Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dù Trump dịu giọng, thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thể kết thúc sớm

Một năm rưỡi sau khi thương chiến xảy ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tổn thương, nhưng chưa có động lực nào đủ lớn để cả Washington và Bắc Kinh chấm dứt cuộc đối đầu này.

Một năm rưỡi sau khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, đang có một khuôn mẫu dễ nhận thấy dựa trên kịch bản của những gì đã diễn ra.

Đầu tiên, ông Trump sẽ đe dọa đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả, kết hợp với các biện pháp vừa phải để kích thích nền kinh tế. Ông Trump nổi giận và tăng cường trừng phạt. Và nền kinh tế của hai nước ngày càng bị ảnh hưởng nặng hơn.

Mới đây nhất, ông Trump cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, động thái cho thấy dấu hiệu tổng thống Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt với Bắc Kinh. Thị trường tài chính thế giới phản ứng dễ hiểu, các chỉ số chứng khoán đi xuống còn vàng, franc Thụy Sĩ và đồng yen Nhật tăng nhanh.

Chien tranh thuong mai keo dai anh 1
Nhân viên giao dịch tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) theo dõi ông Trump hôm 26/8. Ảnh: Reuters.

Khi đồng nhân dân tệ bắt đầu giảm giá

Tổng thống Mỹ cho rằng những biện pháp trừng phạt của ông đang làm nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương, và nó sẽ khiến Bắc Kinh tuân thủ những yêu cầu của Mỹ về việc mở cửa thị trường, chấm dứt ăn cắp sở hữu trí tuệ đối với các công ty Mỹ.

Nhà Trắng chỉ đúng một nửa. Đúng là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm nhất 3 thập kỷ, một phần là do ông Trump tăng thuế, nhưng nó vẫn tăng trưởng ở mức 6,2% trong quý 2 năm nay. Và vì hàng hóa từ Mỹ đến Trung Quốc giảm mạnh hơn, thâm hụt thương mại giữa hai nước lại tăng lên, tới 29,9 tỷ USD vào tháng 6.

Bắc Kinh luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi, dấu hiệu của việc này là đồng nhân dân tệ đã hạ giá, lên cao hơn mức 7 tệ cho 1 USD. Việc ông Tập chấp nhận để ông Trump cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ cho thấy Bắc Kinh dường như đã bỏ qua hy vọng về một thỏa thuận thương mại.

Thay vào đó, ông Tập đang chờ đợi xem sự hiếu chiến của ông Trump có thành "gậy ông đập lưng ông" hay không. Quyết định tăng thuế mới nhất của ông Trump rất đáng mong chờ vì đây là lần đầu tiên, những sản phẩm tiêu dùng của người Mỹ như điện thoại, máy tính xách tay và quần áo bị áp thuế.

Thêm nữa, Trung Quốc rất khó để có thể chấp nhận một sự nhượng bộ lớn nào vào thời điểm này, vì điều đó sẽ bị coi là yếu thế trước sức ép của Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng, tăng trưởng quý 2 đạt 2,1%, cao hơn một chút so với dự báo 2%. Không giống như ông Tập, ông Trump không có khả năng hạ giá USD để kích thích xuất khẩu.

Dù cho ông đã tăng cường sức ép lên chủ tịch Fed, thậm chí còn đặt câu hỏi "Ai là kẻ thù lớn hơn của nước Mỹ, Jerome Powell hay ông Tập?", người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang vẫn không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ giảm lãi suất vào lúc nào hoặc giảm bao nhiêu.

Chien tranh thuong mai keo dai anh 2
Lộ trình áp thuế với hàng hóa Trung Quốc của ông Trump. Đồ họa: AP.

Tổng thống Mỹ thậm chí còn yêu cầu các công ty nước này phải rời bỏ Trung Quốc và quay lại quê nhà để sản xuất.

Tuyên bố này của ông Trump khiến nhiều người bất ngờ, vì từ lâu Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì sử dụng các công ty thuộc sở hữu nhà nước như các công cụ để can thiệp vào thị trường, và giờ đây đến lượt tổng thống Mỹ ra lệnh cho các công ty làm theo ý của ông.

Kinh tế Mỹ vẫn ổn, Trump tiếp tục cứng rắn

Với một người sẽ tái tranh cử vào năm sau, ông Trump có tính toán riêng của mình. Những biện pháp thuế quan được cho là sẽ khiến hình ảnh ông Trump trở nên mạnh mẽ trong mắt những cử tri trung thành - những người dân tộc chủ nghĩa, những người coi cuộc chiến thương mại là điều gì đó cần phải làm với Trung Quốc, điều mà các chính quyền trước đã bỏ qua.

Tuy nhiên, ông Trump còn đi xa hơn so với những người tiền nhiệm của mình. Trong những tuyên bố của mình, ông Trump vẽ lên một hình ảnh Trung Quốc đang lừa gạt và hưởng lợi từ người Mỹ. Ông Trump sẽ không giải quyết mọi chuyện bằng một đơn kiện lên WTO - tổ chức mà ông coi là không có ý nghĩa.

Thay vào đó, theo người đứng đầu Nhà Trắng, các công ty Mỹ cần phải rời bỏ Trung Quốc, rời bỏ thị trường và chuỗi cung ứng khổng lồ này. Kinh tế Mỹ cần phải tách biệt khỏi Trung Quốc.

Theo New York Times, kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, các chuyên gia thương mại đã gặp khó khăn trong việc phân tích những lời nói và hành động thường mâu thuẫn của tổng thống, để xác định niềm tin chính sách thật sự của ông Trump.

Các chuyên gia đi đến kết luận rằng chính sách của ông Trump là luôn linh hoạt, tùy thuộc vào việc ông lắng nghe cố vấn nào và cũng tùy thuộc vào việc ông lắng nghe chương trình nào trên truyền hình về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, đặc biệt là những gì diễn ra ở thị trường chứng khoán.

Chien tranh thuong mai keo dai anh 3
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị G7 đang diễn ra ở Biarritz, Pháp và cho biết phía Trung Quốc đã liên lạc để nối lại đàm phán thương mại. Ảnh: AP.

Những cố vấn với quan điểm cứng rắn của ông Trump, trong đó có Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, thúc giục tổng thống kéo kinh tế Mỹ ra khỏi sự liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, và coi những tổn thất kinh tế là không thể tránh khỏi trong quá trình đòi lại vị thế siêu cường của Mỹ.

Triển vọng cho một thỏa thuận đang ngày càng nhỏ lại, và ở cả Washington cũng như Bắc Kinh, cảm giác về một sự thay đổi vĩnh viễn đã xảy ra. Bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến thương mại này, Trung Quốc và Mỹ sẽ phản ứng với sự thận trọng cao độ.

Lo bất ổn, CEO các tập đoàn Mỹ bán tháo cổ phiếu y như thời 2007

Các CEO Mỹ đang bán tháo cổ phiếu doanh nghiệp mình giữa bối cảnh ngày càng nhiều hoài nghi rằng thị trường chứng khoán đang như một bong bóng sắp vỡ.

Dự hội nghị G7 - nhớ ‘rào trước đón sau’ khi phản bác TT Trump

Các nguyên thủ đã vận dụng sự hài hước, nhẹ nhàng nhất có thể tại hội nghị G7 dù còn nhiều bất đồng từng khiến hội nghị trước đây kết thúc trong ồn ào.



Sơn Trần

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm