Tuyển Đức đối mặt với lần thứ hai bị loại khỏi World Cup ngay từ vòng bảng. Ảnh: Reuters. |
Cuộc đối đầu Đức - Nhật Bản không chỉ đơn giản là “cơn địa chấn thứ hai” tại World Cup 2022 mà còn là ván cờ chiến thuật hấp dẫn, thú vị nhất kể từ đầu giải.
Những điều chỉnh của HLV Hajime Moriyasu trong hiệp 2 - đặc biệt là việc chuyển từ đội hình 4-4-2 sang 5-2-2-1 (phòng thủ) kết hợp 3-2-5 (tấn công) - giúp đội bóng Đông Á giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ từng bốn lần giành chức vô địch thế giới.
Mọi lời khen dành cho HLV và các cầu thủ Nhật Bản là hoàn toàn xứng đáng. Dù vậy, cũng phải thấy rằng Đức sụp đổ trong hiệp hai một phần vì những điểm yếu không thể khắc phục suốt 4 năm qua và sự bị động đáng ngạc nhiên của HLV Flick, người từng được mô tả là “cứu tinh” của bóng đá Đức sau gần 4 năm đen tối dưới thời cựu HLV Joachim Loew.
Trước hết, hãy nói về khiếm khuyết lớn nhất của Die Mannschaft. Đó là họ không có một trung phong đẳng cấp kể từ khi Miroslav Klose giã từ đội tuyển. Tuyển Đức vào trận với Kai Havertz chơi ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, cầu thủ của Chelsea không phải là một “target man” (tiền đạo mũi nhọn) đúng nghĩa, anh thiếu khả năng chọn vị trí và gây sức ép lên các trung vệ Nhật Bản.
Kai Havertz gây thất vọng khi được xếp chơi đá cao nhất trên hàng công. Ảnh: Reuters. |
Lỗ hổng phòng thủ
Trong suốt 79 phút có mặt trên sân, Havertz không tung nổi một cú sút nào, dù trúng đích hay ra ngoài, về phía khung thành Nhật Bản. Anh 3 lần rơi vào bẫy việt vị và chỉ có vỏn vẹn 1 đường chuyền tạo cơ hội ghi bàn (key pass). Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Havertz là khi anh đưa bóng vào lưới Nhật Bản ở thế việt vị cuối hiệp 1. Đó thực sự là cơ hội ngon ăn và Đức hoàn toàn có thể nâng tỷ số lên 2-0 nếu Havert chọn vị trí tốt hơn.
Điểm yếu lớn thứ hai của tuyển Đức là hàng phòng thủ mong manh, dễ vỡ. Đây là vấn đề từng được các chuyên gia bóng đá và giới cổ động viên Đức thảo luận thường xuyên trong suốt vài năm qua. Đức không có một hậu vệ phải đẳng cấp, trung vệ Nico Schlotterbeck còn khá non nớt trong khi hậu vệ trái David Raum cũng chỉ mạnh ở khâu hỗ trợ tấn công.
Do đó, việc HLV Flick loại bỏ trung vệ kỳ cựu Mats Hummels - người đang có phong độ cao tại Borussia Dortmund từ đầu mùa giải 2022/23 - gây ngạc nhiên lớn. Và ông phải trả giá đắt cho quyết định đó. Hàng thủ Đức luôn tỏ ra bất ổn và bị động khi Nhật Bản dâng cao tấn công trong hiệp hai. Một mình trung vệ Toni Rudriger không đủ sức che chắn hết các lỗ hổng mà đồng đội tạo ra.
Ở bàn thắng thứ hai của Nhật Bản, Niklas Sule - trong vai trò hậu vệ phải bất đắc dĩ - là người mắc lỗi vị trí, giúp Takuma Asano thoát bẫy việt vị lao xuống đối mặt thủ thành Manuel Neuer sau một đường phất bóng đơn giản của Ko Itakura. Schlotterbeck mắc nhiều lỗi trong suốt cả trận và ở tình huống đó cũng không tận dụng được lợi thế thể hình để ngăn cản cầu thủ Nhật Bản.
Trong khi đó, Raum tấn công hiệu quả và đem về cho tuyển Đức một quả phạt đền. Nhưng anh cũng để lại những khoảng trống mênh mông phía sau mỗi khi Đức mất bóng ở tuyến giữa và Nhật Bản phản công. Trong hiệp hai, các cầu thủ Nhật thường xuyến đánh phá vị trí của Raum, khiến hàng thủ Đức rối loạn.
Những quyết định thay người kỳ lạ
Cuối cùng, “cái chết” của tuyển Đức còn đến từ chính HLV Flick, người từng đem về vinh quang Champions League cho Bayern Munich mùa giải 2019/20.
Mọi quyết định thay người của ông trong hiệp hai đều có vấn đề và chúng trực tiếp dẫn tới việc Die Mannschaft mất thế trận. Havertz cực kỳ mờ nhạt nhưng được ông giữ trên sân tới phút 79. Tiền đạo thực thụ Niclas Fullkrug vào sân ở thời điểm Nhật Bản đang hừng hực khí thế, nên không tạo được tác động đáng kể.
HLV Hansi Flick chưa phải cứu tinh của tuyển Đức. Ảnh: Reuters. |
Tiếp đó là việc ông Flick rút Ilkay Gundogan ra quá sớm. Suốt cả hiệp một cho đến phút 67, tiền vệ Manchester City là ông chủ tuyến giữa của Đức, là người giữ nhịp và điều tiết trận đấu.
Anh cũng thường lùi sâu, tạo thành lá chắn giữa sân bảo vệ hàng thủ Khả năng kiểm soát của Gundogan là rất cần thiết khi Nhật Bản dâng cao, pressing ngay trên sân nhà Đức và sẵn sàng tấn công với 5 người.
Trong 67 phút có mặt trên sân, Gundogan tung 6 cú sút về phía khung thành Nhật Bản, ghi bàn từ chấm phạt đền và chuyền bóng với tỷ lệ chính xác 93%.
Sau khi ông Flick thay Gundogan bằng Leon Goretzka, Đức đánh mất hoàn khu trung tuyến. Tiền vệ Bayern Munich hoàn toàn bỏ quên nhiệm vụ đánh chặn và liên tục dâng cao tấn công. Hậu quả là hàng thủ Đức bắt đầu trở nên bị động và rối loạn trước Nhật Bản.
Cuối cùng, quyết định nhân sự khó hiểu nhất của ông Flick là thay ngôi sao trẻ Jamal Musiala bằng Mario Gotze. Với kỹ thuật tuyệt vời, tiền vệ của Bayern Munich là nhà kiến thiết (playmaker) chính của tuyển Đức và lẽ ra anh có thể tạo ra một siêu phẩm solo nếu dứt điểm chính xác hơn. Musiala là chất keo kết dinh hàng công của Đức. Sau khi anh rời sân, Die Mannschaft hầu như không còn tạo ra cơ hội đáng kể nào.
Việc Gotze được gọi lên tuyển dự World Cup 2022 đã là một câu hỏi lớn với giới chuyên gia và truyền thông Đức. Người hùng World Cup 2014 rõ ràng đã đánh mất phong độ đỉnh cao, và trong những phút có mặt trên sân, anh không để lại bất kỳ dấu ấn nào.
Có thể nói là trong hiệp một, Đức có thừa chuyên gia kiến thiết (Musiala và cả Thomas Muller), nhưng không có tiền đạo dứt điểm. Đến hiệp hai, lúc Fullkrug và cầu thủ 18 tuổi Youssoufa Moukoko có mặt trên sân, thì Đức lại không còn playmaker đủ giỏi để tạo cơ hội cho các tiền đạo thực thụ ghi bàn.
Thua Nhật Bản, Đức không còn nhiều cơ hội để vượt qua vòng bảng World Cup 2022 khi trận đấu tới phải đối mặt với một Tây Ban Nha đang hừng hực khí thế. “Cứu tinh” Flick đã thất bại và có lẽ các cổ động viên Die Mannschaft đành phải chờ đến Euro 2024 trên đất Đức để tìm lại cảm giác vinh quang.