Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đức tung gói 100 tỷ euro nhưng lực lượng vũ trang vẫn thiếu thốn

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố chi 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội, song dường như vẫn chưa có khoản nào trong cam kết đó đến với lực lượng vũ trang nước này.

vu trang Duc anh 1

Sau khi “chiến dịch quân sự” tại Ukraine nổ ra, Thủ tướng Scholz đã tuyên bố Zeitenwende - một bước ngoặt - đối với quân đội và vị thế của nước này trên thế giới, theo Financial Times.

Tuy nhiên, kể từ đó, hầu như không có khoản nào trong quỹ bổ sung trị giá 100 tỷ euro (khoảng 103 tỷ USD) mà thủ tướng Đức cam kết đến được với lực lượng vũ trang.

Một cơ quan quốc hội được thành lập vào mùa xuân để phân bổ tài chính cho các chương trình cải cách và hiện đại hóa lực lượng vũ trang đã họp một lần. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng vẫn chưa có đề xuất mua sắm nào để đệ trình lên cơ quan này. Phiên họp tiếp theo của họ sẽ không diễn ra cho đến tháng 2/2023.

Thất hứa?

Trước đó, vào hồi tháng 2, trong thông báo lịch sử trước quốc hội, ông Scholz cho biết một quỹ trị giá 100 tỷ euro sẽ được thành lập ngay lập tức để tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang. Ông cũng tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm tới, theo Guardian.

Các nhà lập pháp phe đối lập, và một số chuyên gia an ninh hàng đầu của đất nước, đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu cam kết của Đức về vai trò dẫn dắt châu Âu phòng thủ có phải là lời nói suông.

Lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz hôm 23/11 cáo buộc Thủ tướng Schoz “đang thất hứa với quốc hội và đặc biệt với Bundeswehr (quân đội liên bang)".

Ông Merz nhấn mạnh ngân sách quốc phòng năm 2023 trên thực tế không hề tăng, mà sẽ giảm 300 triệu euro dựa trên các kế hoạch hiện tại của chính phủ. Theo ông, việc Đức thiếu hành động đã làm tăng ngờ vực đáng kể đối với NATO và các nước đồng minh.

Bên cạnh đó, Đức được cho đã không đáp ứng yêu cầu của NATO trong việc chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

vu trang Duc anh 2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Quốc hội ngày 27/2. Ảnh: Reuters.

Đáp lại, Thủ tướng Scholz cho rằng đó là một kế hoạch dài hạn, chứ không phải những tuyên bố quảng bá hình ảnh vội vàng.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi yêu cầu những thứ phù hợp và Bundeswehr được trang bị theo cách có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới”, ông nói.

Mặc dù không nhiều người ở Berlin nghi ngờ sự chân thành của thủ tướng, một số người tin rằng ông chỉ vừa mới hiểu được quy mô của thách thức mà ông đặt ra cho đất nước - và đã đánh giá thấp vốn liếng chính trị cần thiết để đối phó với nó.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, vào năm 2021, quân đội Đức và 183.000 quân nhân tại ngũ đã nhận được khoản viện trợ trị giá 46,9 tỷ euro.

Để đạt được mục tiêu đối với NATO trong năm nay, chi tiêu của Đức sẽ phải tăng vọt lên 75,5 tỷ euro và lên 85,6 tỷ euro vào năm 2026.

Nếu được sử dụng ngay lập tức, quỹ viện trợ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro sẽ có thể cạn kiệt trong vòng 5 năm.

Theo Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức, quỹ 100 tỷ euro là “một khởi đầu tốt và là tín hiệu đúng đắn”.

Theo bà, sự thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, bà nói: “Một số người đang mất kiên nhẫn về việc tiền sẽ đi đâu và những gì sẽ được chi tiêu”.

Còn rất nhiều việc phải làm

Đức đang gặp khó khăn trong việc tăng cường mua sắm quốc phòng hoặc thậm chí là việc tái bổ sung khí tài mà họ đã cung cấp cho Kyiv, một số nguồn tin nói với Reuters tám tháng sau khi Thủ tướng Scholz đưa ra cam kết trị giá 100 tỷ euro.

Các chuyên gia quân sự nhất trí rằng các nhà hoạch định quân sự của Đức còn rất nhiều việc phải làm.

Ulrike Franke, một học giả về chính sách quốc phòng Đức tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ nhận ra rằng điều này thực sự đến khá đột ngột”.

Theo bà, vào ngày 27/2, ông Scholz bất ngờ thông báo sẽ cấp thêm 100 tỷ euro cho quân đội. “Đó là một cú sốc hoàn toàn đối với hệ thống”, vị chuyên gia nhận định.

Bà nhận định Đức đã thiếu đầu tư và không chú trọng phát triển vào lực lượng vũ trang trong nhiều thập kỷ.

vu trang Duc anh 3

Lực lượng vũ trang Đức. Ảnh: AP.

“Những khiếm khuyết về năng lực - trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian mạng - ở khắp mọi nơi”, bà nói.

Sự chú ý tập trung nhiều vào các hạng mục lớn như đơn đặt hàng chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và một hạm đội tàu ngầm mới. Tuy nhiên, một khoản tiền lớn cũng cần phải được đầu tư vào những loại khí tài thông thường hơn.

Một báo cáo gần đây của ủy viên Quốc hội Đức về lực lượng vũ trang cho biết những người lính trở về từ Lithuania đã phàn nàn rằng lính từ các quốc gia khác đã "chế nhạo họ" về tình trạng thiết bị vô tuyến của Bundeswehr.

Vào hôm 20/11, tờ Bild của Đức đã đăng một câu chuyện trên trang nhất về nguồn cung cấp đạn dược và thậm chí cả quân trang sắp cạn kiệt.

Giới phân tích cho rằng việc nâng cấp kho vũ khí và tái bổ sung khí tài đòi hỏi một cuộc cải tổ.

Cơ quan mua sắm quân sự của Đức có khả năng xử lý những khoản chi tiêu hàng năm trị giá khoảng 9 tỷ euro, theo phân tích của ông Christian Mölling tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức.

Với các hợp đồng quốc phòng lớn, các quan chức chính phủ nói rằng họ đang dành thời gian để giải quyết mọi việc ổn thỏa.

“Đây không phải là những cuộc mua sắm tầm thường khi bạn mua một thứ nhỏ và có thể hoàn thành nó một cách nhanh chóng. Mọi thứ phải được đàm phán rất chi tiết”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Christian Thiels cho biết.

Ông cho biết thêm rằng một số đề xuất hợp đồng lớn có thể sẽ được trình lên Quốc hội để phê duyệt vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Mölling, Bộ Quốc phòng nên làm việc nhiều hơn. “Môi trường an ninh đã thay đổi rất nhiều nhưng tôi không nghĩ rằng có sự cấp bách về chính trị để hoàn thành công việc”.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.

Đức bác đề nghị từ Ba Lan về chuyển tên lửa Patriot cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Đức đã bác yêu cầu của Ba Lan về việc chuyển tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine, nhấn mạnh tên lửa này chỉ được dùng ở các quốc gia NATO.

Báo chí Đức tìm cách đổ lỗi sau thất bại của tuyển nhà

Sau thất bại của đội tuyển Đức tại trận mở màn World Cup 2022, truyền thông Đức lại tìm đối tượng để đổ lỗi, và lần này là tranh cãi quanh băng tay OneLove.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm