Đức Huy cùng Duy Mạnh có cơ hội xuất ngoại khi vẫn còn ở độ tuổi U19, nhưng chuyến đi Nhật Bản của cặp cầu thủ này không để lại dấu ấn bởi nhiều vấn đề. Trong cuộc trao đổi mới đây, tiền vệ Phạm Đức Huy có những chia sẻ chi tiết về chuyến đi thử việc đó cùng Zing.vn.
Chuyến đi bất chợt
- Đầu tiên, Đức Huy có thể kể lại hành trình sang Nhật Bản thử việc của mình cùng Duy Mạnh được không?
- Năm đó, tôi 18 tuổi, Mạnh 17 tuổi. Sau khi thi đấu vòng loại U19 châu Á, hai người được thông báo chuẩn bị sang Nhật thử việc. Tất cả thông tin chỉ có vậy, thông tin chung chung là thử việc. Trước khi lên đường, bọn tôi được giao tờ giấy ghi số điện thoại liên lạc của người bên Nhật.
Đó là lần đầu cả hai tự đi ra nước ngoài, chưa biết gì cả. Những lần đi thi đấu đều có cả đội, tập thể đi cùng nhau và còn có lãnh đội nữa. Lần đó, chúng tôi phải tự lo cho bản thân.
- Hai người chuẩn bị và được chuẩn bị những gì cho hành trình đó?
- Khi đó, tôi cùng Mạnh vẫn thuộc biên chế Sở VH, TT&DL Hà Nội, chứ chưa chuyển về CLB. Từ lúc nhận thông báo cho tới khi lên đường chỉ có 2 ngày, chúng tôi không kịp chuẩn bị gì cả, cứ thế lên đường. Ngoài đồ dùng cá nhân, hành trang là tờ giấy liên lạc với ông Endo. Không ai đi cùng, tiếng Anh thì không biết.
- Khi đặt chân tới Nhật Bản thì sao, chuyện gì xảy ra?
- Ngay ở khu vực xuất nhập cảnh, chúng tôi bị giữ lại mà không hiểu lý do vì sao. Phải nói là lúc đó cả hai hoang mang cực độ. Tiếng Anh không đủ giao tiếp, tiếng Nhật lại càng không.
May mắn là nhân viên ở sân bay Nhật Bản có từ điển Việt - Nhật. Dựa vào đó, họ hỏi câu nào tôi có thể dịch hiểu, yêu cầu có người bảo lãnh. Tờ giấy liên lạc với ông Endo lúc này có tác dụng. Ông ấy tới đón và giải quyết mọi việc êm đẹp. Sau này, tôi biết ông Endo là người của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản và có vài lần tới Việt Nam.
Đức Huy cùng Duy Mạnh chụp ảnh cùng tuyết tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Trải nghiệm thú vị tại Nhật Bản
- Huy và Mạnh có 2 đợt thử việc tại Nhật Bản?
- 4 ngày đầu, tôi và Mạnh ở Tokyo thử việc cùng một số cầu thủ Đông Nam Á. Tôi nhớ trong đó có Irfan Bachdim của Indonesia và vài cầu thủ Thái Lan. Ấn tượng đầu tiên là người Nhật Bản có cách làm việc khá đặc biệt.
Họ cho tất cả cầu thủ vào trong sân đá. Tuyển trạch viên, các CLB cần tìm người ngồi trên khái đài xem, họ chấm ai thì chấm, như kiểu bắt gà ấy.
Sau 4 ngày ở Tokyo, chúng tôi tới CLB Consadole - nơi anh Công Vinh từng thi đấu. Cả hai được bố trí ăn tập cùng đội trẻ và vài cầu thủ đội một. Tôi đặc biệt ấn tượng với những ngày tại CLB Consadole. Cầu thủ ở đây rất tình cảm, họ sống như gia đình và tôi được quan tâm rất nhiều.
- Đi thử việc mà không có chuẩn bị trước, cũng không được giúp đỡ như vậy chắc hẳn có nhiều khó khăn?
- Ở Tokyo, sau vài buổi tập, tôi mới biết đó là khoảng thời gian để các CLB tại J.League 1 tìm người trên khắp thế giới. Khi đó, chúng tôi còn được sắp xếp một phiên dịch người Việt, nhưng khi tới CLB Consadole thì không còn phiên dịch nữa.
Tôi cảm thấy những ngày ở Tokyo khó khăn hơn. Tại Sapporo, chúng tôi sinh hoạt với những cầu thủ đồng trang lứa. Họ rất gần gũi, còn đưa bọn tôi đi chơi. Lúc đó, Sapporo tuyết rơi nhiều, rất lạnh. Đó là lần đầu tiên chúng tôi có trải nghiệm rất vui và thú vị.
Thực ra việc tập luyện không khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất của đội bóng này tốt. Toàn bộ việc tập luyện diễn ra trong nhà thi đấu với sân cỏ nhân tạo khi tuyết phủ kín sân tập ngoài trời.
Nhìn chung, tôi và Duy Mạnh được hỗ trợ nhiều trong quãng thời gian tại CLB Consadole. Tôi vẫn nhớ Mạnh bị đau lưng, bác sĩ có đưa cho miếng băng dán. Sau khi dán, cậu ấy nói có cảm giác thi đấu được luôn. Sau này, Mạnh có nhờ mua, nhưng đội bạn tặng lại rất nhiều.
- Sau 6 năm, Đức Huy có nghĩ thời điểm đó nếu có sự chuẩn bị kỹ càng, mình sẽ thành công hơn?
- Sự chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch rõ ràng đương nhiên là tốt hơn. Dẫu vậy, tôi cho rằng kể cả có sự chuẩn bị, chưa chắc đã chơi tốt. Lúc đó, chúng tôi chưa sẵn sàng ra nước ngoài. Tiếng Anh không có, kinh nghiệm không. Hiện tại, mỗi người đều lớn, dày dạn hơn, có đủ bản lĩnh để đón nhận thử thách.
Đức Huy và Duy Mạnh hội quân cùng U19 Việt Nam ngay sau chuyến thử việc. |
Ngôn ngữ quyết định khả năng thành công
- Theo Đức Huy, vấn đề nằm ở đâu? Rào cản về ngôn ngữ hay khác biệt văn hóa ảnh hưởng thế nào tới việc thể hiện khả năng?
- Cá nhân tôi cho rằng khác biệt về văn hóa không bằng khác biệt ngôn ngữ. Chúng ta có thể khác biệt về suy nghĩ, cách sống, nhưng hoàn toàn có thể trao đổi, tương tác để hiểu nhau hơn. Nếu bất đồng ngôn ngữ, rất khó để làm điều đó.
Tiếng Anh không tốt ảnh hưởng lớn, ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Khi bất đồng ngôn ngữ, chúng ta không thể giao tiếp, tự tách mình khỏi tập thể, khó để hòa nhập.
- Có ý kiến cho rằng nên có một đội ngũ đứng phía sau lo lắng các việc hậu cần để cầu thủ chỉ việc tập trung thi đấu. Quan điểm của Huy thế nào?
- Quá tốt nếu được như vậy, nhưng cũng cần đặt câu hỏi ngược lại liệu như vậy có quá nhiều không? Tôi nghĩ không nhất thiết phải có hẳn đội ngũ hậu cần đứng phía sau. Với tôi, việc giặt giũ quần áo, mỗi ngày 2 đến 3 bộ không phải vấn đề lớn.
Việc ăn uống có thể cần thiết để đảm bảo sức khỏe, nhưng cũng có nhiều cách khắc phục. Tôi cho rằng việc quan trọng nhất là hòa đồng với tập thể và thi đấu tốt trên sân.
- Cầu thủ Việt Nam đang có xu thế ra nước ngoài thi đấu, nhưng hầu hết đều thất bại. Theo Huy, nguyên nhân là gì, họ đều là những người có khả năng nói tiếng Anh tốt?
- Vấn đề của họ là không hợp lối chơi. Tôi có quan sát bóng đá Thái Lan, họ chơi bóng cực kỳ tốc độ. Trong vài trận đấu, các đội mạnh không thể đè sân hoàn toàn mà bóng liên tục lăn. Việc phải thi đấu liên tục với tốc độ cao là khó khăn đối với Xuân Trường.
Còn với Công Phượng, Hàn Quốc là môi trường ưa sử dụng cầu thủ cao to, đầy sức mạnh. Họ thường chơi bóng dài và rõ ràng với một người chơi lắt léo như Công Phượng thì không hợp để phát huy.
Trường hợp thành công nhất hiện nay là anh Đặng Văn Lâm lại khá đặc thù. Vị trí thủ môn cũng dễ hòa nhập hơn.
- Đức Huy thì sao, bạn có kế hoạch gì cho tương lai chưa?
- Tôi chưa nghĩ tới việc sang Nhật Bản hay Hàn Quốc thi đấu. Không phải tự ti hay khiêm tốn, nhưng tôi không biết liệu có đáp ứng được yêu cầu hay không. Tôi cho rằng với khả năng hiện nay, tôi có thể thi đấu tại Thai League.