Và thật thú vị, số phận của cặp tiền đạo này liên quan chặt chẽ tới người đội trưởng, nhân vật đá ngay phía sau họ trên hàng công: Nguyễn Quang Hải.
Tiến Linh (trái) và Đức Chinh là “súng hai nòng” của U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước khi Quang Hải dính chấn thương ở trận gặp U22 Singapore, Đức Chinh và Tiến Linh chưa từng đá chính cùng nhau. 4 trận đầu tại SEA Games, họ thay phiên ra sân trong đội hình xuất phát. Tới trận gặp Singapore, khi Quang Hải rời sân ở phút 18, ông Park “phá lệ” tung Tiến Linh vào sân đá cặp cùng Đức Chinh ngay đầu hiệp hai. Trận kế tiếp với Thái Lan, đến lượt Đức Chinh được tung vào sân ở phút 19, sau khi U23 Việt Nam thủng lưới 2 lần.
Cả hai lần ấy, U22 Việt Nam đều có bàn thắng, Đức Chinh và Tiến Linh đều ghi bàn. Thử nghiệm đã thành công.
Hai trận knock-out sau đó với Campuchia và Indonesia, Đức Chinh, Tiến Linh cùng đá chính. Hai trận ấy, U22 Việt Nam ghi 7 bàn, toàn thắng và vô địch. Đây không phải là sự tình cờ.
4 trận kể từ ngày gặp Singapore, U22 Việt Nam ghi 10 bàn, trong đó Đức Chinh ghi 4, Tiến Linh ghi 3. Các pha lập công của họ được thực hiện cả trước Campuchia lẫn Thái Lan, được ghi cả ở vòng bảng lẫn knock-out, nghĩa là rất đa dạng, là có thể xuyên phá mọi đối thủ, phù hợp với nhiều thế trận, nhiều tình huống chiến thuật.
4 trận ấy là bằng chứng cho thấy họ đã trở thành phương án số một trên hàng công U23 Việt Nam, một phương án vốn chỉ mang tính tình thế nhưng đã trở thành lựa chọn ưu tiên. Họ được tin là sẽ tiếp tục cùng đá chính vì một số lý do.
Thứ nhất, cả Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Trọng Hùng đều vừa trở lại. Bộ đôi tiền vệ công của U23 Việt Nam chưa thể đạt phong độ cao nhất sau chấn thương dài ngày. Hiệu suất thi đấu của họ vẫn là dấu hỏi trong khi phong độ của Tiến Linh, Đức Chinh đã được kiểm chứng.
Thứ hai, việc hạn chế bớt tiền vệ công là xu thế chung ở đội bóng. 2 năm sau kỳ tích Thường Châu, U23 Việt Nam đã không còn sự phục vụ của những cái tên đẳng cấp như Nguyễn Công Phượng, Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn. Nhóm thay thế họ chỉ là Trần Danh Trung, Trần Bảo Toàn, Nguyễn Trọng Hùng và phần nào nữa là Nguyễn Hoàng Đức. Cả 4 người đều rất trẻ, đều chưa từng dự U23 châu Á. Kinh nghiệm nhất như Trọng Hùng và Hoàng Đức mới có một mùa bóng trọn vẹn tại V.League.
Hệ thống tấn công vốn phụ thuộc vào cảm hứng của các tiền vệ công vì thế đã lung lay rõ rệt. Muốn hay không, ông Park cũng phải thay đổi.
Chấn thương Quang Hải tạo điều kiện cho sự ra đời cặp đôi Đức Chinh - Tiến Linh ở U22/U23 Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Giải U23 châu Á 2020 có thể là lần đầu tiên dưới thời Park Hang-seo, phương án cặp tiền đạo lên ngôi ở đội tuyển. Lựa chọn này cũng dẫn tới thay đổi lớn về đội hình. U23 Việt Nam sẽ chuyển hẳn sang hệ thống 3-5-2 chứ không còn theo đuổi lối chơi 3-4-3. Nguồn cung bàn thắng chủ lực sẽ tới từ các tiền đạo chứ không còn nằm ở nhóm tiền vệ.
Đây là thay đổi rất lớn so với U23 châu Á 2018. Năm ấy, các tiền đạo cắm chỉ ghi 1 bàn duy nhất (Đức Chinh, trong trận đấu với U23 Iraq), 7/8 bàn còn lại được ghi bởi Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng (đều là các tiền vệ công). Đến SEA Games vừa qua, tương quan đã thay đổi rõ rệt. Cặp Đức Chinh, Tiến Linh ghi 14 bàn, 10 cầu thủ khác chỉ có 10 bàn.
Đương nhiên, hệ thống này vận hành thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự trở lại của Quang Hải. Nhưng với chấn thương vừa qua, khả năng tiền vệ sinh năm 1997 đạt phong độ tốt nhất là không cao. Ông Park cũng hoàn toàn có thể kéo anh về tuyến giữa, vừa giảm áp lực cho Hải, vừa tăng khả năng tổ chức cho U23 Việt Nam. Trong quá khứ, Quang Hải đã rất nhiều lần đá tiền vệ trung tâm trong những thế trận khó khăn của đội tuyển.
Không còn Hải ở tuyến trên, hàng công U23 Việt Nam tại châu Á đã sẵn sàng trình diễn một bộ mặt mới.