Dù việc chuyển 5 huyện thành quận mới ở giai đoạn xin chủ trương, chuẩn bị lập đề án, thông tin này đã được dư luận quan tâm, đặc biệt là về ảnh hưởng của đề án đến thị trường bất động sản. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cảnh báo rằng việc truyền thông không khéo về đề án này có thể gây biến động trong thị trường bất động sản.
Trong khi đó, chuyên gia cho rằng việc tăng giá đất là quy luật thị trường mà thành phố buộc phải chấp nhận.
Không nên "nhảy" từ huyện lên thành phố
Nói về đề án chuyển 5 huyện thành quận, TS Cao Vũ Minh, Đại học Luật TP.HCM, cho rằng bây giờ là "thời cơ chín muồi" để TP.HCM bắt tay vào thực hiện kế hoạch này. Theo ông Minh, đây là thời cơ đến từ Nghị quyết 1111 của Quốc hội và cũng là hiện thực hóa sự chính danh của các huyện.
Theo TS Minh, các đơn vị hành chính cấp huyện như Bình Chánh, Nhà Bè... bản chất không khác quận 1, 4, 5. Thậm chí, tiềm lực và thời gian tồn tại của các huyện này còn nhiều hơn và lâu hơn so với những quận mới thành lập như Tân Phú, Bình Tân. Ví dụ, tiềm lực kinh tế của Bình Chánh, Nhà Bè hoàn toàn không thua quận 4 - địa phương chỉ rộng 4 km2.
"Hiện nay, đã có nghị quyết về chính quyền đô thị tức là phải có vệ tinh xoay quanh. Những vệ tinh này phải mang tính chất năng động, cơ động thì mới làm được", ông Minh phân tích.
Chuyên gia cho rằng việc tăng giá đất khi có đề án đề xuất đưa 5 huyện lên quận là quy luật thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chuyên gia cho rằng "danh xưng" huyện đang dần trở thành tấm áo quá chật, kiềm chế sự phát triển của 5 huyện trong thành phố. Ở góc độ văn hóa ngoại giao, dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định chủ tịch UBND huyện và quận là như nhau, nhưng khi đi đàm phán, chủ tịch UBND quận tự nhiên thấy tự tin hơn.
Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng thích đến với những nơi có mật độ dân cư đông và điều kiện kinh tế phát triển. Việc nâng cấp huyện lên quận không chỉ thu hút thêm người dân mà còn tạo động lực cho nhà đầu tư đến với các vùng đất này.
Nói về khó khăn của việc nâng cấp huyện lên thẳng thành phố (bỏ qua cấp quận), ông Minh dẫn chứng luật quy định đơn vị hành chính gồm có quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Việt Nam mới có TP Thủ Đức được áp dụng mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Dù vậy, quy chế pháp lý của thành phố mới này đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng.
"Về mặt khoa học, việc 'nhảy' từ huyện lên thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà bỏ qua giai đoạn quá độ là quận có thể tạo nên sự hụt hẫng. Trong trường hợp này nên có bước chuyển tiếp. Muốn nâng cấp cũng được, nhưng phải nhớ câu chuyện đô thị hóa cưỡng bức sẽ không làm cho huyện trở thành đô thị ngay lập tức", ông Minh nêu quan điểm.
Với góc nhìn đó, TS Minh cho rằng thành phố không nên nóng vội mà cần đi từng bước, có cơ sở pháp lý thực tiễn, rõ ràng, khoa học... Trong khoảng 3-5 năm, các huyện có thể được nâng cấp từng bước từ quận rồi lên thành phố.
Khi thực hiện đề án này, thành phố cũng cần chuẩn bị đối mặt với các khó khăn. Ví dụ như nhà đầu tư nhiều hơn, dẫn đến phát sinh thêm vấn đề về môi trường, xây dựng, đất đai, kinh tế, rác thải.
Chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về biến động giá đất sau thông tin nâng cấp 5 huyện thành quận. Ông cho rằng đây là quy luật kinh tế thị trường mà thành phố buộc phải chấp nhận. Mua bán đất đai là quyền dân sự nên không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp nếu người dân thuận mua vừa bán.
Đồng bộ trong giai đoạn tái quy hoạch thành phố
Trao đổi về vấn đề này, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng đề án này là phù hợp với quá trình phát triển của thành phố, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung hàng loạt khu vực.
"Thời điểm thành phố đang bước vào giai đoạn 4.0, phát triển bền vững thì thành phố nên nhân cơ hội này đồng bộ để làm định hướng phát triển", ông Mười phân tích.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ huyện thành quận sẽ khiến người dân phải chuyển đổi toàn bộ giấy tờ hành chính. Các khu dân cư đang là đất nông nghiệp, trồng trọt cũng phải chuyển đổi để tăng diện tích đất ở, hoặc chuyển sang trồng trọt công nghệ cao.
Theo ông Mười, chuyển đổi huyện thành quận kéo theo hàng loạt công việc quản lý Nhà nước cũng như những thay đổi từ xã hội. Tuy nhiên, đề án này sẽ tạo động lực kích thích giá trị gia tăng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các huyện.
Nói về tính khả thi của đề án khi TP.HCM đang thực hiện hàng loạt kế hoạch như phát triển TP Thủ Đức, khu đô thị Tây Bắc..., chuyên gia cho rằng đây là định hướng phát triển cho thành phố trong tầm nhìn hàng chục năm, còn việc thực hiện sẽ phải có giai đoạn, từng bước triển khai kế hoạch phát triển thành phố.
Đề án nâng cấp 5 huyện thành quận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM đã có công văn gửi các huyện về việc góp ý cho dự thảo trên. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, có thể trở thành quận hoặc thành lập thành phố phía bắc TP.HCM.
Trước khi đề án chuyển các huyện thành quận được thực hiện, Sở Xây dựng TP.HCM cần thực hiện đề án khác về việc phân loại đô thị các huyện, xã, thị trấn. Theo lộ trình, trong quý III/2023, bản đề án này cần hoàn thành để phục vụ công đoạn tiếp theo.
Sau khi đề án của Sở Xây dựng được UBND TP.HCM phê duyệt, sở sẽ mời đơn vị tư vấn rà soát lại các tiêu chí để đưa ra kế hoạch phát triển cụ thể cho 3 quận giai đoạn 2024-2025. Đơn vị tư vấn này từng thực hiện đề án thành lập khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM (TP Thủ Đức).