Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Công Phượng về TP.HCM và cầu thủ Việt từ chối xuất ngoại đầu năm 2020

Lần đầu tiên kể từ năm 2016, nhiều cầu thủ Việt Nam không mặn mà với những đề nghị của các đội bóng nước ngoài để hướng về V.League.

Lần đầu tiên kể từ năm 2016, nhiều cầu thủ Việt Nam không mặn mà với những đề nghị của các đội bóng nước ngoài để hướng về V.League.

Thất bại không thể bào chữa của Nguyễn Công Phượng tại Sint-Truidense, những khó khăn của Đoàn Văn Hậu ở Heerenveen cùng việc Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn... đồng loạt từ chối ra nước ngoài cho thấy sự thay đổi đáng kể về tư duy nơi bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ Việt Nam cân nhắc việc xuất ngoại

Làn sóng xuất ngoại của bóng đá Việt Nam bắt đầu từ năm 2016 với các cầu thủ HAGL. Từ đó tới nay, Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Văn Lâm, Văn Hậu đã liên tục chuyển ra nước ngoài thi đấu. Công Phượng, Xuân Trường là 2 người “siêng năng” nhất với mỗi người 3 chuyến.

Cuối mùa 2019, đầu mùa 2020, làn sóng ấy đã chậm lại.

Đó là kết quả tất yếu sau hàng loạt hợp đồng thất bại. Ngoài Văn Lâm với Muangthong United, chưa tuyển thủ Việt Nam nào đạt được thành công ở các đội mạnh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Văn Hậu mới có màn ra mắt tại Heerenveen ở cúp quốc gia Hà Lan, nhưng còn quá sớm để coi đó là một thành công.

Phần còn lại đều có một mẫu số chung: Dự bị dài hạn, ít được đăng ký, không thích nghi được cả trong cuộc sống lẫn chuyên môn. Họ không được thi đấu nên sa sút phong độ, mất cảm giác bóng và mất luôn cả sự tự tin. Họ không có chỗ đứng ở CLB và đem theo sự thất vọng về các đội tuyển quốc gia.

Cong Phuong Tuyen Viet Nam anh 1

Lấy Phượng, Trường làm ví dụ, 2 cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất cũng là 2 cầu thủ tiến bộ chậm nhất vài năm qua. Xuân Trường vẫn y hệt như ngày còn ở U19 Việt Nam hồi năm 2013. Còn Công Phượng vẫn bị nhận xét “chỉ nghĩ đến tấn công và không đề cao việc phải tham gia hỗ trợ phòng ngự” như lời HLV Sint-Truidense.

Bầu Đức từng nói cầu thủ của ông được tập luyện ở môi trường chuyên nghiệp là tốt lắm rồi. Tuy nhiên, việc tập luyện có nhiều tới đâu cũng không bằng thi đấu thật. Tính từ năm 2016, Xuân Trường đã chơi cho 4 CLB khác nhau. 4 năm ấy, Trường đá chưa nổi 50 trận.

Những thay đổi liên tục đã lấy đi của Công Phượng, Xuân Trường cơ hội phát triển ổn định. Khi tuổi mới đôi mươi, trong thời kỳ lẽ ra phải là tiến bộ nhất, họ không có môi trường để định hình, hoàn thiện, tối đa hóa tiềm năng (có lẽ rất lớn) của mình. Họ là chiếc xe tốt nhưng hụt hơi ngay từ đoạn đề pa. Hậu quả là cả hai không đạt được sự trưởng thành cần thiết.

Nghiêm trọng hơn, họ đều đang đối mặt với những vấn đề tâm lý. Nhìn Xuân Trường, Công Phượng chơi bóng, họ thường phải gồng mình, phải nỗ lực chứng minh bản thân. Chưa có nền tảng tốt, họ càng nỗ lực thì càng thất bại, dễ trở thành trò cười như cú đá hụt bóng của Công Phượng ở trận gặp Thái Lan hồi tháng 9.

Những cầu thủ xuất ngoại luôn được quan tâm quá mức, luôn bị đặt trong so sánh. Xuất ngoại là niềm tự hào, nhưng cũng là áp lực đè nặng trên đôi vai họ. Hẳn phải có lúc nào đó, họ đập đầu tự hỏi mình có đủ giỏi không, đủ xuất sắc chưa? Mình chưa gặp thời hay nghiệt ngã và giản đơn là không đủ năng lực?

Cong Phuong Tuyen Viet Nam anh 2

Thay đổi tư duy

Thất bại của làn sóng xuất khẩu cầu thủ trong những năm qua đã dẫn tới những thay đổi về tư duy nơi giới bóng đá. Hồi giữa năm, lão tướng Nguyễn Anh Đức từ chối đề nghị của Bangkok United (Thái Lan). Bộ đôi CLB Hà Nội Nguyễn Văn Quyết, Đỗ Hùng Dũng cũng từ chối những đề nghị từ Malaysia. Sau họ, Quang Hải nói không với Consadole (Nhật Bản). Mới đây nhất, bầu Đức giữ Văn Toàn, Tuấn Anh ở lại dù La Liga quan tâm.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng đá Việt Nam từ chối những lời mời xuất ngoại dù bối cảnh, trình độ hiện tại và lợi ích kinh tế là rất rõ ràng.

Nói với báo chí, bầu Đức chia sẻ: “Sau nhiều năm cho cầu thủ đi nước ngoài thi đấu, mùa tới, tôi muốn các cháu thi đấu cùng nhau ở đội một HAGL, như trước đây các cháu từng chơi tốt trong màu áo U19”.

Đồng quan điểm ấy, bầu Hiển bảo: “Nếu đi mà thường xuyên ngồi dự bị thì chơi ở V.League vẫn tốt hơn”.

Chơi ở V.League tốt hơn không phải lời nói suông. Thực tế 2 năm vừa qua cho thấy đây là nhận xét chính xác. Xuyên suốt 2018 và 2019, tuyển quốc gia và U23 gặt hái hàng loạt thành công với nguồn lực chủ yếu là các cầu thủ thi đấu tại V.League. Đối mặt với đội mạnh, có nhiều cầu thủ chơi bóng ở châu Âu như Nhật Bản, tuyển Việt Nam chỉ thua 1 bàn. Ba lần gặp Thái Lan có nhiều cầu thủ đá tại J.League, thầy trò Park Hang-seo bất bại.

Cong Phuong Tuyen Viet Nam anh 3
Tuấn Anh tiến xa nhất trong nhóm 3 ngôi sao lớn của HAGL dù xuất ngoại ít nhất.

Hai cầu thủ hay nhất Việt Nam hiện nay là Quang Hải và Hùng Dũng đều chưa từng chơi bóng ở nước ngoài. Trong nhóm 3 ngôi sao lớn của HAGL, người tiến xa nhất là người xuất ngoại ít hơn cả (Tuấn Anh).

Khi chưa đủ đẳng cấp để chinh phục các giải đấu nước ngoài, V.League vẫn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của cầu thủ Việt. Giải quốc nội cùng môi trường quen thuộc trong nước vẫn là nơi cầu thủ Việt Nam có thể học hỏi, tiến bộ từng ngày. Lấy Quang Hải làm ví dụ, ngôi sao số một của bóng đá Việt Nam chỉ đá tại V.League nhưng vẫn đủ sức khuynh đảo những hàng thủ châu Á.

Việc CLB Hà Nội tiến tới chung kết liên khu vực AFC Cup cũng mang tới bằng chứng khác. Nếu sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý, tạo được một môi trường đủ chuyên nghiệp, V.League vẫn đủ sức nâng tầm cầu thủ Việt, giúp chúng ta cạnh tranh sòng phẳng ở sân chơi châu Á.

Về Việt Nam với Công Phượng vì thế không phải là điều tồi tệ. Những thời kỳ đẹp nhất của Phượng ở các đội tuyển đều gắn với thời gian chơi bóng tại Việt Nam. Về Việt Nam, bước đi trên con đường quê hương có lẽ vẫn là lựa chọn phù hợp khi chúng ta chưa đủ sức vẫy cánh bay cao.

Vì sao HLV Park Hang-seo vẫn đặt cược vào Công Phượng?

Những pha bóng bị cho là “tối” của Công Phượng dường như là một lựa chọn cực đoan trong đội tuyển vốn chơi rất hợp lý của ông Park Hang-seo. Nhưng tại sao Phượng vẫn được chọn?

Công Phượng lên tuyển - bàn thắng không phải là tất cả

Nếu những bàn thắng ở cấp CLB là tất cả, Công Phượng hay Anh Đức rõ ràng không xứng đáng được khoác lên mình màu áo tuyển Việt Nam.

Thanh Hà - Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm