Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đức tung gói cứu trợ lớn đối phó lạm phát leo dốc

Chia sẻ với Zing, chuyên gia kinh tế cho rằng dù giải quyết được yêu cầu giúp đỡ các đối tượng khó khăn, gói cứu trợ mới nhất của Berlin có thể vẫn quá dàn trải.

lam phat tai Duc,  goi cuu tro anh 1

Ngày 4/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro - tương đương với 1,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quốc gia này - nhằm giúp người dân ứng phó với tình trạng chi phí năng lượng và lạm phát tăng vọt.

“Tôi rất hài lòng với kết quả này”, ông Scholz nói, theo DW. “Chúng, cũng như nhiều biện pháp khác, sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua mùa đông”.

Dù vậy, không phải ai cũng có đánh giá lạc quan như người đứng đầu chính phủ Đức. Theo ông Thomas Gitzel, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại ngân hàng VP Bank có trụ sở tại Liechtenstein, chính sách của chính phủ có thể đang có quy mô quá rộng, khiến một số đối tượng không khó khăn cũng được hưởng lợi, đồng thời gây ra nhận thức sai lầm của người dân.

“Gói cứu trợ thứ ba của chính phủ liên bang nhằm giúp những người có thu nhập thấp và gặp hoàn cảnh khó khăn”, ông Gitzel chia sẻ với Zing. “Nhưng do hướng đến nhiều đối tượng, gói cứu trợ đã tạo ra ảo tưởng rằng phần lớn người dân có thể được bảo vệ khỏi hậu quả của giá năng lượng tăng, mặc dù Đức, nước nhập khẩu ròng năng lượng, trở nên nghèo hơn”.

Gói cứu trợ quy mô lớn

Biện pháp trên được đưa ra trong cuộc họp đêm 3/9 của ba đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức: Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP).

Theo các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro này, 21 triệu người hưởng chế độ hưu trí tại Đức sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 300 euro để trang trải chi phí năng lượng. Khoảng ba triệu sinh viên đại học và cao đẳng nghề - bao gồm 440.000 sinh viên nước ngoài - nhận được 200 euro.

lam phat tai Duc,  goi cuu tro anh 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước truyền thông sau khi ba đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức thông báo về gói cứu trợ mới. Ảnh: Reuters.

Khoản tiền trên sẽ được chi trả vào ngày 1/12.

Bên cạnh đó, khoảng hai triệu gia đình thu nhập thấp - tăng mạnh so với con số 640.000 của các gói cứu trợ trước đó - sẽ nhận được trợ cấp nhà ở khoảng 195 euro hàng tháng, cũng như một khoản hỗ trợ khác cho chi phí sưởi ấm.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh tại Đức còn nhận được hỗ trợ tính theo số con cái. Chính quyền liên bang Đức cũng tăng cường hỗ trợ cho mạng lưới giao thông công cộng.

“Gói này nhắm vào mọi hộ gia đình, cả người về hưu, sinh viên và người học nghề”, chính phủ Đức cho biết.

Dù vậy, ông Gitzel cho rằng quy mô của gói cứu trợ phần nào đó hơi rộng.

“Với các lý do chính trị - xã hội, việc giúp những người có thu nhập thấp đối phó với chi phí năng lượng gia tăng là điều đúng đắn”, ông nói. “Dù vậy, những người đã về hưu và sinh viên được hỗ trợ ngay cả khi họ có đủ thu nhập. Tương tự, khoản tiền trợ cấp nuôi con sẽ có lợi cho nhiều gia đình thu nhập cao”, ông nói.

“Các khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình cần đóng vai trò trọng tâm của gói cứu trợ. Vé phương tiện giao thông công cộng giá rẻ cũng vậy”, vị chuyên gia nhận định. “Cả hai giải pháp đều có ý nghĩa xét theo quan điểm kinh tế. Hỗ trợ trực tiếp là công cụ đầy đủ nhất để đối phó với tình hình hiện nay”.

Lạm phát vẫn nóng

Trong những tháng trước đó, Đức đã thông qua các biện pháp cứu trợ với giá trị 30 tỷ euro. Dù vậy, khi lạm phát nóng trở lại, chính phủ nước này đã phải chấp thuận tung ra thêm gói cứu trợ lần này. Tổng cộng, Berlin đã chi tới 95 tỷ euro, tương đương với 2,5% GDP của Đức.

Tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) là 10% trong tháng 9, tăng mạnh từ mức 7,9% hồi tháng 8. Đây là con số kỷ lục, DW cho biết.

Cuộc xung đột tại Ukraine được cho là nguyên nhân kéo theo giá cả leo thang và khiến cả xã hội châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn. Theo ông Gitzel, nếu giới chức không đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, tình hình sẽ trở nên tồi tệ.

Vị chuyên gia cũng đánh giá người dân châu Âu sẽ còn phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao trong những tháng tới.

“Do đó, chúng ta sẽ cần làm mọi điều cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững cho châu Âu. Trọng tâm cần là mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo, ông nói.

lam phat tai Duc,  goi cuu tro anh 3

Theo ông Gitzel, thách thức lớn nhất của Đức là vừa phải đối phó với suy thoái, vừa phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao. Ảnh: Financial Times.

Ông cho rằng các chính phủ cần gửi đi thông điệp tới người dân rằng sau khi khó khăn qua đi, châu Âu sẽ có nguồn cung khí đốt xanh, bền vững và không phụ thuộc vào Nga. “Thông điệp như vậy sẽ giúp mọi người vượt qua thời điểm khó khăn dễ dàng hơn”, ông nói.

“Châu Âu đã rơi vào suy thoái. Do đó, thách thức lớn nhất là vừa phải đối phó với suy thoái, vừa phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao”, vị chuyên gia nhận định.

Dù vậy, ngoài thách thức, châu Âu đứng trước cả những cơ hội. Ông Gitzel chỉ ra đợt lạm phát lần này chủ yếu gây ra bởi các “tác động đặc biệt”, cụ thể là giá năng lượng. Trong khi đó, tình hình chuỗi cung ứng đang dần được cải thiện.

“Giá năng lượng cao tạo cơ hội đầu tư vào năng lượng xanh”, ông nói. “Các công ty châu Âu đã có nhiều kiến thức trong phát triển năng lượng xanh. Đây đã là lúc để hiện thực hóa”.

Đức tung gói cứu trợ gần 65 tỷ USD đối phó lạm phát

Liên minh “Đèn giao thông” cầm quyền của Đức đã đồng ý về gói cứu trợ trị giá 64,7 tỷ USD, nhưng không thảo luận về việc tái vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Nhiều người châu Âu lo sợ mất tất cả

Một số quốc gia châu Âu đã công bố các gói cứu trợ trị giá hàng chục tỷ USD nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng khi mùa đông cận kề và giảm rủi ro bất ổn chính trị.

Việt Hà - Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm