Trước nay, đội ngũ bản quyền sách của các đơn vị xuất bản tại Việt Nam luôn tỏ ra năng động khi mua được nhiều tác phẩm sách hay trên khắp các quốc gia. Ngược lại, mảng bán bản quyền sách Việt ra thế giới vẫn còn chưa thực sự ghi được dấu ấn.
Bà Phan Thanh Lan, chuyên viên bản quyền của NXB Kim Đồng, chia sẻ góc nhìn chân thực về việc xuất bản những đầu sách của người Việt ở nước ngoài.
Bản sách tiếng Anh của Chang hoang dã - Gấu sẽ được xuất bản vào tháng 9 tới đây tại Anh. Ảnh: K. Đ. |
Sự chủ động
Từ trước đến nay, sách Việt được xuất bản ra thế giới có một số tác phẩm tiêu biểu như Truyện Kiều, Nỗi buồn chiến tranh, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Dế Mèn phiêu lưu ký, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Cánh đồng bất tận, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cùng một vài cuốn sách khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Với một đơn vị xuất bản có lịch sử hơn 60 năm như NXB Kim Đồng, dù mua bản quyền hàng trăm tựa sách mỗi năm, số sách được bán quyền sách gần đây khá ít ỏi.
Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký, NXB Kim Đồng có thêm sách Lược sử nước Việt bằng tranh bán cho đối tác ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, Đúng là Tết - This is Tết bán cho Đức, 15 bí kíp giúp tớ an toàn: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em bán cho Philippines...
Mới đây nhất, cuốn Chang hoang dã - Gấu bán thành công cho NXB Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho 5 nước bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc kết nối với các đơn vị xuất bản nước ngoài phần lớn được thực hiện qua các hội chợ sách quốc tế, thăm dò thị trường hay gặp mặt trực tiếp đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Cuốn sách Lược sử nước Việt bằng tranh đã bán thành công theo cách này.
Ngoài ra, hai bên còn có thể trao đổi thông qua các trung gian bản quyền, qua chính tác giả hoặc các tổ chức văn hóa phi chính phủ. Đây là cách mà Chang hoang dã của tác giả Trang Nguyễn được xuất bản tại Anh.
Cuối cùng chính là sự chủ động của các đơn vị xuất bản ở Việt Nam. Xét về tổng thể, xuất bản cũng như nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở nước ta còn hạn chế, tiếng Việt không phải ngôn ngữ phổ biến, nên nhiều nhà xuất bản nước ngoài ít tìm kiếm sách Việt. Vì vậy, nếu muốn bán bản quyền, chúng ta phải chủ động giới thiệu sách ra nước ngoài.
Yếu tố văn hóa đặc sắc nhưng không quá đậm đặc
Theo bà Phan Thanh Lan, đặc điểm chung các cuốn sách được bán bản quyền ra nước ngoài là có yếu tố văn hóa đặc sắc nhưng không quá đậm đặc. Việc này tạo thuận lợi cho chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng.
Bên cạnh đó, các sách có minh họa trực quan cho văn hóa, tập quán cũng như các đặc điểm tự nhiên và xã hội của Việt Nam.
Ví dụ, Dế Mèn phiêu lưu ký là câu chuyện nhân văn, phù hợp mọi trẻ em trên thế giới, không có nhiều yếu tố bản địa hay quá khác biệt về văn hóa. Điều đó dễ được đón nhận hơn.
Bộ Truyện tranh dân gian Việt Nam hay Lược sử nước Việt bằng tranh được các nước châu Á đón nhận nhiều, đặc biệt ở Đài Loan và Hàn Quốc có nhiều người Việt sinh sống. Họ chú trọng việc bồi dưỡng con cháu về cội nguồn của dân tộc.
Minh họa sách cũng đóng góp một phần không nhỏ trong sự thành công của việc bán bản quyền. Sách có minh họa sẽ dễ dàng giới thiệu cho bạn đọc quốc tế hơn về các câu chuyện được truyền tải bên trong đó.
Hơn nữa, đội ngũ họa sĩ trẻ tại Việt Nam gần đây đang cộng tác với rất nhiều nhà xuất bản lớn ở nước ngoài nên mặt bằng chung minh họa của Việt Nam đang tiến bộ và bắt kịp với thế giới.
Cuốn sách Đúng là Tết - This is Tết có phiên bản song ngữ đã được bán thành công sang thị trường Đức. Ảnh: K.Đ. |
Xuất khẩu văn hóa thông qua sách
Để giúp sách Việt ra nước ngoài nhiều hơn nữa, bà Phan Thanh Lan đề xuất: Thứ nhất, các đơn vị xuất bản cần có bản dịch ra tiếng Anh hoặc viết sách bằng tiếng Anh để dễ dàng giới thiệu ra nước ngoài, cũng như cơ hội bán bản quyền sẽ cao hơn.
Thứ hai, trong thời điểm dịch bệnh, các hội sách quốc tế như Frankfurt, London, Bolgana… bị hủy, hoãn hoặc chuyển sang hình thức online. Đội ngũ bản quyền cần có sự thích ứng nhanh chóng trong cả việc mua và bán, đồng thời học hỏi và "tranh thủ" giới thiệu sách khi giao dịch với đối tác.
Thứ ba, ngành xuất bản nên chú trọng những đề tài mang tính thời sự, các trải nghiệm thực tế và theo xu hướng của thế giới như bảo vệ môi trường và tự nhiên trong cuốn sách Chang hoang dã.
Ngoài ra, bên cạnh việc phát triển tranh minh họa, các tác giả cũng cần rèn luyện chắc tay để có những câu chuyện tốt và sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp sáng tác.
Thứ tư, xây dựng một website, kênh truyền thông có giao diện song ngữ, thân thiện và dễ sử dụng để phù hợp việc giới thiệu cho các đối tác trong thời đại công nghệ và truyền thông qua Internet cũng như mạng xã hội.
Thứ năm, nên tận dụng thời cơ, lợi thế từng thời điểm để quảng bá văn hóa. Việt Nam đang được biết đến là đất nước chống dịch Covid-19 khá tốt, nếu biết cách truyền thông có thể giới thiệu được văn hóa đương đại thông qua sự khác biệt và an toàn ở thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, ngành xuất bản cần chính sách hỗ trợ trong việc xuất khẩu văn hóa thông qua sách. Nếu có các chính sách phù hợp hoặc nguồn vốn hỗ trợ cho các nhà xuất bản và công ty sách mang sách Việt ra nước ngoài thì sẽ là một cơ hội rất tốt.
Việt Nam có thể học hỏi chính sách từ các quốc gia thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc… để làm hình mẫu cho chính ngành xuất bản nước nhà.