“Chúng tôi đang tích cực làm việc để kết thúc việc nhập khẩu dầu (của Nga). Chúng tôi nghĩ rằng có khả năng đạt được điều đó trong năm nay”, Thủ tướng Olaf Scholz nói trong cuộc họp báo ở London cùng người đồng cấp Anh Boris Johnson, theo Reuters.
Trong tuần này, EU thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than bắt đầu từ tháng 8. Đức đã tăng cường nỗ lực để giảm giao thương nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Lửa bùng lên từ ống khói tại nhà máy lọc dầu PCK Raffinerie ở Schwedt/Oder, Đức hôm 7/3. Công ty này nhận dầu thô từ Nga qua đường ống Friendship. Ảnh: Reuters. |
Dầu của Nga hiện chiếm 25% số lượng Đức nhập khẩu, giảm từ 35% trước giai đoạn chiến sự. Nhập khẩu khí đốt giảm từ 55% xuống 40%, trong khi con số này trong nhóm than giảm từ 50% xuống 25%.
Việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga là điều không dễ dàng với Đức. Đức muốn cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga xuống còn 24% vào mùa hè này, sau khi nhận tới 40% trong quý đầu tiên. Theo dự tính, phải đến mùa hè năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Viện Kinh tế DIW cho biết Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga, nhờ các nhà cung cấp thay thế và biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.
Nghiên cứu của viện cho thấy Na Uy và Hà Lan có thể lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga để lại. Các nguồn khác có thể được đảm bảo thông qua việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới các bến cảng ở Bỉ, Hà Lan và Pháp.