Ngoài nội dung sách chất lượng, khâu quảng bá chuyên nghiệp, để sách Việt ra thế giới còn có sự đóng góp không nhỏ của các dịch giả.
Ở một số trường hợp, dịch giả yêu mến tác phẩm, dịch và giới thiệu tới các nhà xuất bản quốc tế. Nhờ đó, sách Việt được bắc thêm những nhịp cầu để đến với bạn đọc nước ngoài.
Sách Chang hoang dã - Gấu bản tiếng Anh. Ảnh: Fb Lê Mỹ Ái. |
Bán bản quyền nhờ có bản dịch tốt
Tháng 9/2021, một chuyên trang về hoạt động xuất bản quốc tế đưa tin cuốn Saving Sorya (Chang hoang dã - Gấu) từ Việt Nam đã được bán bản quyền nhanh chóng tới các quốc gia như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Nga.
Để chinh phục các nhà xuất bản lớn trên thế giới, ngoài yếu tố tự thân tác phẩm có nội dung tốt, còn là sự chuyên nghiệp trong các khâu dịch thuật, giới thiệu bản quyền.
Trang Nguyễn, tác giả Chang hoang dã - Gấu, cho biết khi hoàn thiện cuốn sách, cô đồng thời dịch tác phẩm sang tiếng Anh. Tác giả cũng tìm cách kết nối với đại diện Nhà xuất bản Pan Macmillan để giới thiệu bản tiếng Anh. Do đó, ấn phẩm được Pan Macmillan biết tới. Nhà xuất bản này mua bản quyền tiếng Anh trên toàn thế giới, tiếp tục giới thiệu, bán bản quyền sách tới các đơn vị xuất bản ở các quốc gia khác nhau.
Tương tự Chang hoang dã - Gấu, một số tác phẩm Việt Nam cũng được mua bản quyền nhờ một phần công sức các dịch giả.
Những ngã tư và những cột đèn được Nhà xuất bản IWBOOK Publishing House (Hàn Quốc) và Nhà xuất bản One World (Anh) mua bản quyền. Tiểu thuyết của Trần Dần đã được David Payned dịch sang tiếng Anh.
Nhã Nam, đơn vị sở hữu bản quyền tiếng Việt Những ngã tư và những cột đèn, đã thay mặt gia đình tác giả Trần Dần tích cực giới thiệu tiểu thuyết tới các công ty bản quyền quốc tế. Trong hồ sơ giới thiệu tác phẩm có một phần bản dịch tiếng Anh của David Payned. Nhờ đó, mạng lưới đơn vị bản quyền trung gian có thể biết tới tác phẩm và xúc tiến các hoạt động trao đổi bản quyền.
Tại Pháp, văn học Việt Nam đương đại được giới thiệu có hệ thống nhờ công của những người làm công tác nghiên cứu và dịch thuật. PGS.TS Đoàn Cầm Thi làm công tác giảng dạy tại Học viện Văn minh và Ngôn ngữ Phương Đông (Paris, Pháp) cùng những người bạn của mình thành lập tủ sách "Văn học Việt Nam đương đại" tại Pháp từ năm 2012. Tủ sách được duy trì với sự hợp tác của Nhà xuất bản Riveneuve.
Các dịch giả của tủ sách đều làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Nhờ đó, đến nay, nhiều tác phẩm văn học Việt đã được giới thiệu tới bạn đọc Pháp như: T. mất tích, Chinatown, Thang máy Sài Gòn (Thuận), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), Song song (Vũ Đình Giang), Blogger (Phong Điệp), Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam)...
Một số tác phẩm văn chương Việt đến với bạn đọc thế giới thông qua sự yêu mến của các dịch giả. Điển hình, tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng xuất bản tại Mỹ năm 2003 (được Los Angeles Times chọn là một trong 50 sách hay nhất năm) nhờ công dịch thuật của vợ chồng giáo sư sử học Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm.
Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng được xuất bản tại Trung Quốc qua bản dịch của PGS Hạ Lộ (Đại học Bắc Kinh), người yêu mến tác phẩm văn chương Việt và từng dịch Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm xuất bản tại Đức từ sự yêu mến của nhà báo, dịch giả Rodion Ebbighausen và Hoàng Đăng Lãnh.
Sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh xuất bản tại Nhật. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng. |
Cần đầu tư mạnh vào đội ngũ dịch
Các chuyên viên bản quyền, người làm công tác xuất bản luôn ghi nhận đóng góp của dịch giả trong việc giới thiệu sách Việt ra nước ngoài.
Bà Phan Thanh Lan - chuyên viên bản quyền Nhà xuất bản Kim Đồng - từng nói để giúp sách Việt ra nước ngoài nhiều hơn, điều đầu tiên là các đơn vị xuất bản cần có bản dịch ra tiếng Anh hoặc viết sách bằng tiếng Anh. Điều đó giúp người làm bản quyền sách dễ dàng giới thiệu ra nước ngoài, cơ hội bán bản quyền sẽ cao hơn.
Không chỉ Việt Nam, các tác phẩm không được viết bằng tiếng Anh đều cần đến cầu nối quan trọng là các dịch giả để bước ra thế giới. Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chi Books - kể câu chuyện khi bà du học ở Bắc Kinh (thời kỳ 2004-2008), Mạc Ngôn chưa đoạt giải Nobel, chưa quá nổi tiếng, thậm chí vào một hiệu sách hỏi tác phẩm của ông, nhân viên bán sách còn thờ ơ.
Tại một hội thảo văn học dịch mà bà Chi từng tham dự có nhiều dịch giả của các nước tham dự đã chuyển ngữ tác phẩm Mạc Ngôn. Các dịch giả cho biết phần lớn bản dịch đều do họ yêu thích sau khi đọc, tự giới thiệu cho nhà xuất bản, đề xuất mua bản quyền rồi chuyển ngữ.
“Vai trò phát hiện ra giá trị ẩn sâu trong tác phẩm nhiều khi phải phụ thuộc rất nhiều vào công sức của dịch giả. Bởi họ chính là độc giả đầu tiên tiếp cận và thẩm định tác phẩm”, bà Nguyễn Lệ Chi đánh giá.
Bởi vậy, muốn văn chương Việt nói riêng, sách Việt nói chung, được thừa nhận trong khu vực và thế giới, bà Chi cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ dịch giả.