Đức cần xem xét việc xuất khẩu vũ khí để Ukraine có thể tự bảo vệ mình. Việc viện dẫn lịch sử như một cái cớ đã không còn thích hợp hoặc thậm chí là bất hợp lý, ông Heusgen nhận định.
"Chúng ta phải có một cuộc tranh luận về vai trò tích cực hơn của Đức trong chính sách đối ngoại và chính sách an ninh, với chính sách xuất khẩu vũ khí là một phần trong đó", ông nói.
Theo ông, Berlin đang thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chẳng hạn thông qua việc khởi động lại cuộc đàm phán theo thể thức Normandy với các đại diện từ Ukraine, Nga, Pháp và Đức. Nhưng điều đó là chưa đủ.
Ông Christoph Heusgen từng là cố vấn an ninh của cựu Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Reuters. |
Đức - nhà tài trợ lớn thứ hai cho Liên Hợp Quốc - đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong chính sách đối ngoại nhiều hơn dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, ông Heusgen đánh giá.
Đức bị chỉ trích vì từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, không giống các đồng minh phương Tây khác, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược mới của Nga.
Đức có chính sách lâu dài là không xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự, một phần bắt nguồn từ lịch sử đẫm máu ở thế kỷ 20 và chủ nghĩa hòa bình.
Ông Heusgen nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang gây ra một cuộc khủng hoảng ở Ukraine để củng cố danh tiếng tại quê nhà, nhưng vẫn chưa quyết định hành động.
“Ông ấy đang xem xét kỹ lưỡng chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào”, ông Heusgen nhận định.
Khi được hỏi liệu châu Âu có nên duy trì quân đội ở Mali hay không, ông Heusgen nói rằng phương Tây cần rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Afghanistan và tập trung vào việc hỗ trợ các chính phủ tôn trọng nhân quyền và điều hành đất nước tốt.
Châu Âu phải đặt ra tối hậu thư cho chính phủ Mali: Hoặc nước này bắt đầu thực hiện một thỏa thuận hòa bình trước với các bộ lạc phía bắc và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, "hoặc chúng ta rút khỏi đây".
Hội nghị An ninh Munich sẽ diễn ra ngày 18-20/2.