Đang điều trị bệnh ung thư phổi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn cho ra đời cuốn tiểu thuyết mới mang tên Hỗn độn. Chỉ ra những trật tự trong hỗn độn và nêu lên ý nghĩa của kiếp nhân sinh, cuốn tiểu thuyết vừa giới thiệu đã gây ấn tượng mạnh với người đọc.
Thoái hóa tinh thần mới đáng sợ
Hỗn độn - dày 616 trang, NXB Hội Nhà văn ấn hành - có thể xem là cuốn tiểu thuyết ấn tượng nhất trong giai đoạn văn học đương đại mấy năm gần đây. Ngay từ những trang đầu, độc giả sẽ thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục hẳn đã dành nhiều năm tâm huyết, trăn trở và có thể xem Hỗn độn là đứa con tinh thần lớn nhất, tâm đắc nhất trong sự nghiệp văn chương của ông.
Rơm - nhân vật chính - không chỉ là tên mà còn là một dạng tồn tại, một giống loài, một chủng tộc, một giai đoạn phát triển, là “những ai bị xóa bỏ hay tự xóa bỏ toàn bộ nhân thân, gốc rễ, ký ức, tương lai…”, là “biến thái cuối cùng của kiếp người”…
“… Mà chúng cũng không buồn tìm hiểu xem cái danh xưng “Rơm” xuất hiện từ lúc nào, do ai và vì sao? Rơm cũng chả bao giờ băn khoăn là vì cơn cớ nào, y lại có cái tên này? Y chỉ thật sự để ý khi lần đầu tiên nghe nàng bảo. Nàng cũng là một Rơm. Lúc đầu Rơm tưởng nàng nói đùa. Sau gặng mãi, nàng vẫn khăng khăng. Em - Rơm. Anh - Rơm. Chúng ta - Rơm. Rơm ớ người, cố tra mọi thứ tự điển. Chả thấy ở đâu nói đến người Rơm. Rơm đành tra trên mạng. A, hóa ra có thời thiên hạ gọi những đồng bào của Rơm vất vưởng bên góc trời viễn xứ giữa cái thời đảo thiên nghịch địa là “bọn đầu đen”, rồi ở đâu đó, họ lại thay cái danh xưng ấy bằng “bọn xù”... (trích tiểu thuyết “Hỗn độn”).
Hỗn độn miêu tả một cách trần trụi số phận những kiếp người bị xua đuổi hoặc trốn chạy, rơi vào tình trạng vô thừa nhận không riêng trên những miền đất hứa mà còn ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn, những số kiếp long đong, vật vờ… Trong cấu trúc lộn ngược bắt đầu từ Zz, tác giả gọi tên những nhân vật không giống ai với người Rơm, anh Hề, Người Mê, Vong Mũ Sắt, Con Tin, Kỳ Ngông, Người Xanh, Ngợm Xám...
Địa danh trong Hỗn độn cũng không giống ai, như: Ngõ Vong, Rốn Rồng, Vườn Tỏi thuộc tổng Yên Mà Quên, cầu Một Nhịp, thành phố Quỷ, Quảng trường 00 giờ, xứ Lạc Quốc… Thế nhưng, Hỗn độn không phải là không gian hoang tưởng với những nhân vật từ hành trạng cho đến tính cách, nhân cách, số phận có phần kỳ dị, lạc lõng mà thực chất rất nhiều sự thật cuộc sống được phơi bày.
Bìa sách Hỗn độn |
Căn bệnh quan trọng nhất mà tác giả muốn treo biển cảnh báo đến xã hội chính là sự thối rữa, què quặt cả thể chất lẫn tâm hồn trong cõi u mê, tối tăm, giả trá, nhăm nhe biến người thành ngợm, biến ma quỷ và phường vô lại thành những đấng mũ cao áo dài…
Phải chăng con người ai cũng như Rơm, chua xót, cay đắng, tự mổ xẻ đến kiệt cùng, phơi bày đến hết cả tốt - xấu, trắng - đen của chính mình, cô độc, bất lực và trôi dần về phía lỗ thủng thời gian…? Phải chăng càng lầy bao nhiêu trong cuộc đời, lại bấy nhiêu khao khát về một tình yêu tuyệt đối?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (sinh năm 1947 tại Sài Gòn) quê gốc làng Nhang Cát, xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông coi cõi văn thơ của mình là ngôi đền thiêng mà ông một đời thờ phụng, theo đuổi. Bởi ở đó, ông là một nhà văn cảm thấy mình phải có trách nhiệm lớn với cuộc đời, với khát khao làm ra những tác phẩm có ích.
“Vâng, cái kiếp người với tất cả thâm trầm, biến cải trong ái, ố, hỷ, nộ… chính là cốt liệu quan trọng nhất làm nên tác phẩm, chất men gây hứng khởi cho văn sĩ (và cả buồn vui, bi phẫn cùng hy vọng). Đó cũng là điểm quy chiếu để ta xem nhà văn nhìn đời, nhìn người, nhìn thế sự xoay vần ra sao, yêu cái gì, ghét cái gì, muốn cái gì phải chết, phải bị diệt vong, cái gì phải được tôn vinh, tồn tại, phát triển và thăng hoa…” - nhà văn Nguyễn Khắc Phục bày tỏ.
Sống lạc quan cả khi mắc bệnh hiểm nghèo
Những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Khắc Phục ngụ trong một căn nhà nhỏ lánh xa nội đô Hà Nội, tập trung sáng tác và vẽ tranh. Bên cạnh ông hiện có một nàng thơ đồng hành, tri kỷ và cũng là người vợ tha thiết gắn bó, chăm sóc ông những năm cuối đời.
Trang Thanh làm thơ, từng một thời nổi lên trong làng thơ trẻ phía Bắc. Về sống chung với nhau, chị sinh cho nhà văn Nguyễn Khắc Phục một cậu con trai khỏe mạnh, trắng trẻo, bụ bẫm. Dường như đó chính là liều thần dược hiệu quả hơn tất thảy phương thuốc, cho nhà văn sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, bệnh tật và tuổi tác.
Nguyễn Khắc Phục nằm viện điều trị ung thư phổi, theo vợ ông, đến nay đã tròn 5 tháng. Bệnh nan y nhưng ông không hề run sợ; không kêu ca than vãn về sự mệt mỏi, đau đớn. Ông không khó chịu, nhăn nhó dù với căn bệnh này, các thủ tục xét nghiệm phải thực hiện gần như là hằng tuần. Bạn bè đến thăm lúc nào cũng thấy ông cười, tếu táo đủ thứ chuyện và làm thơ con cóc trêu vợ. Ông chỉ thấy sốt ruột vì nằm viện thì mất quá nhiều thời gian, trong khi còn rất nhiều việc phải làm.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sống lạc quan bên gia đình. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Trang Thanh cho biết nhà văn Nguyễn Khắc Phục chỉ chịu nằm lại viện khi nào không đứng dậy mà đi nổi nữa. Còn đi được là ông đòi trốn về nhà để chơi với con cho đỡ nhớ, để… ngồi máy tính, không viết được gì thì cũng đọc tin tức hay chí ít cũng thoải mái ngẫm nghĩ về mọi điều.
Nhiều lúc thấy chồng quá mệt, đi vài bước phải dừng lại thở dốc, thậm chí phải truyền máu, albumin…, Trang Thanh thuyết phục ông ở lại bệnh viện để bác sĩ tiện theo dõi. Thế nhưng, ông vẫn nằng nặc đòi về. Chị muốn chồng yên tâm chữa bệnh nhưng dường như quá nhiều ý tưởng lúc nào cũng sôi sục trong đầu khiến ông cứ muốn làm hết việc này đến việc khác.
Vua kịch bản lễ hội
Nguyễn Khắc Phục được biết đến không chỉ là một nhà văn, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, kịch bản lễ hội và khảo cứu. Ông được mệnh danh là vua kịch bản lễ hội văn hóa tầm cỡ quốc gia.
Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát dàn dựng, công diễn. Ông còn viết vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có 2 kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyễn Khắc Phục làm việc nghiêm túc và miệt mài, như ông từng nói: “Chỉ cần 2 cốc bia hơi Hà Nội và bát bún bung là có thể viết cả ngày…”.