồng hồ điện do bà con tự mua không được kiểm định chất lượng nên bà con sử dụng điện nhiều nhưng chỉ số đồng hồ lại ghi ít nên chênh lệch là điều khó tránh khỏi”.
Có điều người dân địa phương cho biết toàn bộ dây điện, đồng hồ điện… đều do Điện lực Mỹ Tú cung cấp chứ không phải người dân tự mua.
Theo Dân trí