Không có nhiều lựa chọn ở phân khúc smartphone bình dân tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Xu hướng phát triển chung của các hãng Android tại Việt Nam là nâng giá sản phẩm, tăng thêm độ phủ ở phân khúc cao. Mục đích của thay đổi này là tạo ra mức lợi nhuận trên mỗi thiết bị lớn hơn, tốt cho cả nhà sản xuất và bên bán lẻ.
Tuy nhiên, điều này khiến lượng lựa chọn cho điện thoại phổ thông ngày càng khan hiếm. Người dùng gặp khó khăn khi tìm kiếm các dòng điện thoại bình dân, giá dưới 3 triệu đồng.
Sự thiếu vắng của điện thoại giá rẻ
Khi người dùng tìm mua smartphone giá dưới 3 triệu đồng tại đại lý lớn tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, kết quả trả về chỉ có khoảng 10 sản phẩm. Lựa chọn loanh quanh một vài cái tên quen thuộc từ Samsung, Oppo, Xiaomi. Tình hình cũng không khá hơn ở những hệ thống khác.
Một số đơn vị có bán thêm máy từ Honor, Vivo, các thương hiệu con của Transion (Tecno, Infinite). Tuy nhiên, độ phủ của các nhà bán lẻ và những hãng này không lớn.
Chỉ có khoảng 10 chiếc smartphone giá dưới 3 triệu đồng đang được bán chính hãng tại Việt Nam. Ảnh: TGDĐ. |
Trong khi đó, sản phẩm giá 3-6 triệu đồng, riêng Thế Giới Di Động có tới 44 model. FPT Shop, Viettel Store, CellphoneS cũng bán 40-50 thiết bị tại phân khúc giá này. Do vậy, hiện có sự chênh lệch lớn về số lượng model giữa phân khúc điện thoại bình dân và trung cấp tại Việt Nam. Điều này dẫn đến khan hiếm lựa chọn cho người dùng ở phân khúc giá thấp.
Ngoài ít lựa chọn, sản phẩm ở tầm giá này cũng ít được cập nhật tính năng, công nghệ mới. Sản phẩm hầu hết chỉ hỗ trợ mạng 4G, dùng vỏ nhựa và màn hình "giọt nước" kiểu cũ.
“Thị trường này vẫn là cuộc chơi của các hãng lớn với 3 nhà sản xuất cạnh tranh. Samsung có Galaxy A14, A15, A25. Redmi A2, Redmi 12C và Redmi 13C từ Xiaomi. Phía Oppo còn dòng A17K”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS chia sẻ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện chuỗi Thế Giới Di Động, cho biết các dòng máy của Realme, Xiaomi đang có ưu thế lớn tại đơn vị này ở phân khúc giá thấp.
Phân khúc sôi động nhất ở Việt Nam
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK, dòng Galaxy A05/A05S của Samsung liên tục dẫn đầu về doanh số tại Việt Nam ở năm 2023. Mỗi tháng, có gần 100.000 thiết bị được bán. Tương tự với dòng Redmi 12/Redmi Note 12 của Xiaomi, cũng đạt 300.000-500.000 máy trong suốt vòng đời.
Tổng thể, điện thoại giá dưới 5 triệu đồng vẫn là phân khúc được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 57% thị phần. Các số liệu cho thấy nhu cầu lớn của người dùng trong nước, cho các dòng điện thoại bình dân.
Smartphone phổ thông vẫn có doanh số tốt, chiếm thị phần lớn. Ảnh: Xuân Sang. |
Ngoài ra, theo Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ cắt sóng 2G trong năm nay. Công nghệ 3G cũng sẽ ngừng vận hành trong thời gian tới. Do vậy, một lượng lớn smartphone chỉ hỗ trợ giải pháp cũ không còn được kinh doanh. Đồng thời, hàng chục triệu thuê bao đang dùng thiết bị 2G cũng phải sớm nâng cấp điện thoại lên đời mới, có hỗ trợ 4G.
Do vậy, nhu cầu cho smartphone ở phân khúc thấp được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lý giải về sự giảm sút số lượng lựa chọn ở phân khúc giá thấp, ông Nguyễn Lạc Huy cho biết nguyên nhân chính đến từ chi phí sản xuất, linh kiện. “Để làm smartphone bình dân, hãng cần tối ưu dây chuyền, lượng đặt hàng lớn cho từng thành phần như màn hình, chip, pin… để có giá nhập tối ưu. Do vậy, lượng model một hãng có thể giới thiệu phải giảm đi”, ông Huy chia sẻ.
Đây cũng là lý do khiến các sản phẩm ở phân khúc này ít có sự khác biệt về tính năng, cấu hình qua từng phiên bản. Một số khác lại được kế thừa nhiều thành phần từ đời trước, của model phân khúc cao hơn. Đồng thời, các model giá thấp thường được bán trong vòng đời rất dài, để tối ưu dây chuyền và linh kiện.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.