Phần cứng máy tính thường không được kỳ vọng sẽ làm nên điều lớn lao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan niệm này đã thay đổi hoàn toàn khi một bộ vi xử lý đồ họa được Nvidia ra mắt vào năm 2022 đã khiến Phố Wall điên đảo.
H100, bộ vi xử lý mạnh mẽ nhất mà doanh nghiệp này từng chế tạo, đưa giá trị thị trường của Nvidia đã vượt mức 2.000 tỷ USD trong phiên giao dịch vào ngày 23/2 (theo giờ Mỹ).
Nhu cầu về H100 lớn đến mức một số khách hàng phải đợi tới 6 tháng mới nhận được hàng.
Sản phẩm này cũng nhấn mạnh vai trò chủ chốt của NVIDIA trong thị trường trí tuệ nhân tạo, vượt xa cả các công ty phần mềm và nhà cung cấp dịch vụ đám mây tích hợp AI vào sản phẩm.
Nvidia hưởng lợi từ cuộc đua AI, khi mọi công ty lớn đều đặt hàng GPU của hãng. Ảnh: Reuters. |
Con chip gây sốt giới công nghệ
H100 là một trong những bộ xử lý đắt nhất của Nvidia, khi có giá khoảng 40.000 USD mỗi chiếc.
Ban đầu, việc ra mắt được đánh giá là không đúng thời điểm, trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành bán dẫn tìm cách cắt giảm chi tiêu khi lạm phát gia tăng.
Đến tháng 11/2022, chatbot mang tên ChatGPT được ra mắt và tạo cơn sốt toàn cầu. Khi đó, Nvidia đã “bước chân” sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tầm nhìn của những người đứng đầu Nvidia một lần nữa lại đi trước thời đại.
H100 của Nvidia, có giá hơn 40.000 USD và liên tục cháy hàng. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đây, NVIDIA vốn nổi tiếng với các bộ xử lý đồ họa cho PC gaming. Nhưng quyết định chuyển hướng sang AI chính là một động thái sinh lợi mạnh mẽ.
H100 được tối ưu hóa để xử lý khối lượng lớn dữ liệu và tính toán ở tốc độ cao, khiến nó trở thành phần cứng hoàn hảo để đào tạo mô hình AI vốn tiêu tốn nhiều năng lượng.
Nvidia vốn đã đi tiên phong trong thị trường này với các khoản đầu tư có niên đại gần hai thập kỷ. Hãng đặt cược vào tương lai một ngày nào đó, khả năng thực hiện đa tác vụ sẽ khiến con chip này trở nên có giá trị trong các ứng dụng bên cạnh việc chơi game.
Tại sao H100 lại đặc biệt đến vậy? Các nền tảng AI tạo sinh "học hỏi" cách hoàn thành các tác vụ như dịch văn bản, tóm tắt báo cáo và tổng hợp hình ảnh từ kho tài liệu khổng lồ có sẵn.
Thông qua quá trình thử và sai liên tục, mô hình AI sẽ "giỏi hơn" nhưng đồng thời cũng tiêu tốn một lượng lớn sức mạnh tính toán trong quá trình này.
H100 là công cụ mạnh nhất hiện có để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT, nền tảng cho các ứng dụng như ChatGPT hay Gemini. Ảnh: Nvidia. |
Nvidia cho biết H100 nhanh gấp 4 lần so với con chip tiền nhiệm là A100 trong việc đào tạo những mô hình ngôn ngữ lớn và phản hồi nhanh hơn 30 lần khi người dùng nhập câu lệnh.
Do đó, H100 là công cụ mạnh nhất hiện có để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT, nền tảng cho các ứng dụng như ChatGPT hay Gemini.
"Vô đối" trên thị trường
Nhờ nhạy bén bắt kịp xu hướng từ sớm, NVIDIA đã xây dựng vị thế bất khả xâm phạm trong ngành chip AI.
Theo Bloomberg, Nvidia nắm khoảng 80% thị trường "chip gia tốc" dành cho các trung tâm dữ liệu của Amazon, Google hay Microsoft.
Những nỗ lực từ chính nội bộ của các công ty này nhằm xây dựng chip của riêng họ, hay các sản phẩm cạnh tranh đến từ những đối thủ như Advanced Micro Devices hay Intel, cho đến nay vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng trên thị trường.
Bên cạnh đó, Nvidia còn nhanh chóng cập nhật các dịch vụ của mình, bao gồm cả phần mềm hỗ trợ phần cứng, với tốc độ mà chưa hãng nào có thể sánh kịp.
Nvidia nắm khoảng 80% thị trường "máy gia tốc" dành cho các trung tâm dữ liệu của Amazon, Google hay Microsoft. Ảnh: Microsoft. |
Hãng cũng nghĩ ra nhiều hệ thống cụm khác nhau để giúp khách hàng mua H100 với số lượng lớn và triển khai chúng một cách nhanh chóng.
Các chip khác trên thị trường như bộ vi xử lý Xeon của Intel có khả năng xử lý dữ liệu phức tạp hơn, nhưng lại có ít lõi và tỏ ra khá chậm khi phải xử lý khối lượng thông tin lớn, vốn thường được sử dụng để đào tạo mô hình AI.
Bộ phận trung tâm dữ liệu của Nvidia công bố doanh thu tăng 81% lên 22 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm 2023.
Lợi thế của Nvidia không chỉ nằm ở hiệu suất phần cứng vượt trội. Bước đột phá của Nvidia về trí tuệ nhân tạo có thể được tìm về gần hai thập kỷ trước, với sự đổi mới về phần mềm thay vì chất bán dẫn.
Cụ thể, phần mềm Cuda, được tạo ra vào năm 2006, cho phép sử dụng GPU như các "máy gia tốc" cho các nhiệm vụ khác ngoài xử lý đồ họa như AI.
Kể cả khi chịu sức ép cạnh tranh, nhà phân tích Srini Pajjuri của Raymond James cho rằng Nvidia có thể chiếm hơn 85% thị trường chip AI thế hệ mới trong năm 2024.
Sắp tới, tập đoàn này sẽ trông chờ vào thế hệ kế nhiệm H200. Nvidia thừa hiểu rằng một khi khách hàng đã chọn công nghệ của hãng cho các dự án AI tổng hợp, họ sẽ dễ dàng bán cho các bản nâng cấp như H200 hơn so với các đối thủ cạnh tranh, vốn đang phải chật vật tìm kiếm đối tác.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.