“Từ nay, chúng ta sẽ chính thức gọi những sự kiện này đúng với bản chất của nó nhìn từ góc độ đương đại: Một cuộc diệt chủng”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 28/5 cho biết, Guardian đưa tin.
Một ngày trước, giới chức tại Berlin xác nhận sau 9 vòng đàm phán, Đức và Namibia đã thống nhất về một tuyên bố chung cùng khoản tiền 1,1 tỷ euro (tương đương 1,34 tỷ USD).
Nội dung tuyên bố gọi hành động tàn bạo của lính Đức tại Namibia trong năm 1904-1908 là “diệt chủng” nhưng sẽ không có từ ngữ như “bồi thường” hoặc “đền bù”, theo Guardian. Nguyên nhân được cho là vì lo ngại ngôn ngữ như vậy sẽ tạo tiền lệ pháp lý cho các quốc gia khác.
Trong năm 1904-1908, hàng chục nghìn đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị lính Đức bắn chết, tra tấn, hoặc bị ép đi vào sa mạc dẫn đến chết đói. Những hành động tàn bạo này xảy ra sau khi hai bộ tộc Herero và Nama nổi dậy chống lại chế độ thực dân Đức tại vùng Tây Nam Phi thuộc Đức - Namibia bây giờ.
Những người đàn ông tộc Herero bị xiềng xích tại vùng Tây Nam Phi thuộc Đức - Namibia hiện tại. Ảnh: Alamy. |
Khoản tiền 1,1 tỷ euro sẽ được trả trong vòng 30 năm. Hơn một tỷ euro sẽ được trao cho các dự án cải thiện đất đai, cơ sở hạ tầng nông thôn, cung cấp nước, và đào tạo nghề cho những cộng đồng hậu duệ của tộc người Herero và Nama.
Khoảng 50 triệu euro sẽ được dùng để lập quỹ hòa giải giữa hai quốc gia, bao gồm các dự án văn hóa và chương trình trao đổi thanh thiếu niên.
Theo Guardian, Đức từ năm 2015 đã bắt đầu đàm phán với chính phủ Namibia trong nỗ lực “hàn gắn vết thương” bạo lực quá khứ.