Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa sách Việt ra châu Á

Bên cạnh việc bán bản quyền thành công một số cuốn sách ra thị trường châu Á, các đơn vị xuất bản trong nước tích cực hợp tác với tiệm sách của người Việt tại một số nơi.

Đưa sách Việt ra thế giới là một trong những mục tiêu trọng tâm ngành xuất bản đang nỗ lực thực hiện.

Những năm gần đây, hướng đi này có những khởi sắc nhất định. Một số cuốn sách được bán bản quyền thành công ra châu Á như: Tôi là Bêtô, Những ngã tư và những cột đèn, Chang hoang dã - Gấu (bán cho Hàn Quốc); Những người bạn (bán cho Nhật Bản), Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? (bán cho Thái Lan)…

Bên cạnh đó, một số đơn vị trong nước đã phối hợp các tiệm sách của người Việt tại nước ngoài để phân phối sách tại thị trường châu Á.

sach Viet ra the gioi anh 1

Tác phẩm Tôi là Bêtô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bán được bản quyền cho Hàn Quốc. Ảnh: NXB Trẻ.

Bán bản quyền sách

Mới đây, cuốn sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? của tác giả nhí Đỗ Nhật Nam (do Thái Hà Books phát hành) được chọn là một trong những cuốn sách của Việt Nam để chuyển ngữ sang tiếng Thái Lan trong chương trình quảng bá văn hóa của các nước ASEAN do Bộ Văn hóa Thái Lan chủ trì.

Nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng cũng có mặt trên thị trường châu Á như: Lược sử nước Việt bằng tranh bán bản quyền cho Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, 15 bí kíp giúp tớ an toàn: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em bán cho Philippines…

Mới đây, đơn vị này cũng đưa cuốn tranh truyện Những người bạn đến với độc giả Nhật Bản. Trước đó, bản quyền cuốn Chang hoang dã - Gấu được bán thành công cho một đơn vị xuất bản tại Anh, sau đó, nhượng quyền cho 5 đơn vị xuất bản khác, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn tạo được tiếng vang khi có một số cuốn sách được bán bản quyền ra thị trường sách châu Á. Cuối tháng 9 vừa qua, ấn phẩm Tôi là Bêtô của ông (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành) được một đơn vị xuất bản của Hàn Quốc mua bản quyền.

Trước đó, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng được dịch sang tiếng Thái Lan, do Nhà xuất bản Nanmeebooks phát hành. Sau đó, tác phẩm có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của tác giả Trần Dần cũng gây chú ý khi được bán bản quyền cho Nhà xuất bản IWBOOK (Hàn Quốc).

sach Viet ra the gioi anh 2

Sách về chủ đề Tết được phân phối nhiều tại thị trường nước ngoài. Ảnh: Lionbooks.

Phân phối sách Việt ra thị trường châu Á

Bà Nguyễn Chiều Xuân - CEO Lionbooks - nhận định thị trường châu Á có những điểm tương đồng với Việt Nam, nên việc bán bản quyền và phân phối sách Việt tại đây gặp nhiều lợi thế.

Con đường đưa sách Việt ra thế giới có sự khởi sắc một phần cũng nhờ vào việc các đơn vị xuất bản trong nước tích cực hợp tác với tiệm sách, hiệu sách của người Việt tại nước ngoài để phân phối sách đến những người Việt xa quê.

Bà Tuyết Nhung hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Bà chia sẻ mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho con khi sống tại xứ sở anh đào: “Trước kia, mỗi lần về Việt Nam, tôi đều mang cả vali sách sang cho con đọc. Tôi hy vọng duy trì được vốn tiếng Việt cho bé”.

Là người mê đọc, ước mơ mở một tiệm sách từ thuở nhỏ đã thôi thúc người mẹ này lập nên group Sách cho bé ở Nhật. Tiệm sách chính thức đi vào hoạt động năm 2019.

“Những cuốn sách được phân phối tại Nhật Bản chủ yếu là truyện cho bé, sách học tiếng Việt và sách kỹ năng nuôi dạy con, đến từ các nhà xuất bản lớn trong nước như: Kim Đồng, Đinh Tị, Nhã Nam”, bà Nhung cho hay.

Trải qua nhiều khó khăn ngay từ khi thành lập, song nhận được sự ủng hộ từ các bậc cha mẹ Việt tại Nhật, nhóm đã lan tỏa được phong trào đọc, học và gìn giữ tiếng Việt.

Bà Nhung tiết lộ sau khi thành lập Sách cho bé ở Nhật, nhiều bạn bè ở Hàn Quốc, Đài Loan cũng xin tư vấn để xây dựng mô hình này.

“Mong rằng sách Việt ngày càng đến được với nhiều người Việt trên thế giới một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn”, bà Nhung nói.

Tương tự, Fanpage Sách hay cho bé ở Đài Loan cũng được lập, do bà Nguyễn Thị Hằng Nga và Trịnh Xuân Quỳnh làm admin.

Nhóm admin này cho biết việc tìm những cuốn sách tiếng Việt ở nước ngoài là điều không dễ dàng. Sách thường rất nặng nên không thể mang nhiều cuốn qua đường bay. Hơn nữa, khi trẻ lớn lên ở những độ tuổi khác nhau, nhu cầu đọc sẽ khác, những cuốn sách cũ không còn phù hợp nữa.

Nhiều bà mẹ Việt ở Đài Loan đều gặp vấn đề đó. Hiểu được điều này, bà Hằng Nga và Xuân Quỳnh nảy ra ý tưởng lập một nhóm thực hiện phân phối sách tiếng Việt dành cho trẻ em trong độ tuổi 0-6.

Các đầu sách được phân phối tại đây phù hợp độ tuổi từ những nhà xuất bản uy tín (Nhà xuất bản Kim Đồng, Đinh Tị, Nhã Nam, Lionbooks, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia…) để đảm bảo sách đến tay các bé có chất lượng tốt nhất, từ giấy, mực in, hình ảnh đẹp đến nội dung trong sáng.

Một trong những khó khăn của việc phân phối sách ở nước ngoài là chi phí vận chuyển cao, khiến giá thành bán ra bị đội lên nhiều so với giá bìa. Nhưng những lời động viên và sự ủng hộ của các ông bố, bà mẹ Việt tại đây đã thôi thúc nhóm tiếp tục hoạt động.

Về phía Việt Nam, đại diện Lionbooks - đơn vị thường xuyên hợp tác với các tiệm sách ở nước ngoài - thông tin những cuốn sách được độc giả người Việt tại châu Á ưa chuộng là sách Tết, sách thiếu nhi như bộ Gia đình bé bỏng, Muôn điều kỳ diệu, Nếu tớ gieo một hạt giống

“Tôi nghĩ dù sinh sống ở đâu, cộng đồng người Việt vẫn luôn hướng trái tim về quê hương mình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch để giới thiệu nhiều đầu sách mang đậm chất Việt hơn nữa về chủ đề gia đình, con người, văn hóa, cảnh vật. Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé trong việc thực hiện mục tiêu toàn ngành: Đưa sách Việt ra thế giới”, bà Chiều Xuân bày tỏ.

Tiệm sách Việt cho người xa quê

Tiệm sách Vui Vẻ có chi nhánh tại Đức, Canada và Mỹ sau chưa đầy hai năm hoạt động với mục đích chính là mang sách Việt đến những người con xa quê.

Cầu nối đưa sách Việt ra thế giới

“Chang hoang dã - Gấu”, “Những ngã tư và những cột đèn”, “Số đỏ" đều được mua bản quyền xuất bản ở nước ngoài nhờ những bản dịch tốt.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm