Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đức có thể là 'nạn nhân' của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Sản lượng công nghiệp của Đức đã sụt mạnh vào tháng 6, dấy lên mối lo ngại rằng Đức có thể là “nạn nhân” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thống kê cho thấy sản lượng công nghiệp tại châu Âu đã giảm hơn 5% so với năm 2018. Theo các nhà kinh tế ngân hàng ING (Hà Lan), tình thế này rất có thể dẫn tới việc nền sản xuất công nghiệp bị tàn phá, báo hiệu cho sự thu hẹp của nền kinh tế Đức tương lai.

Đức là quốc gia bị phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu lớn vốn có liên quan tới Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang trong cuộc thương chiến khốc liệt. Nền công nghiệp sản xuất ôtô - vốn được xem là thế mạnh của nước Đức, cũng đang đối diện với nhiều thách thức lớn; chưa kể đến tác động tiêu cực mà Brexit gây ra.

"Hoạt động thương mại trên thế giới đang ngày càng giảm sút, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu cũng đang gặp nhiều khó khăn; Brexit và các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế Trung Quốc đã đưa Đức tiến gần hơn đến “tâm bão” của chiến tranh thương mại”, Kit Juckes, một chiến lược gia tại Hiệp hội Genere cho biết.

Trước những tác động mà cuộc chiến thương mại gây ra, vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra dự báo về việc giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và những năm tiếp theo. Theo đó, nếu tranh chấp Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang, rất có thể tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu vào năm 2020 sẽ giảm 50%.

Duc la nan nhan cua chien tranh thuong mai anh 1
Đức có thể là "nạn nhân" của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế liên tục giảm sút trong thời gian gần đây. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, Đức không phải là nạn nhân duy nhất của cơn cuồng phong này. Hiện nay, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang trong cuộc “chạy đua” để vượt qua cơn bão khủng hoảng mang tên "chiến tranh thương mại".

Theo đó, lần đầu tiên sau 11 năm, vào tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thông báo cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cho biết sẽ có động thái tương tự.

Ngày 7/8, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp. Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Ngân hàng Dự trữ New Zealand cũng đưa ra những động thái tương tự.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump tiếp tục “châm ngòi” cho cuộc chiến thương mại bằng cách tuyên bố rằng Mỹ sẽ đánh thuế thêm 10% vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9.

Không chỉ vậy, ông chủ Nhà Trắng còn dán mác cho Trung Quốc là kẻ “thao túng tiền tệ” sau khi Bắc Kinh thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ. Điều đó đã thúc đẩy thêm mối lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ tác động đến lạm phát và khiến giá trị đồng tiền chạm đáy.

Các nhà phân tích kinh tế cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ leo thang hơn nữa vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không chịu chấp nhận thay đổi chính sách công nghiệp như yêu cầu của ông Trump.

Trở lại với Đức - quốc gia có tốc độ tăng trưởng trong quý I/2019 là 0,4%, hiện nay dường như đang bị “ngấm đòn” gián tiếp của cuộc chiến thương mại khi chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về chỉ số tăng trưởng kinh tế. Theo Capital Economy, các cuộc khảo sát vào tháng 7 vừa rồi đã thể hiện rõ sự suy giảm mạnh của nền sản xuất nước này.

Viện Ifo của Đức cũng đưa ra thêm những bằng chứng về “nỗi mất mát” to lớn này. Khảo sát mới nhất cho thấy kỳ vọng sản xuất của Đức đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012, khi châu Âu vẫn đang gồng mình vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ xấu và hứng chịu tác động từ Brexit gây ra.

"Ngày càng có nhiều công ty tuyên bố rằng họ có ý định cắt giảm sản lượng trong quý tới", Ifo cho biết. Ngoài ra, họ còn khẳng định rằng, việc vực dậy nền kinh tế Đức ở thời điểm hiện tại không phải là điều đơn giản.

Ngày 7/8, Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai của Đức cho biết họ đã dành ra gấp đôi số tiền trong quý II để giải quyết các khoản vay xấu. Ngoài ra, ngân hàng còn dự báo rằng mục tiêu lợi nhuận của họ trong năm 2019 sẽ khó đạt được hơn do sự bất ổn của tình hình kinh tế và chính trị.


Hương Giang

Bạn có thể quan tâm