Thủ tướng Angela Merkel của Đức. Ảnh: AP |
Đức, nền kinh tế lớn của châu Âu, chưa bao giờ thịnh vượng, an toàn và tự do như hiện nay, VOA nhận định. Đây là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và một trong những nước xuất khẩu hàng đầu.
"24 năm sau khi tái thống nhất, Đức trở thành đối tác giá trị nhất của Mỹ",
Annette Heuser, giám đốc điều hành và người sáng lập Quỹ Bertelsmann tại Washington, nói. Quỹ Bertelmann là chi nhánh của một tổ chức thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Heuser nhắc lại một câu hỏi về đất nước nắm sức mạnh của châu Âu mà Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ gốc Đức, từng đặt ra.
"Nơi nào là trung tâm của châu Âu ? Tôi nghĩ bây giờ chúng ta có thể trao cho Henry Kissinger một câu trả lời chắc chắn. Trung tâm của châu Âu là Berlin", Heuser nhận định.
Sự do dự của ĐứcMặc dù ảnh hưởng của Đức ngày càng lớn, Berlin luôn do dự trong việc đảm nhận vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Đó là nhận định của Stephen Szabo, một học giả về quan hệ Mỹ - Châu Âu và là tác giả của cuốn sách "Đức, Nga và Sự trỗi dậy của Địa - Kinh tế".
"Ý tưởng chủ đạo của Berlin là: Đức là một cường quốc kinh tế, chứ không phải cường quốc quân sự hay chiến lược", Szabo, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Transatlatic, phát biểu. Quỹ German Marshall tài trợ một phần cho viện nghiên cứu này.
Ông thừa nhận rằng nhiều thách thức xuất hiện trên con đường tới vị thế cường quốc của Đức. Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro vào năm 2009 hạ nhiệt nhờ các giải pháp của Berlin, song những biện pháp thắt chặt chi tiêu khắc khổ trong 5 năm qua đã thay đổi bức tranh chính trị châu Âu bằng cách thúc đẩy sự vươn lên của những chính trị gia cánh tả theo đường lối cấp tiên và những người cánh hữu theo đường lối dân túy."Điểm chung của họ là chống những giải pháp của Đức", Szabo bình luận.
"Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Đức tỏ ra hơi ngạo mạn. Họ nghĩ rằng họ có giải pháp đúng và mọi người chỉ cần theo giải pháp ấy. Đó là thứ họ sẽ phải điều chỉnh", Szabo nói về giới cầm quyền Đức.
Daniel Hamilton, giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương SAIS của Đại học John's Hopkins tại Mỹ, nhận định sự trỗi dậy của Đức diễn ra trong bối cảnh phương Tây đối đầu với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cố gắng khống chế những nguy cơ an ninh từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
"Mọi sự hỗn loạn liên quan tới Nga và Trung Đông có thể giao thoa vào một thời điểm nào đó và tác động tới châu Âu. Chúng có thể tác động tới Tây Âu dưới dạng những dòng người tị nạn hoặc mọi thứ phiền toái có thể tác động tới trung tâm của châu Âu", Hamilton bình luận.
Đức tăng cường hiện diện an ninh khắp thế giới
Cuộc khủng hoảng ở cửa ngõ châu Âu buộc Berlin tăng cường sự hiện diện an ninh.Reinhard Bütikofer, một nhà nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức, nói rằng quân đội Đức nắm vai trò chủ đạo trong lực lượng phản ứng nhanh của NATO. Lực lượng này ra đời để đối phó những động thái của Nga ở Ukraine.
"Và người Đức, vốn chưa bao giờ muốn can dự vào nước khác bằng biện pháp quân sự, đã đưa binh sĩ tới một số nước vùng Baltic, giúp những nước có khả năng quốc phòng kém", ông nói.
Berlin đang cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd tại Iraq để họ chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo - một chính sách cho thấy Đức từ bỏ thêm một điều cấm kỵ trong thời hậu Thế chiến II.
Giới chuyên gia nhận định sự vươn lên của Đức trong nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào sự ổn định của trật tự chính trị quốc tế với nền tảng là sức mạnh chiến lược của phương Tây - thứ mà sức mạnh của Đức cũng đang góp phần tạo nên.