Chiều 28/12, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, 16 chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát biểu tham luận. Các ý kiến tham luận chủ yếu liên quan đến phát triển kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu... tại các địa phương.
Đua nhau xin tiền triển khai hàng loạt dự án lớn
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, kiến nghị trong 5.000 tỷ đồng đầu tư vào sân bay Long Thành trong năm 2017, Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng để tỉnh sớm bố trí cho việc di dân tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng để tỉnh sớm tiến hành việc di dân tái định cư. Ảnh minh họa. |
Riêng về hội đồng giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và lập khung chính sách, tỉnh này kiến nghị cần triển khai thật sớm để Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sớm đưa vào khai thác. Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị triển khai nhanh việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên để giảm tải cho Xa lộ Hà Nội.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh thông tin Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh lẽ ra thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải nhưng do nhu cầu cấp bách, Trung ương, Chính phủ đã đồng ý giao cho tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng đường cất – hạ cánh số 2.
Đại diện tỉnh này cho rằng việc đầu tư xây dựng đường băng trên là rất cần thiết. Ông dẫn chứng năm nay lượng khách đến đây tăng hơn 80% so với năm 2015. Cụ thể, năm 2015, theo kế hoạch sân bay này đón 1,5 triệu lượt khách nhưng thực tế họ đã đón 2,3 triệu lượt. Đến năm 2016, con số này đã tăng lên thành 4,1 triệu lượt.
“Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.936 tỷ đồng thuộc dự án nguồn chi Trung ương nhưng tỉnh Khánh Hòa cũng đã có nhiều cố gắng đáp ứng được 50% còn thiếu 50% số vốn nên đề nghị Chính phủ quan tâm giúp đỡ. Do chưa được xem xét nên dự án đang chậm tiến độ 3 tháng. Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ ban ngành quan tâm để Khánh Hòa thực hiện dự án”, ông Vinh nhấn mạnh.
Không chịu kém cạnh, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng xin xây dựng Cảng quốc tế cửa ngõ Hải Phòng.
“Chính phủ đã cho phép Hải Phòng xây dựng 2 cầu cảng. Tuy nhiên, do áp lực tăng trưởng hàng hóa qua cảng nên Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng ngay cầu cảng số 3, số 4 và các cầu cảng tiếp theo ngay trong năm 2017”, ông Tùng nói.
Nhân hội nghị này, ông Tùng cũng đề nghị Chính phủ cho phép Hải Phòng xây dựng thêm nhà ga số 2 tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi bằng nguồn vốn xã hội hóa để giảm tải cho nhà ga số 1.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét xây dựng luôn tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Quảng Ninh để giảm thiểu áp lực vận tải bằng đường bộ qua Hải Phòng và một số tỉnh thành khác”, ông Tùng phát biểu.
Về các kiến nghị, đề xuất trên, Thủ tướng phát biểu: “Để tư nhân họ làm. Nếu họ muốn làm thì phân chia, không phải hạn hẹp gì. Mình cứ nói là ngân sách không có mà cứ giành lấy để làm là không nên”.
Xin "đất vàng" để phát triển du lịch
Không chỉ xin tiền làm dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, còn xin Chính phủ hỗ trợ kinh phí bồi thường giải tỏa để triển khai dự án ở Vân Phong; quản lý hoạt động du lịch.
Về việc này, Thủ tướng đồng ý để tỉnh trên di chuyển khu hành chính vào núi, nhường khu "đất vàng", tận dụng cảnh quan xinh đẹp cho phát triển du lịch.
Không lâu sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông kiến nghị Chính phủ quy hoạch khu du lịch Tam Trúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nên xin cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Đại diện tỉnh Kiên Giang đề xuất phát triển du lịch Phú Quốc đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm trình UBTV Quốc hội cho phép thành lập huyện đảo Thổ Chu.