Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng một đội tuyển, hai cái tên tới từ sự khác biệt trong quy định về độ tuổi ở các giải đấu. SEA Games 2019 quy định nội dung bóng đá nam chỉ dành cho các đội tuyển U22 (Under-22, 22 tuổi trở xuống). Trong khi đó, giải U23 châu Á sắp tới là sân chơi dành cho các đội U23 (Under-23, 23 tuổi trở xuống).
Đội U23 sắp dự giải châu Á ít ngày tới có lực lượng chính là đoàn quân U22 vừa giành HCV SEA Games. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tuy nhiên, SEA Games diễn ra trong năm 2019, còn U23 châu Á diễn ra tháng 1/2020. Bởi vậy, bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chỉ cần sử dụng một đội hình cho cả hai đấu trường này.
Đến đây, câu hỏi quan trọng nhất sẽ xuất hiện.
Tại sao SEA Games không giữ nguyên quy định về độ tuổi U23 như quá khứ? Tại sao phải thay đổi và phức tạp hóa mọi chuyện? Phía sau danh xưng U22 và U23, phía sau quy định về độ tuổi là điều gì?
Trước SEA Games 2017, các kỳ đại hội vẫn duy trì nguyên tắc U23 cho môn bóng đá nam. Từ năm 2017, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á đã thống nhất giảm độ tuổi của giải đấu xuống một đơn vị, tạo điều kiện cho các đội tuyển trong khu vực đồng nhất lực lượng dự SEA Games (diễn ra trong các năm lẻ) với U23 châu Á (diễn trong năm chẵn). Quy định này tạo điều kiện cho các đội tuyển được cọ xát, chuẩn bị kỹ càng để hướng tới châu lục với lực lượng và kinh nghiệm cao nhất.
Lấy đội Việt Nam làm ví dụ, phần lớn đội hình U23 Việt Nam trong kỳ tích Thường Châu đã được rèn giũa qua SEA Games 2017 diễn ra trước đó vài tháng. Tương tự vậy, lứa U23 Việt Nam sắp sang Thái Lan có chủ lực là binh đoàn vừa vô địch SEA Games.
Các giải trẻ liên tiếp “gối đầu” lên nhau tạo điều kiện cho cầu thủ tích lũy kinh nghiệm và gặt hái thành tích. Ảnh: Thuận Thắng. |
Sự thay đổi ấy không chỉ diễn ra ở cấp độ U23. Bắt đầu từ năm 2017, 3 kỳ U19 Đông Nam Á gần nhất đều kéo độ tuổi xuống “Under 18”, tạo điều kiện cho các đội khu vực có thêm một năm chuẩn bị trước vòng chung kết châu Á. Điều tương tự cũng diễn ra ở sân chơi U16 khi giải đấu này hạ xuống cấp U15.
Trong nước, các quốc gia thành viên cũng có hành động tương tự. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chủ động xếp lịch để các giải U15, U17, U19 và U21 quốc gia trở thành nguồn bổ sung nhân lực, đấu trường tập dượt cho các giải U16, U19 và U23 châu Á.
Tất cả tạo thành chu trình khép kín, gối đầu từng bước, nơi cầu thủ có thể chơi một chuỗi giải trẻ liên tiếp theo thứ tự độ khó tăng dần, vừa tích lũy kinh nghiệm, phù hợp trình độ, đảm bảo mục tiêu thành tích.
Hệ thống đó cũng phù hợp với các giải thế giới, vốn được tổ chức theo kiểu “gối đầu” hệ thống giải châu lục. Lấy U20 World Cup 2017, giải đấu mà Việt Nam tham dự, làm ví dụ, giải này được tổ chức một năm sau U19 châu Á 2016 và U19 châu Âu 2016, phù hợp với quy luật về độ tuổi.
Hành động của những người lãnh đạo bóng đá Đông Nam Á đã góp phần đem lại thành tựu lớn. Khoảng 5 năm trở lại đây, các đội tuyển khu vực liên tục tiến sâu ở châu lục.
Ở 2 kỳ Asian Games gần nhất, Thái Lan và Việt Nam lần lượt vào bán kết. U23 châu Á gần nhất, Malaysia tới tứ kết còn Việt Nam vào chung kết. Hai kỳ World Cup trẻ gần nhất, Myanmar và Việt Nam lần lượt góp mặt.
Phía sau U22 hay U23 không chỉ là những con số. Nó còn ẩn chứa khát vọng tiến ra châu lục của bóng đá Đông Nam Á.