3-0 là con số hiển thị trên bảng điện tử sau trận chung kết SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam và Indonesia diễn ra tối 10/12. Đó là cách biệt quá lớn trong bối cảnh căng thẳng của trận cầu quyết định, là tỷ số hoàn toàn áp đảo, phản ánh sự chênh lệch rõ ràng về trình độ và đẳng cấp giữa thầy trò HLV Park Hang-seo với U22 Indonesia và rộng hơn là với cả Đông Nam Á lúc này.
Trước U22 Indonesia, Ông Park tung vào sân 2 tiền đạo, nhưng tất cả bàn thắng lại được ghi bởi các hậu vệ và tiền vệ, dùng 2 cầu thủ thuận chân phải đá cánh trái nhưng vẫn tạo ra mũi giáp công nguy hiểm nhất. Những thay đổi đặc biệt ấy cho thấy ông Park vẫn ở đẳng cấp khác các HLV Đông Nam Á.
Dấu ấn chiến thuật HLV Park Hang-seo, đẳng cấp Đỗ Hùng Dũng cùng sự khác biệt tới từ Đoàn Văn Hậu hứa hẹn mang tới diện mạo mới cho U22 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Đội hình xuất phát U22 Việt Nam ở chung kết với Indonesia. Đồ họa: Minh Phúc. |
Khác biệt mang tên Đỗ Hùng Dũng
Có 2 điểm nhấn quan trọng trong chiến thuật của U22 Việt Nam trước đối thủ Indonesia ở trận đấu tối 10/12 và cả hai đều tới từ biên trái.
Thứ nhất, ông Park xếp Hùng Dũng ở vị trí tiền vệ công nhưng bố trí chơi dạt biên trái. Đây là vị trí trái với sở trường đá trung tâm của Hùng Dũng, không hợp với chân thuận của anh. Tương tự vậy, ông Park cũng rút hậu vệ trái tốt nhất của mình là Văn Hậu về vị trí trung vệ, kéo cầu thủ thuận chân phải khác là Hồ Tấn Tài sang đá cánh trái.
Đây đều là những quyết định khó hiểu của HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy tới từ những bài học thu lượm được ở trận “lượt đi” giữa đôi bên tại vòng bảng. Trong trận đấu đó, cầu thủ thuận chân trái Đỗ Thanh Thịnh là người xuất phát ở biên. Anh tấn công hay, nhưng phòng ngự chưa tốt, khiến Văn Hậu nhiều lần phải băng lên hỗ trợ, biến cánh trái thành điểm yếu nhất của U22 Việt Nam, nơi Egy Maulana (số 10) và Saddil Ramdani (15) đã ra sức công phá suốt 90 phút.
Đây cũng là vị trí tạo nên chiến thuật cho cả phía Việt Nam và Indonesia ở lượt đi. Sai lầm chết người của Bùi Tiến Dũng ở trận đấu có xuất phát điểm là một quả tạt khó chịu từ biên trái (biên phải theo hướng tấn công của Indonesia). Bàn gỡ hòa của Nguyễn Thành Chung cũng được ghi từ quả phạt góc của Hùng Dũng ở cánh trái.
90 phút ở lượt đi là quá đủ để ông Park nhận ra ai làm chủ cánh trái sẽ có được chiến thắng trong trận chung kết.
Hùng Dũng đá lệch trái và ghi 1 bàn, thực hiện 1 đường kiến tạo trước U22 Indonesia. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đấy là lý do Tấn Tài và Hùng Dũng đồng loạt xuất hiện ở khu vực này. Với Tấn Tài, ông Park đã “hy sinh” mặt trận tấn công để đổi lại sự an toàn nơi hàng thủ trong những phút đầu tiên. Đẳng cấp của người từng mang băng đội phó U20 Việt Nam và đã chinh chiến tại V.League lẫn AFC Cup mang tới sự yên tâm cho vị trí này. Cộng thêm Văn Hậu đá trung vệ lệch trái ở ngay sau lưng, hành lang này của tuyển Việt Nam đã phong tỏa hoàn toàn đối thủ so với trận lượt đi.
Nền tảng phòng ngự ấy là yếu tố đầu tiên tạo nên chiến thắng của U22 Việt Nam. Có họ ở phía sau, Hùng Dũng không phải lùi về quá nhiều và thoải mái dâng cao. Anh chuyền bóng cho Văn Hậu ghi bàn đầu tiên trước khi trực tiếp băng lên từ biên trái, dứt điểm nâng tỷ số lên 2-0.
Chiến thắng tuyệt đối của U22 Việt Nam ở cánh trái càng trở nên ngọt ngào hơn nếu biết HLV Indra Sjafri cũng chủ động gia cố khu vực này. Hậu vệ phải ở trận lượt đi Nurhidayat Haji Haris phải nhường vị trí cho số 14 Asnawi Bahar. Bahar đang giữ kỷ lục ra mắt tuyển quốc gia lúc 17 tuổi 167 ngày và vừa giành giải cầu thủ hay nhất Cúp quốc gia Indonesia mùa trước.
Tuy nhiên, từng ấy chưa đủ để giúp U22 Indonesia có thắng lợi ở cuộc chiến biên trái. U22 Việt Nam thậm chí chưa có kèo trái hay nhất Nguyễn Quang Hải vì chấn thương.
Thắng lợi tuyệt đối tại hành lang quan trọng này đã mở ra vinh quang cho đội tuyển.
Văn Hậu là người hùng của đội tuyển với một cú đúp ở chung kết. Ảnh: Thuận Thắng. |
Văn Hậu và bàn thắng thứ 4 tại SEA Games
Sau Hùng Dũng, Văn Hậu là cái tên quan trọng thứ hai của U22 Việt Nam ở chiến thắng này. Anh đóng góp lớn ở cả hai mặt trận tấn công và phòng ngự với điểm nhấn là 2 bàn vào lưới Indonesia.
Đó là 2 pha lập công được ghi theo 2 cách khác nhau, thể hiện sự vượt trội về trình độ của Văn Hậu so với đối thủ đồng trang lứa. Ở bàn thứ nhất, anh bị theo kèm bởi đội trưởng Andy Setyo nhưng vẫn bật cao đánh đầu ghi bàn đẳng cấp. Bàn thứ 2, anh di chuyển nhanh hơn đối thủ, chọn vị trí khôn khéo hơn, dự đoán tình huống đúng hơn trước khi nhẹ nhàng chạm chân vào bóng.
Những người Indonesia lẽ ra phải nghiên cứu Văn Hậu kỹ hơn. 2 bàn ở chung kết là pha lập công thứ 4 của Hậu sau 2 kỳ SEA Games, trong đó có 3 bàn tới từ những tình huống cố định. Nghĩa là ở đẳng cấp U22, Hậu không có đối thủ trong các pha "bóng chết". 3 tháng rèn luyện ở châu Âu cũng mang tới khác biệt cho Văn Hậu, anh đầm người hơn, cơ bắp rắn rỏi và quen với những cuộc đấu sức cùng các hậu vệ trời Âu. So với những đồng đội tại Heerenveen của Hậu, Andy Setyo rõ ràng chưa đủ “cân lượng”.
Thứ bóng đá anh ấy thể hiện hôm nay rất tuyệt vời. Một hậu vệ cao 1,85 m và ghi 2 bàn trong trận chung kết”.
Nguyễn Van Bakel
Chia sẻ của Nguyễn Van Bakel, một người châu Âu, sẽ là bản tóm tắt ngắn gọn, chính xác nhất về Văn Hậu: “Thứ bóng đá cậu ấy thể hiện hôm nay rất tuyệt vời. Một hậu vệ cao 1,85 m và ghi 2 bàn trong trận chung kết”.
Phong độ đỉnh cao của Văn Hậu, Hùng Dũng cũng một lần nữa khẳng định chỗ đứng vững chắc của nhóm cầu thủ CLB Hà Nội trong hệ thống chiến thuật của ông Park. Tại SEA Games 30, họ không còn giữ được sự áp đảo lớn về quân số trong đội hình, nhưng từng người đều trở nên quan trọng hơn nhờ đẳng cấp vượt trội và kinh nghiệm dạn dày ở các cấp độ.
Nếu Quang Hải và Bùi Tiến Dũng được vào sân, CLB Hà Nội vẫn có thể sở hữu 5 cái tên trong đội hình xuất phát. Một lần nữa, giống như trong 2 năm vừa qua, họ lại trở thành niềm cảm hứng cho vinh quang của triều đại Park Hang-seo.
Với Văn Hậu đang trưởng thành và Quang Hải sẽ trở lại trong ít ngày tới (anh đã khởi động và suýt vào sân ở cuối trận chung kết), giấc mơ về Thường Châu thứ hai đang hiển hiện với U22 Việt Nam.