Ca sĩ Đức Phúc, quán quân Giọng hát Việt năm 2015, vừa ra mắt cuốn tự truyện với tựa đề I belive I can fly do Đào Trung Uyên và Võ Thu Hương chấp bút.
Cuốn sách được ví như một câu chuyện cổ tích về chú “vịt con” xấu xí nhưng có tâm hồn sơn ca. Nhiều câu chuyện, những điều mà khán giả chưa biết về học trò của ca sĩ Mỹ Tâm được tiết lộ trong tự truyện.
Được sự đồng ý của đơn vị xuất bản là Saigon Books, Zing.vn gửi tới độc giả một số trích đoạn của cuốn sách.
Tiếng hú lúc nửa đêm
Chuyện tình cảm giữa Phúc và bạn Âm Nhạc trắc trở ngay từ những chặng đầu tiên.
Mùa hè khi Phúc chuẩn bị vào lớp 3, bố mẹ cho Phúc học lớp nhạc ở Cung thiếu nhi Hà Nội. So với mấy đứa con trai cùng lớp nhạc này, Phúc học nhanh hơn, chuyên cần hơn. Phúc đọc khá rành rẽ những nốt, phách và thường đạt điểm cao.
Nhóm học trò “ngôi sao” của lớp nhạc phần lớn là con gái, thế nên Phúc như “gươm lạc giữa rừng hoa”. Mỗi khi cất tiếng hát, Phúc như biến hình từ người nhút nhát thành người hết sức tự tin. Phúc mà đã hát thì chỉ biết có âm nhạc, những gì còn lại của thế giới không còn quan trọng nữa. Kỳ lạ nữa là khi hát, khi hòa mình vào giai điệu, ca từ, Phúc thấy hạnh phúc, thoải mái lắm.
Từ nhỏ Đức Phúc đã thể hiện sự yêu thích đặc biệt với âm nhạc. |
Chương trình học ở lớp thanh nhạc kết thúc bằng một cuộc thi hát có người đệm đàn piano. Nếu thi đậu sẽ được lên lớp. Phúc vô cùng phấn khởi đi thi. Đến lượt mình, Phúc say sưa hát quên trời đất bài Bóng hồng bóng xanh của nhạc sĩ Duy Quang.
“Ô kìa, mặt trời đẹp như quả bóng hồng.
Ô kìa, mặt trăng đẹp như quả bóng xanh
Bóng hồng mặt trời sưởi ấm hành tinh này
Bóng xanh mặt trăng gợi nhớ về ước mơ.”
Phúc hát say mê như thể chưa bao giờ được hát, đung đưa người nhiệt tình, khiến người xung quanh chắc ít nhiều xây xẩm chóng mặt. Phúc kết thúc phần thi với nụ cười tươi tắn, lòng chan chứa hy vọng sẽ đậu. Một tuần sau, bố đi xem kết quả thi, về báo tin suýt tí nữa Phúc… đậu rồi.
Cú trượt vỏ chuối này khiến Phúc buồn rười rượi, cộng thêm việc bị đám bạn trai trong lớp tiểu học xúm vào trêu chọc rằng chỉ có con gái ẻo lả mới mê mải đàn với hát, thế là “buồn ơi là sầu”, Phúc lặng lẽ chia tay luôn lớp nhạc ở cung thiếu nhi.
Sau khi thấy Phúc bỏ lớp nhạc, bố kiên nhẫn đăng ký cho Phúc học lớp vẽ. Theo bố, Phúc cần phải biết một môn nghệ thuật nào đó để nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn.
Phúc không thích học vẽ nhiều bằng học nhạc. Phúc thấy tài nghệ vẽ vời của mình chỉ kha khá thôi, ấy thế mà Phúc vẽ xong bức nào bố ngắm nghía bức ấy như thể ngắm kiệt tác, rồi sau đó bố cẩn thận cất vào cái ngăn tủ, nơi lưu giữ những kỷ vật của hai anh em Phúc.
Năm Phúc học lớp 3, một hôm, bố dẫn Phúc tới nhà một cô bạn chơi. Thấy nhà này có cây đàn piano, thế là Phúc liền hớn hở phi lên ghế, hai tay cào cào bàn phím, đàn cứ như thể đã quen chơi từ lâu. Cái vật này ngồ ngộ, thú vị quá! Đó là lần đầu tiên Phúc gặp cây đàn piano. Cô bạn của bố Phúc liền dạy Phúc đánh bài Happy Birthday (Chúc mừng sinh nhật). Phúc chủ yếu nghịch đàn vì tò mò thôi. Sau đó, Phúc chẳng nhớ nhung, tơ tưởng gì đến cây piano ấy nữa.
Tuy không theo học lớp hát, lớp đàn nào nữa kể từ hồi lớp 3 nhưng Phúc vẫn luôn bị cuốn hút mạnh mẽ bởi âm nhạc. Năm Phúc học lớp 6, bộ phim âm nhạc High school musical 3: Senior year (Hội diễn âm nhạc 3: lễ tốt nghiệp) làm mưa làm gió. Phúc ghiền phần ba này và cả hai phần trước đến mức bị nhạc phim và các nhân vật cực chất trong phim… nhập hồi nào chẳng hay, cứ thỉnh thoảng hú hét bất thần, không kể ngày đêm. Cứ thấy buồn buồn, nhạt nhạt là Phúc hét.
Cái hứng hú hét nó ập đến chẳng thèm báo trước. Có ai lại hẹn hò với cái hứng bao giờ đâu nhở? Vì hú hét bất thần như thể Tarzan trong rừng hoang nên nhiều phen Phúc khiến bố giận điên. Liệu có khi nào bố hoang mang không biết thằng con hiền lành bỗng mắc chứng kỳ lạ không nhỉ?
Có lần, mọi người trong nhà đang ngồi quây quần chuyện trò, cái hứng hét nó ập đến, Phúc hú lên, cả nhà giật bắn mình. Bố quát lớn: “Mày bị điên à? Tại sao mày làm vậy?”. Mọi người nhìn Phúc bằng ánh mắt hoang mang. Phúc nhìn lại bằng ánh mắt đầy vẻ biết lỗi.
Bị mắng là thế nhưng khổ quá cơ, Phúc vẫn không thể ngừng hú hét được. Một đêm khuya khoắt nọ, khi cả nhà đang lơ mơ ngủ, cái hứng hú hét lại ghé thăm Phúc. Phúc hú một tiếng cao vút, đầy dư âm, y chang mũi tên xé toạc màn đêm yên tĩnh.
Bố đang ngủ say thì giật bắn mình tỉnh giấc. Bố vừa bực vì mất giấc ngủ, vừa sợ phiền hàng xóm, liền ngao ngán mắng: “Mày không muốn để ai ngủ à? Mày mà hú nữa, bố sẽ đập chết!”.
Rất hiếm khi bố mắng nặng thế. Sau lần ấy, Phúc cố gắng tự dặn mình rằng không được hú hét, không được hú hét. Nhưng thực sự mà nói, vẻ mặt của bố khi giận trông cũng vui vui, thế nên thỉnh thoảng Phúc chủ động hú một tiếng trêu bố.
Dù chuyện học nhạc đã đứt gánh giữa đường nhưng niềm đam mê ca hát vẫn âm thầm còn đó trong trái tim Phúc. Năm lớp 7, Phúc đòi bố chở lên Cung Thiếu nhi Hà Nội để thi vào nhóm đội ca. Lại thi! Phúc khao khát trở thành thành viên của “đội hình thần thánh” ấy vô cùng.
Đến lúc thi, như mọi khi, Phúc vui vẻ cất cao tiếng hát với tất cả đam mê, say sưa, và khát khao vào đội. Cả Phúc và bố đều tràn trề hy vọng sẽ đạt kết quả tốt. Bố khen Phúc hát hay quá, hát có tâm quá. Kết quả: rớt như dừa rụng. Phúc buồn. Bố buồn. Sao ban giám khảo nỡ không nhìn thấy trái tim yêu ca hát cuồng nhiệt của Phúc nhỉ? Ngoài lý do giọng hát chưa đạt, liệu còn lý do nào khiến Phúc rớt nữa không?
Dàn karaoke huyền thoại
Một trong những công cụ giúp tình cảm giữa Phúc và bạn Âm Nhạc ngày càng khắng khít chính là dàn karaoke bố mua ở chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) khi Phúc sắp tốt nghiệp cấp 2.
Mua được dàn karaoke ấy với giá tốt, bố vui lắm. Thế là từ nay bố mẹ có thể thỏa chí ca hát. Từ ngày có dàn karaoke, bố mẹ thỉnh thoảng lại song ca với nhau, Phúc thì không mấy hứng thú tham gia với bố mẹ vì toàn các bài hát cũ kỹ, “xưa rồi Diễm” thuộc đủ thể loại từ nhạc vàng, nhạc đỏ đến nhạc quê hương, nhạc trữ tình. Phúc chỉ thích những ca khúc tiếng Anh hay những bài trẻ trung, thời thượng. Thế nên, hễ bố gọi Phúc xuống hát cùng cả nhà là Phúc lại viện cớ bận học.
Năm Phúc học lớp 10, nhà có wifi, thế là dàn karaoke được nối mạng, muốn hát nhạc nước nào, bài nào cũng có. Lúc này, Phúc mới nhiệt tình ca hát cùng cả nhà.
Mỗi tối thứ sáu hằng tuần, sau những giờ lao động miệt mài, bố mẹ và họ hàng thường tụ họp ở nhà Phúc để ăn uống, sẻ chia những buồn vui và hát karaoke với nhau. Nhà Phúc lập tức biến thành sân khấu mini, các “ca sĩ tại gia” biểu diễn hết mình. Dàn karaoke ấy như chất keo kết nối mọi người. Hát hò cũng như tập thể dục cho tâm hồn vậy, tâm hồn càng khỏe mạnh càng đề kháng tốt với những âu lo, buồn bực, càng sẵn sàng đón nhận những niềm vui trong cuộc sống.
Đức Phúc tự nhận mình bị "ma âm nhạc nhập". |
Những người thân của Phúc hát kha khá, khá nhất có lẽ là bố mẹ Phúc. Bố mẹ hát hay cứ như ca sĩ ấy, giọng ấm, khỏe, chứa chan cảm xúc. Khi hát, mắt bố mẹ long lanh, gương mặt biểu cảm say mê, cứ như đang đứng trên sân khấu hoành tráng nào đó, hát cho hàng ngàn người nghe. Có lẽ cũng vì mọi người hát khá ổn nên không thấy hàng xóm than phiền việc dàn karaoke này hoạt động đều đặn mỗi tối thứ 6. Song, cũng cần phải nói thêm là mẹ luôn chú ý để âm lượng vừa đủ để không làm phiền người khác. Mẹ thường nói rằng niềm vui của mình mà gây phiền cho người khác thì không còn gọi là niềm vui nữa.
Khi cầm micro, Phúc thích gì hát nấy, khi thì các bài hit của những ca sĩ Việt Nam như cô Mỹ Tâm, chú Tuấn Hưng; khi thì của các ca sĩ xứ xa như Adele, Beyoncé… Chắc vì cả nhà Phúc đã có nhiều giọng ca vàng nên khi Phúc hát, mọi người thường… chê hát dở. Phúc phân vân mình hát dở thật hay là vì mọi người không cảm, không hiểu được những bài Phúc hát nên quay ra chê dở nhỉ?
Thế đấy, ngay cả với “sân khấu tại gia” mà Phúc cũng không có cửa nào để tỏa sáng. Song, Phúc vẫn rất nhiệt tình luyện giọng với dàn karaoke huyền thoại ấy. Dàn karaoke ấy chính là công cụ đầu tiên giúp Phúc gắn bó sâu sắc hơn với người bạn Âm Nhạc.
Ca sĩ phòng tắm
Cũng trong năm lớp 10, Phúc nổi hứng đi học luyện thanh. Phúc đọc được thông tin chiêu sinh của một lớp luyện thanh, học phí 70.000 đồng/buổi. Biết bố không kiếm được nhiều tiền, Phúc chỉ xin tiền đi học 2-3 buổi luyện thanh để kiếm chút kiến thức âm nhạc “vắt vai”.
Bố hào phóng cho hẳn hơn 200.000 đồng, còn dặn rằng muốn học thêm nữa thì cứ bảo bố. Nhưng dường như trời phụ lòng nhiệt tình của Phúc, lớp học ấy không mở được vì ít người đăng ký quá. Phúc cũng dẹp luôn ý định học luyện thanh.
Thôi thì không luyện thanh được Phúc tự luyện hát vậy. Khổ nỗi, nhà bé tí, Phúc chẳng có phòng riêng, trong khi giọng hát của Phúc không cần loa phóng thanh cũng đủ khiến người khác giật mình thon thót. Sau hồi cân nhắc, Phúc chỉ thấy có một nơi khả thi: phòng tắm!
Đêm đêm, sau khi học bài xong, tức khoảng 0 giờ hay 1 giờ sáng, Phúc vào phòng tắm đánh răng và… tập hát. Phòng tắm vốn không cách âm, thế nên, bố mẹ và em Hà vẫn nhiều phen giật mình nghe tiếng hát vang vang. Nửa đêm khuya khoắt mà nghe tiếng hát, ngẫm lại, cũng thấy ơn ớn chứ nhỉ?
Phúc tranh thủ tập hát cả khi đi tắm. Khi em Hà nhận ra thói quen này của Phúc thì nó tích cực… phá đám. Cứ thấy Phúc đóng cửa phòng tắm là nó lao đến tắt điện để ép Phúc phải chui ra ngoài, chấm dứt trò hát hò. Không nản lòng, Phúc thò đầu ra, bật điện, tiếp tục cất tiếng hát. Gì chứ để được hát thì Phúc ngại chi mấy trò phá bĩnh nho nhỏ này.
Phúc không chỉ hát cho người thân nghe mà còn rất sẵn lòng hát trong những dịp như tiệc sinh nhật bạn bè, tổng kết lớp, sinh hoạt ngoại khóa,… Có mấy đứa bạn khen “Giọng mày nghe được đó!”, khiến Phúc sướng rân rân.
Con đường ca hát của Đức Phúc khá lận đận. Phải tới cuộc thi Giọng hát Việt, mọi thứ mới thay đổi. |
Được bạn bè khen là vậy nhưng giọng hát của Phúc vẫn chưa lọt vào trái tim của những người tuyển chọn học sinh tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ tại trường. Thú thật là hiếm có buổi thử giọng nào vắng mặt Phúc, và cũng không có cuộc tuyển chọn nào Phúc qua được “vòng gửi xe”. Lẽ nào cái sân khấu xi măng của trường ngày nào Phúc cũng nhìn thấy, cũng đi ngang qua, lại xa xôi đến vậy? Phúc thấy mình hát không tồi. Bạn bè Phúc cũng thấy Phúc hát không tồi. Có khi nào Phúc không được chọn là vì ngoại hình hơi tồi, có tiềm năng… phá banh cả đội hình văn nghệ đẹp lung linh của trường?
Dù lần nào thi thử văn nghệ cũng trượt, nhưng vì là thanh niên cứng nên Phúc vẫn kiên trì thi với niềm tin sắt đá rằng chắc chắn sẽ có ngày Phúc cất tiếng hát giữa sân trường. May mắn sao, cuối năm lớp 12, Phúc được chọn tham gia biểu diễn văn nghệ dịp tổng kết năm học. Thế là khao khát bấy lâu đã thành hiện thực vào phút cuối đời học trò. Quá sướng!
Theo kịch bản, tiết mục đơn ca Tạm biệt nhé (sáng tác của Lynk Lee) của Phúc sẽ vào gần cuối chương trình. Phúc thể hiện ca khúc này trong lẫn lộn cảm xúc: lâng lâng hạnh phúc khi đã chạm đến ước mơ được đứng hát trên cái sân khấu xi măng này, bồi hồi xúc động vì sắp chia tay tuổi học trò. Tâm trạng này như được truyền vào từng câu hát: “Tạm biệt từng lớp học, buồn giờ chia tay rồi, cho tôi yêu thêm nơi này một chút, một chút thôi, để tôi nhớ… Mai xa rồi sẽ nhớ nhau thật nhiều…”.
Phúc hát mà suýt khóc, nhiều thầy cô, bạn bè cũng rưng rưng xúc động. Tuổi học trò của Phúc khép lại bằng màn biểu diễn mang tính chất lần đầu cũng là lần cuối ấy.
Khi lên đại học, Phúc tiếp tục nối dài sự nghiệp ca hát của mình bằng cách tham gia Câu lạc bộ âm nhạc TCM ở Đại học Xây dựng Hà Nội. Câu lạc bộ này góp mặt tại nhiều chương trình của trường và cả các trường đại học khác.
Tóm lại, chặng đầu chuyện tình cảm của Phúc với bạn Âm Nhạc lắm phen trắc trở, nhưng không vì thế mà Phúc buông tay bạn ấy. Nếu ta yêu thương ai đó thật lòng thì đâu thể mới gặp chút chướng ngại đã vội lìa xa? Nếu làm thế thì có lẽ ta đã thương họ chưa đủ nhiều.