Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007 vạch ra quy trình cho một nước nếu muốn rời khỏi Liên minh châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel dù tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của chính phủ Anh, bà khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào về những thỏa thuận trong tương lai cho đến khi London vận dụng Điều 50.
Người phát ngôn của bà Merkel cho biết Berlin tôn trọng việc Anh cần thời gian để ổn định tình hình trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu. "Tuy nhiên, điều rất rõ ràng là sẽ không có cuộc thảo luận nào về lộ trình rời liên minh cho đến khi Anh gửi thông báo chính thức".
Dù thông cảm với Thủ tướng Cameron, Thủ tướng Đức Merkel không thể bỏ qua sức ép trong nước để giục Anh sớm bắt đầu quy trình rời EU. Ảnh: AP |
"Các đảng chính trị, các quan chức và phần lớn nhân dân muốn Anh sớm thực hiện quy trình này. Họ tỏ ra rất quyết tâm. 'Các anh đã chọn rời thì phải đi ngay'. Họ gia tăng áp lực lên bà Merkel, người có thể thấu hiểu quan điểm của nước Anh. Nhưng bà cũng không thể chống đỡ khi là người duy nhất ủng hộ ông Cameron", một nguồn tin từ chính trường Đức nói với Independent.
Theo nguồn tin này, giới chức Đức không đánh giá cao cách xử lý của Thủ tướng Cameron. "Ông ấy đã chơi một ván bài và đã thua. Vấn đề không phải vì EU mà ông ấy chỉ muốn cứu vãn bản thân. Kế hoạch không được quản lý hiệu quả và khéo léo".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói Paris cũng đồng tình với Berlin rằng Anh cần rời EU càng sớm càng tốt. "Người Anh đã bỏ phiếu cho Brexit thì quá trình này cần tiến hành ngay".
Trước đó, vào ngày 26/6, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU cùng lên tiếng hối thúc Anh nhanh chóng bắt đầu thủ tục để đàm phán với khối này việc rời khỏi liên minh. Sở dĩ các nước cùng lên tiếng vì họ cho rằng việc này giúp rút ngắn quãng thời gian bất ổn sẽ phát sinh vì sự kiện Brexit.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron nói người kế nhiệm ông vào tháng 9 sẽ trực tiếp tiến hành các quy trình này.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 về việc Anh đi hay ở lại EU cho thấy, 52% người dân muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và Liên minh châu Âu phải nín thở.
Việc Anh rời khỏi EU là cú giáng mạnh với Liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người. Đồng bảng Anh trong ngày 24/6 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Điều này cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường thế giới và trùm tài phiệt George Soros cảnh báo tình cảnh sẽ còn tệ hại hơn ngày thứ tư đen tối mà nước Anh từng trải qua hồi đầu những năm 1990.