HLV Park Hang-seo chính thức không có sự phục vụ của Văn Hậu trong giải đấu trên đất Thái Lan. Ông thầy người Hàn Quốc đã làm mọi thứ có thể, đã nhờ tới sự tác động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và CLB Hà Nội, đã không dưới một lần thể hiện mong mỏi. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn từ phía Heerenveen buộc ông phải dừng lại.
Văn Hậu là một trong những trụ cột của U23 Việt Nam vào tới chung kết châu Á năm 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
Lứa Thường Châu chỉ còn 8 người
Không có Văn Hậu, ông Park sẽ mất cầu thủ đã gắn bó với mình trong tất cả giải đấu kể từ khi ông đặt chân tới Việt Nam. Riêng trong năm 2019, Hậu chơi đủ cả 5 trận vòng loại World Cup, 2 trận King’s Cup, đá đủ 3 trận vòng loại U23 châu Á và vừa ghi 2 bàn tại chung kết SEA Games 30. Ở tuyển quốc gia, Hậu là lựa chọn số một cho vị trí hậu vệ trái. Tại U23, vai trò của anh còn trở nên quan trọng hơn khi được luân phiên sử dụng cả ở vị trí trung vệ lệch trái.
Mất Văn Hậu, ông Park cũng mất thêm một “người hùng Thường Châu”. Lứa trẻ đã cùng ông đi tới chung kết U23 châu Á 2018 giờ chỉ còn 8 người gồm Bùi Tiến Dũng, Trương Văn Thái Quý, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Nguyễn Trọng Đại. Trong số này, chỉ Quang Hải, Thành Chung, Đức Chinh còn giữ được phong độ.
Trên mặt trận tấn công, mất Văn Hậu nghĩa là đội tuyển mất một phương án xuyên phá trực tiếp từ biên và một nguồn cung bàn thắng bằng đầu. Quang Hải cũng mất đi một đối tác ăn ý, người có thể đập nhả một hai cùng anh tới sát khung thành đối phương.
Dù vậy, hãy nhớ rằng đây không phải lần đầu tiên các đội tuyển của ông Park mất Văn Hậu. Chính tại U23 châu Á 2018, sau chấn thương của Văn Hậu, ông Park đã trình làng cái tên mới Phạm Xuân Mạnh. Hậu vệ của SLNA bước ra ánh sáng, chơi rất hay và góp công lớn trong hành trình tới chung kết của đội tuyển.
Văn Hậu không thể thi đấu là thiệt thòi của đội tuyển, nhưng cũng là cơ hội cho những cầu thủ khác khẳng định mình.
Thanh Thịnh (giữa) tấn công tốt nhưng phòng ngự chưa mang tới sự yên tâm. Ảnh: Minh Chiến. |
Giải pháp nào cho vị trí hậu vệ trái?
Trong danh sách 28 cái tên hiện tại, ông Park có 2 hậu vệ trái chuyên biệt là Nguyễn Hùng Thiện Đức và Đỗ Thanh Thịnh. Cộng thêm Hồ Tấn Tài có thể đá lệch trái khi cần, vị trí hậu vệ trái sẽ có 3 lựa chọn. Tuy nhiên, khả năng trụ lại danh sách cuối cùng của Thiện Đức khá thấp nên cơ hội thực tế chỉ dành cho đội phó Thanh Thịnh và Tấn Tài. Tuy nhiên, cả hai phương án đều có có những vấn đề riêng.
Nếu dùng Thanh Thịnh, ông Park có một cầu thủ hỗ trợ tấn công tốt, tạt bóng, căng ngang khá hay nhưng phòng ngự kém, thể hình hạn chế. Sử dụng Thanh Thịnh nghĩa là phải chấp nhận nguy cơ “thủng” cánh trái đồng thời phải bố trí người hỗ trợ anh. Tiền vệ phòng ngự (có thể là Trọng Đại) và trung vệ lệch trái (có thể là Thành Chung) sẽ phải thường xuyên dạt ra tăng cường cho Thanh Thịnh.
Phương án hai Tấn Tài kinh nghiệm hơn, chơi đầu rất tốt nhưng không thuận chân trái. Anh từng được bố trí đá hậu vệ trái ở SEA Games và đã bộc lộ hạn chế. Do không thuận chân, Tấn Tài ít có các tình huống leo biên và chuyền thẳng vào vòng cấm. Anh cũng không phải mẫu cầu thủ nhanh nhẹn, phối hợp tốt với đồng đội ở phía trên. Hậu vệ của Bình Dương sẽ phù hợp với những thế trận phòng ngự, ưu tiên sự chắc chắn.
So với 2 năm trước, ông Park đã mất 2/3 trung vệ tốt nhất là Đỗ Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng còn Đình Trọng chưa bình phục chấn thương. Cả về trình độ lẫn kinh nghiệm, hàng thủ U23 Việt Nam đều đã kém hơn xưa. Trong bối cảnh đó, ông Park nhiều khả năng sẽ ưu tiên những cầu thủ già dơ, phù hợp với lối đá phòng ngự, phản công.
Thời gian từ nay tới ngày 10/1/2020, thời điểm U23 Việt Nam xuất trận, vẫn còn hơn 15 ngày. Từng ấy thời gian là đủ để ông Park có một giải pháp lấp đầy khoảng trống mang tên Văn Hậu.