Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đưa trẻ em lên TikTok: Nguy cơ xâm phạm đời tư, khiến trẻ 'ảo tưởng'

Việc trẻ tiếp cận TikTok và tạo ra thu nhập sớm có thể thay đổi định nghĩa ngành nghề trong tương lai, nhưng cũng tạo nguy cơ trẻ ảo tưởng về tốc độ phát triển, có tư duy lệch lạc.

"Với các bạn nhỏ chưa có nhận thức, việc phụ huynh đưa hình ảnh của trẻ lên TikTok nhằm câu like có thể là hành vi vi phạm pháp luật nếu để lộ danh tính, thông tin của trẻ", TS Vũ Việt Anh nói về việc sử dụng hình ảnh của trẻ em trên nền tảng TikTok.

Thực tế, nhiều kênh TikTok với tài khoản đăng ký của người lớn nhưng toàn bộ hình ảnh đăng tải là các hoạt động của con trẻ.

Tại Việt Nam, những kênh này phổ biến là các nội dung chia sẻ câu nói, khoảnh khắc hài hước của trẻ được phụ huynh đăng tải. Một số kênh tạo dựng clip dựa trên kịch bản có sẵn, để trẻ nói ra những câu nói gây cười.

Cùng với việc cảnh báo nguy cơ khi để lộ thông tin của trẻ em thông qua video ngắn, chuyên gia cũng lo ngại về việc trẻ em Việt Nam đang dành quá nhiều thời gian để tiếp cận TikTok cùng các nền tảng mạng xã hội khác mà không có sự hướng dẫn, can thiệp từ người lớn.

Nguy cơ xâm phạm đời tư, khiến trẻ ảo tưởng

Theo ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ giáo dục khoa học tại Singapore, việc trẻ em tiếp cận TikTok nên được xem là điều bình thường. Ngay cả việc bố mẹ dùng hình ảnh của con để kiếm tiền trên nền tảng này cũng cần được xem xét dưới hai góc độ.

Về mặt tích cực, trẻ em tiếp cận những cách tạo ra thu nhập mới từ sớm có thể thay đổi định nghĩa ngành nghề trong tương lai.

Dù vậy, việc đưa hình ảnh trẻ em lên nền tảng mạng xã hội có thể làm cho trẻ bị ảo tưởng về tốc độ phát triển của mình, dễ bị rơi vào trạng thái "năng lực ảo", nguy cơ bị xâm phạm đời tư và phát triển lệch lạc về tư duy.

Để tránh việc xâm phạm quyền riêng tư của con, ông Việt Anh cho rằng cha mẹ cần trao đổi trước, nếu trẻ đồng ý mới đưa lên mạng.

Với các bạn nhỏ chưa có nhận thức, bố mẹ cần lưu ý việc "câu like" có thể là hành vi vi phạm pháp luật nếu để lộ danh tính, thông tin cá nhân của trẻ và vi phạm quy chuẩn trong phạm trù văn hoá, đạo đức.

"Thực tế chứng minh rất nhiều bạn trẻ đã tạo ra thu nhập tiền trăm triệu, thậm chí tiền tỷ mỗi tháng từ các nền tảng này. Tôi nghĩ nên nhìn vào việc xã hội thay đổi, cái mới dần thay thế cái cũ, song chúng ta phải làm việc đó có trách nhiệm và đạo đức", ông Việt Anh nêu quan điểm.

dua tre em len Tiktok anh 1

Nhiều video trên TikTok sử dụng hình ảnh của trẻ em, trong đó có trào lưu dọa ma trẻ em đang gây tranh cãi.

Ở góc độ khác, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhận định hành vi tiết lộ thông tin trẻ em trên truyền thông, chủ động tạo ra những nội dung giật gân để lôi kéo trẻ theo dõi, dụ dỗ trẻ tiếp cận thông tin xấu độc, phải được xử lý.

Ông Nam nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc thanh lọc nội dung, tạo ra môi trường mạng xã hội an toàn với trẻ.

Ở góc độ cơ quan Nhà nước và đơn vị quản lý, lãnh đạo Cục Trẻ em cho rằng việc kiểm soát nội dung trên môi trường mạng xã hội gặp khó vì chủ kênh thường sử dụng các chiêu thức để hoạt động, kinh doanh.

Thông thường, các nội dung xấu, độc hay vô bổ nằm ở những đoạn giữa video, người xem phải theo dõi quá nửa thời lượng mới phát hiện.

“Những chiêu trò này rất dễ qua mặt phụ huynh hoặc cơ quan chức năng. Việc vi phạm trên mạng khó bị phát hiện, các đơn vị chức năng mất nhiều thời gian thu thập, xác minh rồi xử lý”, ông Nam nhận định.

Kiểm soát thời lượng và nội dung

Nói về xu hướng trẻ em sử dụng TikTok hoặc các kênh cho phép đăng tải video ngắn, lãnh đạo Cục Trẻ em cho rằng trẻ cần được kiểm soát hành vi sử dụng nền tảng mạng xã hội ở hai góc độ là thời lượng và nội dung.

Tuy nhiên, việc kiểm soát nếu không áp dụng khéo léo có thể gây phản ứng ngược khi trẻ có cảm giác bị theo dõi, cấm đoán và từ đó dẫn tới đổ vỡ niềm tin với cha mẹ.

Ông Nam gợi ý phụ huynh có thể trò chuyện, quan sát hành vi sử dụng mạng xã hội của con trẻ để can thiệp khéo léo, hoặc đặt ra các quy ước với con. Việc đặt ra nguyên tắc cũng cần dựa trên cơ sở tôn trọng, lắng nghe chứ không áp đặt trẻ.

“Các cá nhân, tổ chức có rất nhiều cách để tiếp cận trẻ em trên mạng xã hội bằng nội dung giật gân. Vì vậy, bên cạnh hệ sinh thái thì chúng ta cần một mạng lưới để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia từ nhiều phía gồm gia đình, phụ huynh, nhà trường, xã hội và cả doanh nghiệp vận hành”, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.

Các hành vi tiết lộ thông tin trẻ em trên truyền thông, chủ động tạo ra những content giật gân để lôi kéo trẻ theo dõi, dụ dỗ trẻ tiếp cận những thông tin xấu độc phải được xử lý

Cục trưởng Cục Trẻ em

Đồng quan điểm, TS Vũ Việt Anh cho rằng trẻ con rất hiếu thắng nên thay vì quản lý, phụ huynh nên chơi và xem cùng con luôn. Trẻ con sẽ nhận thức được điểm dừng dễ hơn khi có ai đó làm cùng.

Việc chơi cùng trẻ cũng là phương pháp tốt nhất để định hướng những thứ con xem ngay từ đầu.

Theo vị chuyên gia, việc lọc nội dung độc hại trên mạng là vấn đề khá nan giải. Vì vậy, khi gặp thông tin nguy hại cho con nhỏ, phụ huynh hãy dùng tính năng thông báo và chặn để thông tin đó không lan truyền rộng.

"Tuy nhiên, việc đó là hoàn toàn bị động nên tôi vẫn ủng hộ việc giáo dục đạo đức, giáo dục nhận thức sớm cho trẻ để các bạn tự bảo vệ mình. Giáo dục kỹ năng và nhân cách sống quan trọng không kém việc trang bị kiến thức", ông Việt Anh nhấn mạnh.

dua tre em len Tiktok anh 2

Những video phản cảm, độc hại lan truyền tràn lan trên TikTok kể cả ở các kênh lập ra hướng đến đối tượng xem là trẻ em.

Cụ thể hơn, chuyên gia cho rằng phụ huynh hoàn toàn có thể hướng dẫn trẻ bằng cách thỏa thuận nếu con làm điều tốt sẽ được phần thưởng là sử dụng mạng xã hội trong một thời gian nhất định. Điều này nhằm rèn luyện tính tự lập càng sớm càng tốt cho con.

Nếu không cho trẻ tự lập sớm cũng như hướng dẫn con về kỹ năng, thái độ, phẩm hạnh tốt, phụ huynh sẽ phải giám sát trẻ suốt cuộc đời.

Đối với trường hợp trẻ "nghiện" TikTok, vị chuyên gia cho rằng ngay cả người lớn cũng có nguy cơ này. Ông gợi ý phụ huynh tạo cho trẻ hành vi, thói quen mới để thay thế thói quen cũ.

Trong giai đoạn tạo lập thói quen mới, bố mẹ cần gần gũi, động viên, khích lệ và cùng con tham gia hoạt động bổ ích. Từ đó, con sẽ dễ dàng hơn khi vượt qua cám dỗ từ công nghệ và hình thành thói quen mới tốt hơn.

Yêu cầu xử lý nghiêm việc che giấu hành vi bạo lực trẻ em

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu đơn vị chức năng các địa phương xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức che giấu hoặc không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thiếu niên 16 tuổi bỏ nhà đi cùng người quen qua mạng xã hội

Sau khi rời khỏi nhà, Phát nhắn tin cho gia đình thông báo đã đi theo người đàn ông mới quen qua mạng xã hội, khi nào làm nhiều tiền sẽ gửi về cho cha mẹ.

Mỹ Hà - Vân Trang

Bạn có thể quan tâm