Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với ngành xuất bản, về chiến lược phát triển trong 5 năm tới.

Ngày 21/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các nhà xuất bản để bàn Chiến lược phát triển ngành xuất bản giai đoạn 2021-2025 cũng như chương trình hành động của Cục Xuất bản. Dưới đây là toàn văn kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Bo truong Nguyen Manh Hung anh 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng / Vietnamnet.

Kính thưa các đồng chí!

Mọi người đọc sách ít đi nhưng đọc thì không ít đi. Thời gian đọc có xu thế tăng lên. Nhưng thời gian đọc tin tức, chia sẻ thông tin trên mạng tăng mạnh. Và vì thế thời gian dành cho sách ít đi. Câu chuyện này khá giống câu chuyện của báo chí khi xuất hiện mạng xã hội. Cách đọc khác đi thì cách làm sách cũng phải khác đi.

Trước đây có rất ít sách thì việc chính là có sách để đọc. Bây giờ lại có quá nhiều sách việc chính lại là lọc và tìm đúng quyển sách để đọc. Mỗi người trong số hàng tỷ người đều có nhu cầu đi tìm đúng quyển sách để giải quyết nhu cầu, vấn đề của mình. Vậy ngành xuất bản của chúng ta sẽ làm gì?

Trước đây chúng ta có ít vấn đề hơn, có ít mối quan tâm hơn và vì thế, thời gian dành cho sách nhiều hơn. Bây giờ quá nhiều mối quan tâm, nhưng thời gian mỗi ngày vẫn là 24h và vì vậy, thời gian dành cho mỗi vấn đề bị ít đi. Thời gian dành cho sách do vậy cũng ít đi. Vậy sách có nên dài hàng nghìn trang, hàng trăm trang nữa không? Và nếu vẫn phải dài thế có nên có phiên bản hỗ trợ ngắn hơn hoặc có công cụ tìm kiếm để giúp người đọc nhanh chóng nắm được ý chính rồi khi nào có thời gian thì sẽ đọc kỹ hơn không?

Một quyển sách có nhiều đối tượng đọc, vậy có nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách cho các đối tượng khác nhau không? Nếu không có công nghệ, không có môi trường số, không có sách điện tử thì việc này không dễ và tốn kém. Nhưng nếu dễ và rẻ ta có làm không?

Trước đây mỗi năm có một số ít sách mới và vì thế, có quyển sách cả triệu người đọc và trở thành nhận thức chung cả xã hội và vì vậy mà tạo thành sức mạnh quốc gia, dân tộc. Nay mỗi năm có tới gần 40.000 đầu sách, mỗi đầu sách cũng chỉ in vài nghìn quyển và vì thế, không có quyển sách nào có triệu người đọc, không có quyển sách nào thành nhận thức chung của xã hội, không tạo thành sức mạnh quốc gia. Vậy có cách nào mà chúng ta vẫn có những quyển sách có sức lan toả triệu người như trước đây không?

Trước đây rất khó đưa sách đến mọi người ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây sách cũng rất đắt để bà con nông dân có thể mua được. Thì nay với sự hỗ trợ của công nghệ số, bài toán này có dễ giải hơn không? Giải được bài toán này là một bước tiến vĩ đại. Vậy là thời đại mới không chỉ đặt ra khó khăn mới cho chúng ta mà còn tạo ra những cơ hội mới, giải quyết được những vấn đề thiên niên kỷ. Cũng là do cách mà chúng ta nhìn vấn đề thôi. Vậy sách điện tử có phải là lời giải không?

Trước đây không có nhiều nhà xuất bản như bây giờ nhưng lại có nhiều sách hay, có nhiều người đọc. Chúng ta có nên quay lại ít nhà xuất bản không? Nếu ít nhà xuất bản có đáp ứng được nhu cầu phong phú, cá thể hóa của người dân không? Vậy đâu là lời giải đúng? Có phải là vẫn nhiều nhà xuất bản nhưng phải có một số chủ lực không?

Câu chuyện sách và vấn đề của lĩnh vực xuất bản thời đại số này có phải là câu chuyện riêng của Việt Nam không hay là câu chuyện toàn cầu? Nếu là câu chuyện toàn cầu thì những kinh nghiệm hay của thế giới là gì? Chúng ta đã tìm hiểu và học hỏi chưa? Thế giới thay đổi nhanh như bây giờ thì không có ai là người giỏi nhất. Nhưng người mà biết ai giỏi nhất cái gì và học hỏi thì có thể là người giỏi nhất. Cục Xuất bản, lĩnh vực xuất bản có nên sử dụng cách tiếp cận này không?

Trước đây có một cách đọc duy nhất là đọc sách. Bây giờ mọi người có rất nhiều cách đọc. Đọc báo. Đọc tạp chí. Đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Thay vì tự đọc thì nghe người máy đọc. Thay vì đọc chữ là chính thì đọc truyện tranh. Thay vì đọc trước để chuẩn bị khi cần là dùng được ngay thì bây khi cần mới đọc. Đọc sách điện tử nhiều hơn. Đọc sách mạng nhiều hơn. Đọc Infographic nhiều hơn... Nhiều cách đọc như thế thì sách có đi vào những cách mới này không? Đi vào những cách mới này có mất sách không? Nếu ta xem sách là tri thức thì không sao, vì có nhiều cách mới hiệu quả để phổ biến tri thức. Nếu ta xem sách là tạo cảm xúc thì sao? Chắc đọc sách theo cách truyền thống cũng không phải cách đọc duy nhất để tạo ra hay truyền đi cảm xúc. Vậy phải chăng sách vẫn tiếp tục là sách và có những biến hoá mới phù hợp với thời đại?

Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh vẫn là lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới này tôi tin sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.

Đọc nhiều thì mỏi mắt, đọc nhiều trên máy tính còn mỏi mắt hơn. Có khi nào người làm sách nghĩ đến việc in ấn cỡ chữ bao nhiêu, nguyên liệu in gì để đọc sách đỡ mỏi mắt hơn không? Cầm quyển sách mà cụ mình, ông mình, bố mình từng cầm trong tay, từng đọc và lật từng trang sách, và có cả những suy nghĩ viết ra vội vàng khi đọc thì chắc cảm xúc và nhận thức của ta cũng có khác. Vậy có nên có những quyển sách in mà tồn tại được hàng trăm năm không? Làm sách bây giờ chắc phải nghĩ đến nhiều thứ hơn trước đây.

Trước đây các công đoạn của sách, những người liên quan đến sách là độc lập với nhau, hết công đoạn này rồi mới đến công đoạn khác: Người viết sách, người in sách, người phát hành sách, người đọc, người lưu trữ sách... Nếu bây giờ những người này ngồi với nhau ngay từ đầu sẽ thế nào? Phát triển phần mềm cũng là một sự sáng tạo. Trước đây họ cũng tìm hiểu nhu cầu rồi đến thiết kế, rồi đến lập trình, rồi kiểm thử, rồi bán hàng, rồi người dùng phản hồi... Bây giờ họ sáng tạo theo cách Agile, tức là mọi người bàn với nhau từ đầu, cùng nhau sáng tạo. Sách có thể như vậy không?

Sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại có lẽ là sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Mọi thứ thực rồi sẽ có một phiên bản số. Sẽ có cả những thứ có trên môi trường số mà không có trong thế giới thực. Trong môi trường số ấy, mọi thứ sẽ có một đời sống mới, một cách thức quan hệ mới và có những giá trị mới được tạo ra theo một cách mới. Chúng ta gọi sự di chuyển này là chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản là thế nào? Những vấn đề, những câu hỏi được nêu ở trên đều liên quan đến chuyển đổi số.

Kinh tế thị trường thì nhịp sống nhanh hơn, bị thúc đẩy bởi vật chất và ngắn hạn nhiều hơn. Vậy thì đời sống tinh thần của người dân và các vấn đề dài hạn sẽ thế nào? Có phải vai trò của nhà nước là ở đây không? Nhà nước thì nhìn ra trông rộng hơn, đầu tư cho dài hạn nhiều hơn. Nhìn ra trông rộng thông qua thể chế và đầu tư cho dài hạn của ngành xuất bản là gì?

Chúng ta nghĩ khác đi về sách chính là tương lai của sách. Tương lai ấy do chúng ta sáng tạo ra. Tương lai ấy có xán lạn không? Mọi tương lai sẽ đều xán lạn nếu chúng ta thay đổi. Chúng ta ngồi đây hôm nay là nói về, bàn về sự thay đổi của sách, của lĩnh vực xuất bản. Chúng ta ngồi đây hôm nay là để sáng tạo ra tương lai mới của sách. Trong tay chúng ta có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách. Đó là công nghệ số, là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Và chúng ta còn có một công cụ nữa, còn được coi như một nguồn lực, đó là thể chế. Sự sáng tạo thể chế cũng là vô hạn.

Sáng tạo tương lai thì không chỉ nhìn về tương lai mà còn là nhìn vào quá khứ. Những cái tốt bị lãng quên thì sao? Đã có rất nhiều cái tốt bị chúng ta lãng quên và không ít cái mới ở mức trung bình. Chương trình trên VTV "Mỗi ngày một cuốn sách" có phải là một cái tốt bị lãng quên không? Làm cho cái tốt bị lãng quên tái sinh trong một hoàn cảnh mới có phải là một sự sáng tạo không? Ngành xuất bản của chúng ta nếu nhìn vào kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại sẽ tìm thấy không ít cách tiếp cận, lời giải cho một vấn đề mới. Những cái tốt bị lãng quên có giống như kho báu bị lãng quên không? Có ai đấy nói, nhà thơ nhìn lên, nhà văn nhìn ngang, nhà triết học nhìn xuống. Vậy chúng ta đi tới tương lai có cần cả nhìn xuống, nhìn ngang và nhìn lên không?

Kinh tế thị trường nhịp sống nhanh hơn, bị thúc đẩy bởi vật chất và ngắn hạn nhiều hơn. Vậy đời sống tinh thần của người dân và các vấn đề dài hạn sẽ thế nào? Có phải vai trò của nhà nước là ở đây không? Nhà nước nhìn ra trông rộng hơn, đầu tư cho dài hạn nhiều hơn. Nhìn ra trông rộng thông qua thể chế và đầu tư cho dài hạn của ngành xuất bản là gì?

Cục Xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này. Các nhà xuất bản, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách.

Còn sách còn tri thức. Còn sách còn loài người.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Cục trưởng Cục Xuất bản: 'Sẽ đấu tranh quyết liệt với sách lậu'

Trước tình trạng sách lậu, sách giả đang ngày càng phức tạp, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra nhóm giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi vấn nạn này.


Cục Xuất bản và Thư viện Quốc gia phối hợp phát triển văn hóa đọc

Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diễn ra sáng 15/4.

Quan he giua tien bac va do thoa man hinh anh

Quan hệ giữa tiền bạc và độ thỏa mãn

0

Trên thực tế, hoàn toàn không có mối liên hệ giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được từ số tiền đó. Dần dần, người ta đã tỉnh táo nhận ra rằng tiền bạc không những không mua được hạnh phúc, mà còn có thể hủy diệt cả hạnh phúc. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

https://vietnamnet.vn/vn/tu-lieu/toan-van/bai-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-ve-chien-luoc-sach-737823.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm